Họa vô đơn chí với “gã khổng lồ” Gazprom

Những khó khăn đối với Gazprom vẫn tiếp tiếp diễn và tập đoàn khí đốt nhà nước này sẽ phải đối mặt với tương lai tiềm ẩn nhiều bất ổn.

Việc chính quyền Mỹ mở rộng trừng phạt, áp đặt cấm vận chống Gazprom tại dự án khí đốt Sakhalin-3 làm trầm trọng thêm những vết thương mà “người khổng lồ” khí đốt Nga đang phải chịu đứng. Washington cảnh báo các đối tác không được chuyển giao công nghệ, thiết bị cho phía Nga tại mỏ khí đốt trong bồn địa Yuzhno-Kirinskoye thuộc quần đảo Sakhalin. Tác động tức thời thì đã rõ: Đòn cấm vận này có thể hủy hoại hợp đồng mà mà Gazprom ký kết với Tập đoàn Shell tại Diễn đàn Kinh tế thế giới St. Peterburg hồi tháng 6 vừa qua. Thỏa thuận này là một nỗ lực của Gazprom nhằm thúc đẩy một liên minh chiến lược trong ngành khí đốt, từ khâu khai thác, sản xuất đến tiêu thụ.

Thêm thông tin chẳng mấy tích cực: Báo cáo mới nhất của Bộ Kinh tế Nga cho biết, sản lượng khai thác của Gazprom trong 6 tháng đầu năm nay giảm 13% so với cùng kì năm ngoái, làm cho tổng sản lượng cả năm chỉ ước đạt 414 tỉ m3 khí, mức thấp nhất trong thời kì hậu Xô Viết. Giới phân tích dự đoán sản lượng giảm cùng với đà lao dốc của giá dầu mỏ, khí đốt có thể đánh tụt doanh thu của Gazprom xuống mức 106 tỉ USD trong năm nay.

Trụ sở của Gazprom tại thủ đô Moskva. Ảnh: Gazprom.ru


Có nhiều nguyên nhân đưa đến những phỏng đoán u ám này. Đầu tiên là sự thất bại của Gazprom trong công tác điều hành ở tầm chiến lược. Nhiều chuyên gia nhìn nhận, tập đoàn đã đầu tư thái quá vào năng lực khai thác, chuyên chở trong lúc thị trường có biến động lớn về cung cầu, chủ yếu liên quan đến cuộc cách mạng dầu, khí đá phiến và đà suy giảm kinh tế của Liên minh châu Âu. Hệ quả là Gazprom hiện duy trì năng lực khai thác ở mức 610-615 tỉ m3/năm, chỉ bằng 1/3 mức tổng công suất.

Cùng lúc, “người khổng lồ” khí đốt Nga còn chịu tác động của nhiều yếu tố không thuận vượt khỏi tầm kiểm soát. Điển hình nhất là cuộc khủng hoảng Ukraine đã làm cho Gazprom mất đi một khách hàng lớn nhất ngay kề bên, do Kiev bằng mọi cách huy động nguồn khí nhập khẩu ngược từ các nước châu Âu ngoài Nga.

Nhu cầu yếu đi của Trung Quốc cũng khiến nhiều người bất ngờ. Khi lãnh đạo Nga – Trung hân hoan tuyên bố về thỏa thuận khí đốt lịch sử tháng 5/2014 mang tên đường ống “Sức mạnh Siberia”, Gazprom những tưởng sẽ có được một thị trường cực lớn. Liền sau đó hai bên cũng ký Bản ghi nhớ về dự án kế tiếp mang tên “Đường ống Altai” (Sức mạnh Siberia-2), cho phép Gazprom kết nối các mỏ đã vận hành ở phía Tây tới thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, thực tế không thật sự như mong đợi.” Đường ống Altai” hiện đã bị gác lại vô thời hạn do sự chuyển hướng của Trung Quốc liên quan đến nhu cầu giảm và việc nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tìm kiếm các nguồn cung mới. “Sức mạnh Siberia” vẫn được triển khai, nhưng khúc mắc lớn nhất liên quan đến giá thì dường như vẫn chưa được giải quyết. Siêu dự án khó có thể hoàn thành theo kế hoạch, vì Bắc Kinh chưa chịu hỗ trợ tài chính cho Moskva cho phần xây dựng trên đất Nga, đồng thời Nga phải tự bỏ tiền để phát triển các mỏ hoàn toàn mới ở miền Đông Siberia đầy thách thức.

Cuối cùng, nguồn cung dư thừa cộng với nhu cầu yếu trên phạm vi toàn cầu đã đẩy giá dầu lao dốc kể từ giữa năm 2014 trở lại đây. Giá có phục hồi đôi chút trong tháng 5-6/2015, nhưng kể từ tháng Bảy tới nay lại tiếp tục dò đáy mới, rơi xuống mức thấp nhất trong vòng 6 năm rưỡi trở lại đây. Chốt phiên giao dịch ngày 19/9, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 9/2015 chỉ còn 40,8 USD/thùng, dầu Brent Biển Bắc ở mức 46,81 USD/thùng. Điều không may với Gazprom là rổ giá dầu luôn được xem là căn cứ để ký kết các hợp đồng mua bán khí đốt.

Gazprom đang đứng trước một tương lai biến động. Nó khiến tập đoàn này lại phải tái xem xét lại khả năng sẽ tiếp tục trung chuyển khí đốt qua Ukraine tới châu Âu sau khi hợp đồng giữa hai bên hết hạn vào năm 2019, một công việc không hề đơn giản. Số phận của “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ”, một dự án mà Gazprom từng đặt rất nhiều hy vọng sau khi từ bỏ “Dòng chảy phương Nam” cũng chưa rõ ràng, với công suất nhiều khả năng sẽ phải giảm xuống chỉ còn 1/3 so với dự tính ban đầu. Giá dầu thấp trong trung hạn do các yếu tố kinh tế, cung cầu thị trường sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới doanh thu và lợi nhuận của Gazprom.
Hoài Thanh (Theo Russiadirect, oilprice)
Nga, Thổ Nhĩ Kỳ ngừng đàm phán xây đường ống khí đốt
Nga, Thổ Nhĩ Kỳ ngừng đàm phán xây đường ống khí đốt

Các cuộc đàm phán xây dựng đường ống dẫn khí đốt giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã bị hoãn do thiếu hiệp định quan trọng về giảm giá khí đốt mà Nga bán cho Ankara.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN