Chuyến thăm đầy thách thức của các lãnh đạo châu Âu tới Trung Quốc

Sau lời kêu gọi của Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen vào tuần trước nhằm đánh giá lại quan hệ ngoại giao và kinh tế của Liên minh châu Âu (EU) với Trung Quốc, mọi con mắt hiện đang đổ dồn vào chuyến đi chung của bà với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tới Bắc Kinh.

Chú thích ảnh
Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen (phải) và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Ảnh: Reuters 

Bà Leyen sẽ có cuộc gặp ba bên với ông Macron và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào ngày 6/4, bên lề chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng thống Pháp tới Bắc Kinh. Các vấn đề thương mại như tiếp cận thị trường và cạnh tranh công bằng dự kiến ​​sẽ được thảo luận trong cuộc gặp trên.

Năm 2022, Trung Quốc là đối tác xuất khẩu hàng hóa lớn thứ 3 của EU và là đối tác nhập khẩu hàng hóa lớn nhất của khối. Đây là một chỉ số quan trọng cho thấy mối quan hệ giữa hai bên thực sự đang ở mức như thế nào.

Nhận định về chuyến thăm, Alicja Bachulska, thành viên chính sách tại Hội đồng Quan hệ đối ngoại châu Âu (ECFR), cho rằng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ thuyết phục một số nhà lãnh đạo châu Âu quay trở lại mối quan hệ kinh doanh như bình thường.

“Chúng ta có những thực thể kinh tế lớn, như Đức, Pháp, và giới kinh doanh ở hai quốc gia này, những người có lợi ích rất lớn đối với việc quay trở lại hoạt động kinh doanh như bình thường”, vị chuyên gia trên nhận định.

Chuyên gia Bachulska nói thêm: "Chuyến thăm của Tổng thống Macron và phái đoàn doanh nghiệp Pháp chắc chắn là một tín hiệu đối với Bắc Kinh, cho thấy hợp tác kinh tế vẫn rất cao trong chương trình nghị sự ở Paris, thậm chí là ở cấp độ toàn bộ EU. Điều này cũng được bà Leyen xác nhận rằng châu Âu không tách rời Trung Quốc, theo kiểu của Mỹ".

Bà Leyen từng mô tả về chiến lược của EU với Trung Quốc là “giảm thiểu rủi ro”, thay vì “tách rời”, nhưng chuyên gia Bachulska lưu ý rằng điều này sẽ không dễ dàng.

Bên cạnh hợp tác kinh tế, mục đích của chuyến thăm còn liên quan tới quan hệ Trung - Nga. Mặc dù ông Macron muốn tận dụng chuyến thăm để tác động tới mối quan hệ Trung Quốc và Nga, nhưng một số nhà phân tích cảnh báo rằng nhà lãnh đạo Pháp không có nhiều cơ hội do bản chất của mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Moskva mang tính chiến lược cao.

Ngoài ra, theo ông Antoine Bondaz, giảng viên cao cấp tại Viện Nghiên cứu Chính trị Paris (Science Po Paris), những gì Tổng thống Pháp và Chủ tịch Ủy ban châu Âu có thể làm là cảnh báo Trung Quốc về những hậu quả có thể xảy ra trong trường hợp hỗ trợ thêm quân sự cho Nga và cũng tìm cách hiểu rõ hơn về khả năng Nga triển khai vũ khí hạt nhân ở Belarus.

Công Thuận/Báo Tin tức
EU với chiến lược mới: 'Giảm thiểu rủi ro từ Trung Quốc'
EU với chiến lược mới: 'Giảm thiểu rủi ro từ Trung Quốc'

Trước thềm chuyến công du Trung Quốc cùng Tổng thống Pháp Macron, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã đưa ra định hướng về quan hệ EU-Trung Quốc trong tương lai. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN