Nga tăng cường vị thế ở Địa Trung Hải thông qua Syria

Theo "Foreign Policy", các hoạt động quân sự của Nga không chỉ hậu thuẫn cho chính phủ Syria, mà còn giúp củng cố vị thế của Moskva ở vùng biển Địa Trung Hải.


Lực lượng chiến hạm Nga tập trận trên Địa Trung Hải.

Báo trên bình luận, những năm gần đây Nga đã khôi phục đội tàu chiến tại Địa Trung Hải và nâng cấp cơ sở quân sự ở cảng Tartus của Syria, giáp với sườn Nam của NATO. Tuần trước, đã diễn ra cuộc tập trận quy mô lớn với sự tham gia của tuần dương hạm trang bị tên lửa Moskva ở Đông Địa Trung Hải.


Chuyên gia phân tích của Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược ở Washington, Jeff Mankoff, nhận định: "Nga đang ngày càng tập trung vào phần Đông Địa Trung Hải, nơi họ có các khả năng chiến lược. Có cảm giác rằng Mỹ đang rời khỏi khu vực, và Nga, với vị trí hiện tại của mình ở Syria, có thể mở rộng sự hiện diện quân sự ở đó". Theo Foreign Policy, ở một mức độ nào đó, mục tiêu này là kết quả việc sáp nhập bán đảo Crimea và căn cứ Sevastopol. Báo cho rằng uy lực của Nga tại Biển Đen là phương tiện, chứ không phải mục tiêu cuối cùng.


Do Biển Đen chỉ có một lối ra qua eo biểu Bosporus và Dardanelles, với Nga sự hiện diện ở Đông Địa Trung Hải là vô cùng cần thiết. Moskva đang tăng cường vị thế của mình ở Địa Trung Hải vào thời điểm khi Washington nỗ lực kết thúc cuộc chiến chống khủng bố ở Trung Đông và chuyển hướng lực lượng quân sự sang châu Á. Tình hình này gợi nhớ tới cuộc "khủng hoảng hải quân nghiêm trọng giai đoạn Chiến tranh Lạnh", khi vào năm 1973 trong cuộc xung đột Arab-Israel, Mỹ bỗng thấy mình phải đối mặt với hạm đội hùng mạnh của Liên Xô trong vùng biển mà Washington coi là sân nhà của mình.


Việc Nga tăng cường lực lượng trong khu vực khiến Mỹ lo lắng. Mới đây, Tư lệnh lực lượng NATO ở châu Âu, Tướng Philip Breedlove, cho rằng việc sáp nhập Crimea và đưa tới Syria các loại vũ khí tiên tiến cho phép Nga tạo ra một "vùng kín" ở Biển Đen và Đông Địa Trung Hải. Vấn đề này đã được nêu trong các cuộc vận động tranh cử tổng thống ở Mỹ: ứng cử viên Đảng Cộng hòa Carl Fiorina đã đề xuất tăng cường Hạm đội 6 của Mỹ ở Địa Trung Hải.


* Truyền thông Nga: 3.000 chiến binh khủng bố chạy khỏi Syria


Hãng tin Ria Novosti ngày 5/10 dẫn một nguồn tin quân sự cho biết hơn 3.000 chiến binh của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS), Al-Nusra Dzhebhat, và Jaish al-Yarmuk đã chạy từ Syria sang Jordan do lo ngại các chiến dịch tấn công của quân đội Tổng thống Bashar al-Assad và các cuộc không kích của Nga.

Cũng theo nguồn tin trên, quân đội Syria hôm 4/10 đã ném bom các vị trí của lực lượng khủng bố ở ngoại ô Damascus, cũng như ở các tỉnh Deir ez-Zor và Homs, trong đó có thành phố cổ Palmyra. Tại Deir ez-Zor, binh sĩ Syria đã đánh đuổi IS khỏi nhiều khu vực dân cư. Trong trận chiến này có khoảng 160 chiến binh thiệt mạng. Lực lượng khủng bố đã phá hủy 3 xe bọc thép khiến nhiều binh sĩ Syria bị thương. Binh sĩ Syria cũng phá hủy 2 đoàn xe của lực lượng Hồi giáo gần Palmyra ở tỉnh Homs và nã pháo tiêu diệt 17 chiến binh IS. Cũng tại tỉnh này, máy bay và pháo binh Syria đã tấn công các vị trí của Dzhebhat en Nusra, Kataib al-Farooq và Ahrar al-Sham.

Trong ngày 4/10, tin cho biết sau các vụ Nga không kích cứ điểm của IS ở Raqqa, các chiến binh đã bắt đầu sơ tán gia đình sang thành phố Mosul của Iraq.

TN
Tương lai nào cho Ukraine khi Nga can dự sâu vào Syria?
Tương lai nào cho Ukraine khi Nga can dự sâu vào Syria?

Chiến dịch can thiệp quân sự của Nga vào Syria đang khiến nhiều người Ukraine lo sợ rằng phương Tây sẽ hợp tác với Nga và giảm bớt sự ủng hộ đối với Ukraine. Một số khác thì hy vọng nước Nga, do phải chiến đấu trên cả hai mặt trận, có thể sẽ có sự thỏa hiệp nào đó đối với các khu vực miền đông Ukraine.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN