Mỹ-Trung cáo buộc lẫn nhau gây bất ổn chứng khoán thế giới

Sự sụp đổ của thị trường chứng khoán thế giới đã gây ra một “cuộc chiến tranh cân não” mới giữa Washington và Bắc Kinh trước thềm chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Giao dịch viên làm việc tại sàn giao dịch chứng khoán New York. Ảnh: AFP/TTXVN


Mục đích của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) thắt chặt chính sách tiền tệ vào tháng 9 tới, là nguyên nhân chính gây ra sự sụp đổ của thị trường chứng khoán toàn cầu. Đây là tuyên bố của ông Yao Yudong, Giám đốc Viện Tài chính thuộc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (Ngân hàng Trung ương Trung Quốc - PBoC).

Đây không phải là lời buộc tội đầu tiên của Trung Quốc nhằm vào Mỹ liên quan đến sự bất ổn của thị trường chứng khoán toàn cầu.

Trong “Ngày thứ Hai đen tối” ngay sau sự sụp đổ tiếp theo của thị trường chứng khoán Thượng Hải và Thâm Quyến, cơ quan thông tấn chính thức của Trung Quốc là Tân Hoa Xã đã tuyên bố rằng giá chứng khoán tụt dốc kỷ lục là do bị ảnh hưởng bởi sự sụt giảm đáng kể của thị trường chứng khoán Mỹ.

Trong khi đó, cùng ngày, phát ngôn viên Nhà Trắng Josh Ernest nói rằng chỉ số chứng khoán Trung Quốc có yếu tố chính trị. Theo chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama, Bắc Kinh đã kìm hãm “sự rơi tự do” trên sàn giao dịch chứng khoán, “tác động giả tạo” đến nền kinh tế của Trung Quốc.

Chuyên gia Nikita Maslennikov của Viện Nghiên cứu Hiện đại cho rằng mọi diễn biến trong tương lai gần sẽ phụ thuộc vào sự minh bạch của PBoC và FED. Chuyên gia Nikita Maslennikov nêu rõ: “Tất cả phụ thuộc vào sự rõ ràng mà Trung Quốc sẽ thực hiện trong chính sách tài chính của mình. Và trước hết, Trung Quốc cần nói rõ xem họ sẽ thực hiện cải cách cơ cấu ngành tài chính ở đâu, khi nào và như thế nào.

Còn đối với FED, thể chế này cũng cần đưa ra những đảm bảo chắc chắn cho những người tham gia thị trường trên toàn thế giới. Điều quan trọng là họ cần phải biết một cách rõ ràng xem Mỹ có tăng lãi suất trong tháng 9 hay không. Ít nhất, các thị trường sẽ bình tĩnh lại trước thực tế rằng họ đã biết trước hành động của nhà điều phối.

Cuộc họp của Ủy ban về các thị trường mở của FED sẽ được tổ chức vào ngày 16-17/9 tới. Cho đến thời điểm đó, điều quan trọng là phải đưa ra cho không gian tài chính toàn cầu "một tín hiệu rõ ràng nào đó”.

Nhiều người hy vọng rằng vào ngày 29/8 tới, trong bài phát biểu tại hội nghị chuyên đề kinh tế hàng năm ở Jackson Hole, Phó Chủ tịch FED Stanley Fischer sẽ đưa ra sự đảm bảo và những tín hiệu chắc chắn này. Cùng với những động thái mới của Trung Quốc để ổn định thị trường, hai dòng chảy tin tức này sẽ có thể khiến cho tình hình phần nào ổn định.

Ít nhất là trong tâm trí của các nhà đầu tư sẽ có sự xác định nào đó. Tuy nhiên, ông Nikita Maslennikov nhận định: “Hiện tại, hầu như không có nhà phân tích nào tin rằng Mỹ và Trung Quốc sẽ hành động theo chiều hướng nói trên. PBoC và FED có thể sẽ trì hoãn việc lý giải các quyết định của họ. Thêm vào đó, có một khả năng không nhỏ là một tổ chức tài chính lớn nào đó có thể phá sản, như những gì đã xảy ra trước cuộc khủng hoảng năm 2008 với Lehman Brothers.

"Trong trường hợp này, có thể nói rằng chúng ta đang đối mặt với một sự kiện không mấy tươi sáng trong nền kinh tế toàn cầu nói chung", ông Maslennikov cảnh báo.


Nhà đầu tư theo dõi tỉ giá chứng khoán tại Thượng Hải, Trung Quốc ngày 18/8. Ảnh: AFP/TTXVN


Một mặt buộc tội Mỹ gây biến động thị trường chứng khoán toàn cầu, một mặt Trung Quốc khẩn trương ứng phó với “tình hình trong nước”, đó là giảm tỷ lệ lãi suất tiền gửi ngân hàng và tiền cho vay, đưa ra các yêu cầu về nguồn dự trữ của các ngân hàng.

Các nhà lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc hiện chưa bình luận về nguyên nhân và hậu quả của “Ngày thứ Hai đen tối” và "Ngày thứ Ba không kém phần bi thảm".

Trong khi đó, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cho biết hiện nay không có cơ sở nào khiến đồng nhân dân tệ vẫn tiếp tục mất giá. Ông khẳng định chính phủ có thể hỗ trợ tỷ giá ở mức ổn định. Đối với các nhà đầu tư, đây là một tín hiệu tích cực.

Đối với Nhà Trắng, rõ ràng đây là một yếu tố mới kích thích kinh tế. Sự mất giá của đồng Nhân dân tệ mới đây được đón nhận với thái độ thù địch bởi vì điều đó giúp các nhà xuất khẩu Trung Quốc củng cố vị thế trên thị trường Mỹ. Theo dự đoán, vấn đề này sẽ được Tổng thống Obama nêu lên trong cuộc hội đàm với ông Tập Cận Bình vào tháng 9 tới.

TTK
Phá giá đồng NDT không đến mức khiến thế giới "hoảng loạn"
Phá giá đồng NDT không đến mức khiến thế giới "hoảng loạn"

Giới chuyên gia tài chính nhận định động thái điều chỉnh tỷ giá đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc không đến mức khiến thế giới hoảng loạn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN