Liệu 'Mùa xuân Arập' có xuất hiện ở Nga?-Kỳ 1

Theo Giáo sư chính trị học Peter Rutland tại Đại học Wesleyan, Thành phố Middletown, bang Connecticut (Mỹ), trong vài năm qua đã có một số tranh luận nhất định về tác động của Internet trong đời sống chính trị trên khắp thế giới. Một số người cho rằng trang mạng này cho phép các phong trào đối lập lan truyền và tổ chức các phong trào biểu tình – với "Mùa xuân Arập" là một ví dụ điển hình.

Phần trăm số người Nga sử dụng Internet đã tăng gấp đôi trong vài năm qua, từ 29% năm 2009 lên 64% năm 2013. Trong giai đoạn đó, mức độ của hoạt động chống đối ban đầu cũng tăng lên cho đến giữa năm 2012, nhưng sau đó đã giảm xuống nhanh chóng. Một báo cáo mới, được Erik Nisbet tại Trung tâm Nghiên cứu Liên kết toàn cầu ở Philadelphia công bố giúp giải thích tại sao lại như vậy.

Hình ảnh Tổng thống Nga Putin trong cuộc tuần hành của những người "chống Maidan" phản đối cuộc biểu tình Kiev năm 2014 tại thành phố St.Petersburg. Ảnh: Reuters


Báo cáo dựa trên một cuộc khảo sát đối với 1.600 người trên khắp nước Nga, được thực hiện bởi cơ quan thăm dò ý kiến quốc gia VTsIOM, chỉ ra rằng chỉ một số ít người Nga (khoảng 10%) dựa vào Internet như là nguồn thông tin chủ yếu của họ.

84% trong tổng số người Nga được hỏi coi các kênh truyền hình quốc gia nằm trong số 3 nguồn thông tin hàng đầu của họ, xếp sau là các kênh truyền hình địa phương (chiếm 46%) và tiếp theo là các tờ báo chính thống của nhà nước (30%). Ngược lại, chỉ có 29% xem Internet nằm trong số 3 nguồn tin tức hàng đầu. Kết quả này được lặp lại tương tự trong các cuộc khảo sát do Trung tâm Levada tiến hành.

Đáng chú ý, 90% người Nga (bao gồm 84% những người hay sử dụng Internet) tin vào những thông tin trên các kênh truyền hình trung ương. Rất nhiều người dân Nga bình thường tin tưởng chính quyền, bất chấp một thực tế rằng những người đối lập như Alexei Navalny đã lợi dụng sự phát triển của Internet để đăng tải những tài liệu về vấn đề tham nhũng trong chính quyền, đưa ra những bức ảnh về những ngôi biệt thự xa xỉ của các quan chức chính phủ, và quyên tiền cho mục đích của họ.

Trong khi người Nga tin tưởng truyền hình, nhiều người trong số họ không tin tưởng Internet. Chính phủ Nga từng cho rằng Internet là một công cụ của chính phủ nước ngoài và một nguồn cơn gây bất ổn xã hội, thúc đẩy tất cả mọi thứ, từ tình dục đồng tính đến những ý nghĩ tự tử. Vào tháng 4/2014, Tổng thống Nga Putin nói rằng Internet "nổi lên như là một dự án đặc biệt của CIA".

Trong khi đó, 49% số người được hỏi trong cuộc khảo sát của Nisbet đã đồng ý với tuyên bố rằng thông tin trên Internet cần phải được kiểm duyệt. 42% cho rằng chính phủ quản lý Internet. 10 nghìn trang web đã bị cấm ở Nga kể từ năm 2012 và một luật mới được đưa ra năm 2014 yêu cầu bất kỳ blogger nào có hơn 3.000 lượt truy cập mỗi ngày phải đăng ký với các cơ quan chức năng.

Tuy nhiên, ông Rutland cho rằng có một điểm đáng lưu ý trong các cuộc khảo sát là số người đồng ý với việc kiểm duyệt Internet chưa được 50%. Tỷ lệ ủng hộ cao của người dân đối với ông Putin cũng sẽ không kéo dài mãi mãi. Tại một thời điểm nào đó, người Nga có thể không tin vào những gì truyền hình đang nói với họ. Khi sự ủng hộ của công chúng đối với chính phủ bắt đầu suy yếu, Internet – khi vượt ra ngoài sự kiểm soát của nhà nước - cũng có thể nổi lên như là một nền tảng quan trọng cho việc huy động lực lượng đối lập trong tương lai.


Công Thuận(Còn tiếp)

Kỳ cuối: Tương lai các phong trào biểu tình ở Nga
Nga, Ukraine nhất trí đàm phán với EU về khí đốt
Nga, Ukraine nhất trí đàm phán với EU về khí đốt

Nga và Ukraine đã nhất trí tham gia cuộc đàm phán 3 bên về vấn đề khí đốt theo đề xuất của Liên minh châu Âu (EU) tại Brussels (Bỉ).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN