EU quá tải vì hai cuộc xung đột ở Ukraine và Trung Đông

Các nhà lãnh đạo EU khẳng định họ có thể giải quyết hai cuộc khủng hoảng cùng một lúc - nhưng trên thực tế điều đó dường như đang khiến họ quá tải.

Chú thích ảnh
Thủ tướng Đức Olaf Scholz (phải) thảo luận với Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen tại Hội nghị thượng đỉnh EU ở Brussels, Bỉ ngày 27/10/2023. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo bình luận của tờ Politico (Mỹ) mới đây, cuộc xung đột Nga - Ukraine đầu năm 2022 là bước ngoặt lịch sử đối với chính sách đối ngoại và an ninh châu Âu. Nhưng mặc dù xung đột ở Trung Đông vừa bùng phát có những hậu quả sâu rộng tương tự, các nước EU vẫn chưa thể hiện được sự đoàn kết.

Khi các nhà lãnh đạo EU gặp nhau tại hội nghị thượng đỉnh vào tuần trước, họ khẳng định có thể xử lý cả cuộc chiến ở Ukraine và ở Trung Đông cùng một lúc – đồng thời vẫn chú ý đến căng thẳng giữa Kosovo và Serbia, cũng như giữa Armenia và Azerbaijan.  

Nhưng tuyên bố trên dường như chỉ là trên lý thuyết. Càng ngày, cuộc xung đột giữa Israel và Hamas càng đẩy Ukraine ra khỏi tâm điểm chính trị. Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo thừa nhận: “Rõ ràng là cuộc xung đột ở Trung Đông đang phủ bóng lên những gì đang diễn ra ở Ukraine”.

Bất chấp tham vọng của Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen nhằm biến EU thành một nhân tố “địa chính trị” trên trường quốc tế, hai cuộc xung đột đang thử thách giới hạn chính sách đối ngoại của EU, đặc biệt là khi các nhà lãnh đạo châu Âu đang gặp khó khăn trong việc điều chỉnh lập trường đối với Israel.

Ngay cả câu hỏi tưởng chừng như đơn giản về kêu gọi tạm dừng xung đột để cho phép viện trợ nhân đạo vào Gaza cũng đã gây ra tranh cãi ngoại giao phức tạp. Trong khi quyền Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sánchez và một số nhà lãnh đạo thành viên EU ủng hộ việc ngừng bắn vì nhân đạo, Đức và các quốc gia khác vẫn tỏ ra dè dặt trước lời kêu gọi đình chiến, vốn có thể được coi là đi ngược lại “quyền đáp trả” của Israel nhằm vào Hamas.

Nhìn lại, cuộc xung đột Nga - Ukraine đầu năm 2022 là bước ngoặt lịch sử đối với chính sách đối ngoại và an ninh của EU. Cú sốc của cuộc khủng hoảng này ở châu Âu đã dẫn đến tình đoàn kết chưa từng có với Ukraine. Nhưng mặc dù cuộc xung đột ở Trung Đông có những hậu quả sâu rộng tương tự, các nước EU vẫn chưa thể hiện sự thống nhất như trước, khi nhiều nhà lãnh đạo EU lo ngại sự chia rẽ chính trị giữa các phe ủng hộ Israel và ủng hộ Palestine, cũng như những hậu quả khác do các cuộc tấn công bạo lực và biểu tình trên đường phố lan rộng ở châu Âu. 

Một quan chức EU phát biểu trong điều kiện giấu tên cho biết: “Đây là một cuộc tranh luận công khai, ảnh hưởng đến toàn bộ xã hội châu Âu và gây ra tình trạng bất ổn ở một số thành phố của EU. Do đó, cuộc khủng hoảng này đang chi phối tâm trí của các nhà lãnh đạo EU”. 

Các cuộc tấn công khủng bố gần đây ở Pháp và Bỉ đã tăng thêm cảm giác lo ngại đó. Bạo lực gia tăng càng gây tâm lý bất an trước cuộc bầu cử châu Âu vào tháng 6 năm sau. Ở Bỉ, nơi tổ chức cuộc bầu cử quốc gia cùng ngày với cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu, đảng cực hữu Vlaams Belang hiện được coi là đảng lớn nhất và đang tận dụng tình trạng mất an ninh của Bỉ trước vụ tấn công khủng bố khiến hai cổ động viên bóng đá Thụy Điển thiệt mạng. 

Ukraine bị lãng quên?

Ông Luigi Scazzieri thuộc Trung tâm Cải cách châu Âu, một tổ chức nghiên cứu cho rằng việc quản lý cả hai cuộc xung đột sẽ là một nỗ lực khó khăn đối với châu Âu: “EU sẽ phải phân chia nguồn lực tài chính và sự chú ý giữa Ukraine và Gaza. Do đó, vấn đề Ukraine sẽ bị lu mờ dần và EU khó có khả năng hỗ trợ kinh tế và quân sự lớn cho Kiev trong tương lai”.

Dường như lo ngại về sự phân tâm trong bối cảnh bất ổn ở Trung Đông, Ukraine đang tăng cường kêu gọi không chỉ viện trợ và vũ khí mà còn kêu gọi các nước phương Tây tăng mạnh đầu tư vào thiết bị quân sự, đặc biệt là đạn dược và phòng không. 

Chú thích ảnh
Chiến sự ở Trung Đông đang thu hút sự chú ý của quốc tế khỏi Ukraine. Ảnh: AFP

Trong khi đó, những người ủng hộ mạnh mẽ nhất của Ukraine ở EU là Ba Lan và các nước vùng Baltic đang cảnh báo các đối tác Tây Âu không nên “lãng quên” cuộc xung đột đang diễn ra ở phía Đông của EU.

Ngoại trưởng Litva Gabrielius Landsbergis nói với các phóng viên rằng cuộc xung đột ở Israel đang “làm mất tập trung” khi tại một cuộc họp cấp ngoại trưởng EU vào tuần trước, lần đầu tiên vấn đề Israel đã loại vấn đề Ukraine ra khỏi chương trình nghị sự hàng đầu. Ông Landsbergis kêu gọi: “Khi nói đến các ưu tiên, chắc chắn Ukraine nên là ưu tiên hàng đầu, đó là cuộc xung đột chính, nó nằm ở sát biên giới của chúng ta”. 

Không chỉ riêng Litva, một số quốc gia EU khác cũng cảnh báo rằng Brussels không thể chuyển hướng chú ý “khỏi cuộc xung đột đang diễn ra ở châu Âu và ngay cạnh biên giới vài thành viên của họ”. 

Tuy nhiên, cách xử lý của EU đối với cuộc xung đột Israel – Hamas đã phần nào làm suy yếu các thỏa thuận của EU với Ukraine. Ngoài ra, ảnh hưởng của Brussels ở thế giới Hồi giáo đang suy giảm nhanh chóng vì những gì được coi là lập trường “quá thân thiện” với Israel của Ủy ban châu Âu. Đó là những điều chứng tỏ rằng khối này đang quá tải vì các cuộc khủng hoảng. 

Chuyên gia Scazzieri nêu quan điểm: “Quan điểm về tiêu chuẩn kép của EU sẽ ngày càng được khẳng định khi số lượng dân thường thiệt mạng ở Gaza tăng lên. Điều đó sẽ khiến việc đạt được sự đồng thuận cho Ukraine trên các diễn đàn quốc tế trở nên khó khăn hơn”. 

EU cũng làm thất bại các tham vọng chính sách đối ngoại thông qua phản ứng và bất đồng về cách xử lý cuộc chiến Israel - Hamas.

Nhà phân tích James Moran thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách châu Âu nói: “Cách xử lý ban đầu của EU không hề hữu ích chút nào, đặc biệt là những tranh cãi và bất đồng quan điểm chung về lời kêu gọi tạm dừng giao tranh để cung cấp viện trợ nhân đạo. Những điều đó không giúp ích gì cho hình ảnh của EU, đó là điều chắc chắn”.

Trước hội nghị thượng đỉnh EU diễn ra từ ngày 26-27/10 vừa qua, ngay cả ngôn từ chính xác về việc tiếp cận viện trợ nhân đạo cho người Palestine trong kết luận của hội nghị cũng là một cuộc tranh cãi gay gắt giữa các nước EU vì tính nhạy cảm lịch sử liên quan đến cuộc xung đột. Trong khi Tây Ban Nha và các nước khác ủng hộ từ “ngừng bắn”, thì các quốc gia khác, trong đó có Đức, đã bác bỏ điều đó và ủng hộ từ ngữ nhẹ nhàng hơn, chẳng hạn như “tạm dừng giao tranh vì nhân đạo”. Vì di sản của Thế chiến thứ hai, Berlin không muốn bày tỏ hạn chế “quyền tự vệ” của Israel.

Một quan chức EU khác giải thích rằng “từ ngữ rất quan trọng” và các cuộc đàm phán như vậy giúp thúc đẩy sự thỏa hiệp giữa các quốc gia. Nhưng nhìn từ bên ngoài, cuộc tranh luận về ngôn từ có nguy cơ làm bộc lộ sự chia rẽ trên khắp lục địa. Một nhà ngoại giao EU kết luận: “Chúng tôi phải thừa nhận rằng cuộc xung đột Israel - Palestine là vấn đề gây chia rẽ nhất trên thế giới - kể cả trong EU”.

Công Thuận/Báo Tin tức
EU cam kết tiếp tục hỗ trợ quân sự cho Ukraine
EU cam kết tiếp tục hỗ trợ quân sự cho Ukraine

Ngày 27/10, kết thúc hội nghị thượng đỉnh tại Brussels (Bỉ), lãnh đạo các nước Liên minh châu Âu (EU) đã ra tuyên bố chính thức, trong đó có nội dung liên quan tới cuộc xung đột tại Ukraine.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN