Khủng hoảng Ukraine dưới góc nhìn từ Belarus

Có vẻ như Điện Kremlin và Washington đang tiến hành một chiến dịch phối hợp, bất thành văn, để gây áp lực buộc Ukraine tuân thủ Thỏa thuận Minsk.

Giáo sư, Tiến sĩ Grigory Ioffe, người Nga, sống ở Mỹ, chuyên nghiên cứu về Belarus bình luận trong chương trình Giám sát Á-Âu hàng ngày của Quỹ Jamestown hôm 16/2 cho rằng, căng thẳng về tình hình Ukraine tiếp tục khiến giới chuyên gia phải đoán già đoán non. Một mặt, những cảnh báo rằng cuộc xâm lược có thể bắt đầu bất cứ lúc nào được đưa ra từ Washington. Mặt khác, có nhiều ý kiến cho rằng cuộc xung đột nổ ra vẫn là một xác suất thấp; điều này chủ yếu đến từ châu Âu, trong đó có cả nước láng giềng phía Bắc của Ukraine, Belarus.

Chú thích ảnh
Tổng thống Nga và người đồng cấp Belarus trong cuộc gặp năm 2020. Ảnh: TASS

Theo Tiến sĩ Ioffe, một ví dụ điển hình về quan điểm này đến từ Tổng thống Belarus Alyaksandr Lukashenka. Trong cuộc phỏng vấn ngày 4/2 với người dẫn chương trình truyền hình hàng đầu của Nga Vladimir Solovyev với câu hỏi: “Ông có thấy khả năng xảy ra một cuộc chiến tranh lớn ở châu Âu không? Đầu tiên là với Ukraine, sau đó là với phần còn lại của châu Âu?”, nhà lãnh đạo Belarus đáp lại rằng: “Không, vì phương Tây sẽ không hy sinh điều kiện sống của mình".

Vài ngày sau, Đại diện cấp cao EU về Chính sách đối ngoại và an ninh Josep Borrell cũng bày tỏ sự nghi ngờ về chiến tranh sẽ bùng phát. Bộ trưởng Ngoại giao Belarus Vladimir Makei ngày 16/2 đã nhấn mạnh "sẽ không có một binh sĩ và thiết bị quân sự nào của Nga” ở lại Belarus sau khi kết thúc cuộc tập trận chung "Quyết tâm Đồng minh 2022", dự kiến kết thúc vào ngày 20/2.

“Có vẻ như Điện Kremlin và Washington đang tiến hành một chiến dịch phối hợp, bất thành văn, để gây áp lực buộc [Tổng thống Ukraine Volodymyr] Zelensky tuân thủ các thỏa thuận Minsk. Mỹ đang đóng vai trò là kẻ khiêu khích, thổi phồng sự cuồng loạn xung quanh việc Nga có thể xâm lược Ukraine, trong khi vai trò của Nga là tạo ra một bức tranh xác nhận khả năng xảy ra xung đột quân sự”, chuyên gia Arseny Sivitsky tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Chính sách Đối ngoại ở Minsk nhận định.

Về phần mình, Artyom Shraibman, học giả không thường trú tại Viện Carnegie về Hòa bình Quốc tế, cũng đồng quan điểm trên. Trong một cuộc phỏng vấn với Đài Tự do Belarus, ông Shraibman nhận xét rằng “nếu Tổng thống Ukraine Zelensky thay đổi lập trường của mình đối với các thỏa thuận Minsk để đối phó với áp lực từ Paris hoặc Berlin, ông sẽ bị các đối thủ chính trị chỉ trích. Đó sẽ là một sự đầu hàng đáng xấu hổ vì áp lực. Nhưng thực hiện điều này trong bối cảnh quân đội Nga ở sát biên giới lại là một điều khác biệt”. Ông Shraibman cũng cho rằng những binh sĩ Nga sẽ rời khỏi lãnh thổ Belarus không muộn hơn một tuần sau khi kết thúc cuộc tập trận Nga-Belarus đang diễn ra.

Trong khi đó, một học giả không thường trú khác tại Carnegie, Andrei Movchan, trích dẫn một báo cáo ngày 9/2 của Trung tâm Nghiên cứu Nga ở Thụy Điển, lưu ý rằng các lực lượng Nga đóng gần biên giới với Ukraine đã không triển khai các đơn vị hậu cần hoặc tác chiến điện tử và kỹ thuật đặc biệt, cũng như chỉ có một số đơn vị của lực lượng không quân Nga ở đó. Những điều này cùng những yếu tố khác dẫn đến dự báo là cuộc xâm lược khó xảy ra.

Một yếu tố bổ sung cho luận điểm ít có khả năng xảy ra chiến tranh Nga-Ukraine là Trung Quốc. Cuối năm ngoái, do tranh chấp giữa Kiev và Vacsava (Warsaw) về giấy phép vận tải đường bộ, Cơ quan Đường sắt Ukraine đã ban hành lệnh cấm vận chuyển hàng hóa từ Nga, Kazakhstan, Trung Quốc và các nước khác đến Ba Lan, vốn có hiệu lực từ ngày 1/12/2021. Hai ngày sau, các hạn chế này được dỡ bỏ đối với việc vận chuyển than từ Nga. Kể từ đầu tháng 2, những hạn chế trên đã bị hủy bỏ hoàn toàn. Theo Zbigniew Tracichleb, người đứng đầu Công ty Đường sắt Ba Lan (PKP), quyết định đó có liên quan đến việc vận tải hàng hóa đến và đi từ Trung Quốc - nghĩa là, sự gia tăng đầu tư liên quan đến Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc.

Không phải ngẫu nhiên việc Ukraine quyết định mở lại mạng lưới đường sắt cho các chuyến tàu chở hàng từ Trung Quốc trùng hợp với tin tức về việc Trung Quốc đang tăng cường đầu tư vào một trung tâm hậu cần lớn ở Ba Lan và việc khởi động dự án hiện đại hóa đường cao tốc M1 ở Belarus trị giá 2  - 2,5 tỷ USD. Trung Quốc chắc chắn sẽ dừng đầu tư trong khu vực này nếu có nguy cơ nổ ra chiến tranh ở nước láng giềng Ukraine. Kế hoạch đầu tư của Trung Quốc cũng được khẳng định sẽ tiếp tục sau khi Chủ tịch nước này Tập Cận Bình có cuộc gặp với Tổng thống Nga Putin ở Bắc Kinh hồi đầu tháng 2 này.

Cuối cùng, Giáo sư Ioffe cho rằng cuộc điện thoại gần đây của Tướng Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ với Tổng Tham mưu trưởng Các Lực lượng Vũ trang Belarus, Thiếu tướng Viktor Gulevich cũng là một dấu hiệu cho thấy chiến tranh chưa xảy ra. Bất kể nội dung của cuộc điện đàm là gì, người ta có thể hiểu sự kiện này thể hiện việc Mỹ vẫn tôn trọng chủ quyền của Belarus. Hơn nữa, Belarus đã nhanh chóng phản hồi yêu cầu từ Litva, Latvia và Estonia giải thích về hoạt động quân sự trên lãnh thổ của mình và đưa ra câu trả lời trong khuôn khổ Văn kiện Vienna 2011 của Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu (OSCE).

Phản hồi chính thức của Minsk tuyên bố rằng tổng quân số và vũ khí tham gia cuộc tập trận Quyết tâm Đồng minh hiện tại không vượt quá ngưỡng thông báo mà tài liệu đó đưa ra. Phản hồi cũng lưu ý rằng tất cả các đơn vị quân đội Nga phải rời khỏi lãnh thổ Belarus sau cuộc tập trận và “lệnh rút quân đang trong quá trình phối hợp”. Belarus cũng đã cung cấp đầy đủ thông tin về cuộc tập trận và mời các quan sát viên cũng như các hãng truyền thông từ 17 quốc gia đến theo dõi. Những lời mời này đã gửi đến cả ba quốc gia vùng Baltic ngày 9/2.

Tóm lại, theo quan điểm từ Belarus, có nhiều dấu hiệu cho thấy sẽ không có chiến tranh nổ ra giữa Nga và Ukraine trong bối cảnh có những đồn đoán rằng xung đột quy mô lớn là không thể tránh khỏi.

Công Thuận/Báo Tin tức
Belarus tiết lộ lý do tập trận với Nga gần biên giới Ukraine
Belarus tiết lộ lý do tập trận với Nga gần biên giới Ukraine

Tại cuộc gặp với chính trị gia Ukraine Alexander Moroz ngày 14/2, Tổng thống Belarus Aleksandr Lukashenko đã nói về lý do tiến hành cuộc tập trận quân sự với Nga gần biên giới với Ukraine.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN