Nghĩa cử cao đẹp của Cuba

Trong khi các nước lớn chỉ mới dừng lại ở việc cam kết góp tiền bạc hoặc đóng góp không tương xứng với vị thế quốc gia để giúp các nước Tây Phi dập dịch Ebola, chỉ có Cuba cùng một vài tổ chức phi chính phủ khác mang đến đây điều cần thiết nhất: nhân viên y tế.

165 nhân viên y tế Cuba đã có mặt ở Sierra Leone, nhiều hơn đội ngũ nhân viên y tế của bất cứ quốc gia và tổ chức nào được cử tới vùng dịch Ebola kể cả Tổ chức Thầy thuốc không biên giới, Chữ thập đỏ. 296 bác sĩ và y tá nữa đang được tập huấn để triển khai tới Liberia và Guinea.

Nhóm nhân viên y tế Cuba đầu tiên có mặt tại sân bay Sierra Leone ngày 2/10.

Cuba, dù được đánh giá bằng thước đo nào, cũng không phải là một nước giàu có. GDP năm 2011 chỉ hơn 68 tỷ USD. Với GDP đầu người hơn 6.000 USD, chưa bằng 1/6 của nước Anh. Đó là chưa kể đất nước nhỏ bé này bị Mỹ bao vây cấm vận suốt bấy lâu nay và gặp nhiều khó khăn về mặt kinh tế. Tuy nhiên, phản ứng của Cuba với Ebola dường như mạnh mẽ hơn bất kỳ nước nào giàu có hơn Cuba gấp bội lần.

Trong khi đó, hãy xem các nước khác làm được gì cho Tây Phi. Sau nhiều tháng trời dịch Ebola bị cộng đồng quốc tế lơ là và xử lý bị động, các chuyên gia y tế ở 16 nước châu Âu đã phải khẩn khoản kêu gọi chính phủ của mình tăng cường sức người và nguồn lực để dập dịch Ebola đang đe dọa toàn thế giới. Họ kêu gọi châu Âu khẩn trương gửi nhân viên y tế, trang thiết bị, dụng cụ cơ bản… tới Tây Phi.

Ebola không phải là thảm họa đầu tiên mà Cuba cử nhân viên y tế ra nước ngoài giúp nước bạn đối phó. Nghĩa cử giúp các nước trong cơn hoạn nạn bằng đội ngũ y tế đã được Cuba duy trì từ vài chục năm nay. Lật lại lịch sử, ngay từ năm 1960, Cuba đã đưa bác sĩ tới Chile để hỗ trợ nước này sau trận động đất khủng khiếp.

Các bác sĩ và y tá Cuba cũng nhanh chóng có mặt tại vùng Kashmir ở Pakistan sau trận động đất năm 2005. Bác sĩ và y tá Cuba còn nhiều hơn cả số nhân viên y tế mà chính phủ Pakistan phái tới. Năm 2010, họ cũng là người đầu tiên có mặt tại hiện trường sau trận động đất kinh hoàng ở Haiti.

Thậm chí, Cuba còn từng đề nghị đưa bác sĩ tới Mỹ sau khi cơn bão Katrina tàn phá Mỹ vào năm 2005 nhưng đã bị từ chối.

Ngoài Cuba, tất nhiên có rất nhiều nước khác cũng đưa người tới giúp các khu vực thảm họa. Nhưng quá trình từ lúc quyết định cho đến lúc nhân lực của nước đó đặt chân tại vùng thảm họa là một khoảng thời gian dài, điển hình là trong đại dịch Ebola ở Tây Phi. Tuy nhiên, theo ông Jose Luis Di Fabio, giám đốc văn phòng Tổ chức Y tế Thế giới tại La Habana, Cuba là một trường hợp đặc biệt. Nước này có khả năng phản ứng rất nhanh vì có kinh nghiệm trong y tế và có ý chí chính trị để thực hiện điều đó.

Những người được chọn cho sứ mệnh dập dịch Ebola ở Tây Phi đã trải qua ba tuần huấn luyện tại Viện Y học Nhiệt đới Pedro Kouri ở ngoại ô La Habana, nơi họ lập bệnh viện dã chiến để mô phỏng điều kiện ở Tây Phi. Những nhân viên y tế nào không may nhiễm Ebola ở Tây Phi, họ sẽ phải điều trị ở một khu vực đặc biệt cho đến khi khỏi bệnh. Tất cả sẽ phải bị cách ly ít nhất 21 ngày khi về Cuba. Dù biết sẽ có nguy cơ mắc Ebola và tử vong bất kỳ khi nào, nhưng nhiều bác sĩ tham gia rất tự hào về sứ mệnh của mình. Hiện có 15.000 tình nguyện viên tới Tây Phi và con số này sẽ còn tăng lên nhiều nữa.

Đóng góp của Cuba về mặt nhân lực có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong cuộc chiến với Ebola. Như bà Margaret Chan, Tổng giám đốc WHO, đã nói: “Tiền bạc và vật chất rất quan trọng nhưng chỉ hai thứ này không thể ngăn Ebola lây lan. Nhân lực rõ ràng là thứ quan trọng nhất mà chúng ta cần”.

Đóng góp của Cuba trong cuộc chiến chống Ebola là rất cụ thể, rõ ràng. Thế nhưng, trên báo chí phương Tây, vẫn xuất hiện những góc nhìn tiêu cực về hành động đẹp này, cho rằng Cuba phô trương ngoại giao y tế, đổi sức lực của nhân viên y tế lấy những lợi ích khác… Đáp lại những hoài nghi này, tiến sĩ Jorge Perez Avila, giám đốc Viện Y học Nhiệt đới Pedro Kouri của Cuba chỉ nói đơn giản: “Tại sao người Cuba tới châu Phi? Tới để cứu người”.

Thùy Dương

Cuba công bố kế hoạch tổng thể đối phó Ebola
Cuba công bố kế hoạch tổng thể đối phó Ebola

Thứ trưởng thứ nhất Bộ Y tế Cuba Jose Angel Portal cho biết chiến lược đối phó với dịch bệnh Ebola của Cuba gồm tăng cường kiểm soát tại các cửa khẩu, kiểm tra chặt chẽ mọi du khách, nhất là những người đến từ các khu vực bị ảnh hưởng của dịch bệnh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN