Chuyện súng đạn và khủng bố ở nước Mỹ

Vài giờ trước khi xảy ra vụ xả súng hàng loạt tại một nhà hát ở bang Louisiana, Mỹ mới đây, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã phát biểu với kênh BBC rằng một trong những điều khiến ông tức giận nhất là không thể thông qua một bộ luật nghiêm ngặt hơn về kiểm soát súng đạn. Sự không hài lòng của người đứng đầu nước Mỹ là điều dễ hiểu khi thống kê cho thấy từ sau vụ khủng bố 11/9/2001, số người bị khủng bố giết ở Mỹ là 74 trong khi số người chết liên quan đến súng đạn lên tới hơn 150.000.

Cảnh sát Mỹ gác tại trung tâm tuyển quân trên quảng trường Thời đại ở New York ngày 16/7. Ảnh: AFP/TTXVN


Sau vụ khủng bố ngày 11/9, nước Mỹ đã phản ứng dữ dội trước mối đe dọa của chủ nghĩa khủng bố thông qua việc áp đặt các biện pháp phòng chống bất thường, từ xâm lược nước khác để diệt trừ khủng bố, mở chiến dịch quân sự trị giá hàng tỷ đô la chống khủng bố ở nhiều nước, chi hơn 800 tỷ USD đảm bảo an ninh nội địa, thậm chí xâm phạm quyền riêng tư của công dân để ngăn chặn khủng bố.

Nhờ hành động quyết liệt mà số người chết vì khủng bố trong suốt hơn chục năm qua chưa vượt qua con số 100. Nhưng khi số người Mỹ chết dưới chính họng súng, viên đạn của người Mỹ cao gấp hàng nghìn lần thì lại không có hành động nào được thực thi để ngăn chặn. Xả súng có thể xảy ra bất kỳ nơi nào trên nước Mỹ: trường tiểu học, trường trung học, trường đại học, trung tâm tuyển quân, nhà hát, công viên, nhà thờ… Càng nhiều súng được sử dụng một cách tự do có nghĩa là càng nhiều người chết vì súng, đặc biệt là khi súng có thể dễ dàng rơi vào tay những người có vấn đề về tâm thần, những kẻ cuồng tín tôn giáo hay những kẻ cực đoan chống chính phủ. Gần 1/3 hộ gia đình ở Mỹ sở hữu một khẩu súng. Người Mỹ có thể mua súng rất dễ dàng và có thể mua ở mọi nơi như một loại hàng hóa bình thường.

Thống kê của trang shootingtracker.com cho thấy trong 207 ngày đầu tiên của năm 2015, nước Mỹ có 207 vụ xả súng hàng loạt. Cứ thỉnh thoảng, dư luận Mỹ lại rùng mình với những thông tin vừa xảy ra một vụ xả súng ở đâu đó. Tần suất các vụ xả súng nhiều đến mức người Mỹ chấp nhận đó là một phần của cuộc sống vì sau đó sẽ không có gì thay đổi. Bản thân nhiều người Mỹ và giới lập pháp Mỹ cũng cho rằng sở hữu súng là quyền dân chủ, quyền tự vệ chính đáng theo kiểu người tốt có súng để chống lại người xấu có súng.

Cứ sau mỗi vụ xả súng, một lời giải thích khuôn mẫu lại được đưa ra: Thủ phạm có tiền sử bệnh tâm thần. Sau đó, người dân Mỹ lại tiếp tục mọi việc như bình thường, chấp nhận thực tế ở một đất nước mà người ta có nguy cơ bị chết vì bạo lực súng đạn cao gấp 20 lần so với phần lớn các nước phát triển khác. So với Đức, tỷ lệ này còn cao hơn 50 lần. Không phải là nước Mỹ có số người bị bệnh tâm thần cao gấp 50 lần so với Đức. Chỉ đơn giản là vì người Mỹ có rất nhiều súng so với người Đức.

Trong nhiệm kỳ tổng thống của mình, ông Obama đã rất nỗ lực để giải quyết tình trạng xả súng bừa bãi. Tháng 12/2012, sau vụ một tay súng giết chết 20 học sinh và 6 người lớn ở Newtown, bang Connecticut, ông Obama đã đầu tư khá nhiều công sức để thúc đẩy một dự luật kiểm soát súng nhưng bị Thượng viện Mỹ bác trong một loạt cuộc bỏ phiếu hồi tháng 4/2013.

Năm 2013, ông đã kêu gọi kiểm tra chặt chẽ hơn lý lịch của người mua súng, cấm các loại vũ khí tấn công và cấm các loại ổ chứa được nhiều đạn. Nhưng ngay cả dự luật về kiểm tra lý lịch cũng không qua nổi Thượng viện do vấp phải sự phản đối của cả các nghị sĩ Cộng hòa và nghị sĩ Dân chủ bảo thủ. Khi còn không nhiều thời gian nữa là hết nhiệm kỳ, khả năng ông Obama có thể vận động quốc hội thông qua một dự luật về kiểm soát súng đạn là gần như không thể. Các dự luật của ông đều bị bác dưới sự vận động ráo riết của các thế lực có lợi ích về súng đạn.

Vậy là cứ sau mỗi một vụ xả súng, người đứng đầu nước Mỹ chỉ có thể kêu gọi thắt chặt luật kiểm soát súng và ông thừa nhận thế cân bằng quyền lực hiện nay giữa phe Cộng hòa và Dân chủ ở Washington khiến chính phủ Mỹ không thể làm được một hành động có ý nghĩa về kiểm soát súng đạn. Tất cả những gì ông có thể làm là hơn 20 sắc lệnh hành pháp để nâng cao an toàn trong vấn đề sở hữu súng nhưng việc thực thi các sắc lệnh lại không hề dễ dàng trong bối cảnh xã hội Mỹ.

Phát biểu tại hội nghị thường niên các thị trưởng ở San Francisco sau vụ xả súng tại nhà thờ tại Charleston, bang Nam Carolina ngày 17/6, ông Obama nói: “Chúng ta cần thay đổi quan điểm. Chúng ta phải thay đổi quan điểm của công chúng. Chúng ta phải cảm nhận được sự cấp bách. Và cuối cùng quốc hội sẽ phải thuận theo ý người dân”. Ông cũng từng kêu gọi các nhà tài trợ của đảng Dân chủ hỗ trợ để những chính khách ủng hộ kiểm soát súng đạn được bầu vào quốc hội. Nhưng xem ra lời kêu gọi chỉ như gió thoảng qua khi mà nhiều người dân Mỹ khăng khăng quyền sở hữu súng, còn các chính trị gia vừa chiều theo ý cử tri, vừa thuận theo các nhóm lợi ích chống lưng.

Có thể nói việc 150.000 người Mỹ vô tội chết vì súng đạn trong suốt 14 năm qua không phải là do số phận. Cái chết đó là sản phẩm của luật pháp, của các chính trị gia ráo riết vận động ủng hộ văn hóa súng đạn. Và nếu muốn giảm số vụ xả súng ở Mỹ, cả người dân và giới nghị sĩ cần phải có ý chí chính trị cao hơn lợi ích cá nhân.


Thùy Dương
Xả súng tại Barcelona, 2 du khách bị thương nặng
Xả súng tại Barcelona, 2 du khách bị thương nặng

Tại thành phố Barcelona của Tây Ban Nha đã xảy ra một vụ xả súng khiến 2 du khách bị thương, trong đó có một người bị thương nặng. Cảnh sát được cho đã bắn chết một trong hai nghi phạm thực hiện vụ xả súng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN