Nghịch lý của thỏa thuận Minsk về Ukraine

Các bên liên quan luôn quan tâm theo dõi thỏa thuận Minsk về Ukraine. Tuy nhiên, không bên nào muốn thực hiện đầy đủ các điều khoản của thỏa thuận này vì sợ cho thấy sự yếu kém hoặc thừa nhận thất bại.


Thủ tướng Đức Angela Merkel (trái), Tổng thống Pháp Francois Hollande (giữa) và Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko (phải) trước một cuộc họp báo trong một cuộc gặp ở Berlin, Đức ngày 24/8/2015. Ảnh: AP


Một năm trước, Nhóm Tiếp xúc 3 bên (Ukraine, Nga và Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu - OSCE) đã đạt được một thỏa thuận ngừng bắn tại 2 khu vực Donetsk và Luhansk của Ukraine ở Minsk, thủ đô Belarus. Tuy nhiên, cuộc xung đột vũ trang ở Donbass vẫn không chấm dứt.

Đã có những nỗ lực được tạo ra nhằm chấm dứt bạo lực gia tăng thông qua một gói các biện pháp để thực hiện điều khoản của thỏa thuận Minsk. Nhưng theo số liệu của Liên Hợp quốc (LHQ) tính đến ngày 8/9, gần 8.000 người Ukraine đã thiệt mạng, khoảng 18.000 bị thương và hơn 2,3 triệu người phải đi tị nạn do nội chiến kéo dài 17 tháng qua tại miền đông nước này.

Vậy tại sao tia hy vọng mới nhất là thỏa thuận Minsk lại không phải là ánh sáng soi rọi con đường đi đến hòa bình cho Ukraine, hay ít nhất là ngăn chặn làn sóng xung đột lớn nhất của châu Âu kể từ khi Nam Tư sụp đổ?

Những nỗ lực nhằm giải quyết xung đột

Để trả lời câu hỏi trên, chúng ta cần phải phân tích tất cả các nỗ lực ngăn chặn bạo lực vũ trang ở miền đông nam Ukraine, đặc biệt kể từ khi các nhà chức trách Ukraine tiến hành một chiến dịch "chống khủng bố" tháng 4/2014 nhằm đối phó với tuyên bố đòi ly khai của của Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng.

Sau khi chiến dịch quân sự của Ukraine bắt đầu, một cuộc họp giữa Mỹ - EU – Nga - Ukraine được tổ chức tại Geneva, nơi một tuyên bố đặc biệt về giải trừ vũ khí của tất cả các nhóm vũ trang bất hợp pháp và việc phóng thích các tòa nhà chính quyền bị chiếm đóng trước đó, đã được thông qua. Dường như tất cả các khía cạnh đã được đề cập, nhưng cuộc xung đột vẫn leo thang.

Cuộc gặp tiếp theo diễn ra vào ngày 23/6/2014, khi một ủy ban ba bên đã tiếp xúc với đại diện hai nước cộng hòa tự xưng vùng Donbass. Một thỏa thuận ngừng bắn được đưa ra 4 ngày sau đó. Nhưng thỏa thuận này cũng đi đến thất bại. Sau đó, vào tháng 7/2014, các ngoại trưởng của Đức, Pháp, Nga và Ukraine đã nhất trí thông qua một tuyên bố về việc giải quyết cuộc xung đột.

Tuyên bố trên đề xuất thành lập một nhóm thanh sát viên thuộc OSCE và họ được phép tiếp cận các trạm kiểm soát ở biên giới Nga - Ukraine và thành lập một nhóm tiếp xúc để phát triển các cơ chế cụ thể nhằm giải quyết khủng hoảng.

Về mặt lý thuyết, sáng kiến này là rất có triển vọng, nhưng việc Mỹ, một nhân tố quan trọng trong cuộc khủng hoảng Ukraine, không tham gia vào tiến trình đàm phán, đã khiến cho các thỏa thuận đạt được bị giảm giá trị đi rất nhiều.

Gần 8.000 người Ukraine đã thiệt mạng, khoảng 18.000 bị thương và hơn 2.3 triệu người phải đi tị nạn do cuộc nội chiến kéo dài 17 tháng qua. Ảnh: BBC


Cuộc xung đột Ukraine tiếp tục bước vào một giai đoạn mới, và tiến trình đàm phán đã rơi vào một thời gian tạm lắng nguy hiểm. Những nỗ lực mới được tạo ra để lấp đầy khoảng trống này nhân lễ kỷ niệm Chiến dịch Overlord ở Normandy (nơi Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Ukraine Petro Poroshenko đã gặp nhau lần đầu tiên kể từ khi ông Poroshenko đắc cử tổng thống Ukraine ngày 25/5/2014). Các sáng kiến hòa bình sau đó đã được Tổng thống Nga và Ukraine đưa ra, được gọi là thỏa thuận Minsk-1.

Nhưng mục tiêu giảm nhẹ hoạt động quân sự trong thời gian chuyển giao giữa năm cũ và năm mới lại được thay thế bằng một sự leo thang bạo lực, đạt đỉnh điểm vào tháng 2/2015.

Thỏa thuận Minsk-2 ra đời, quy định các cơ chế chính trị và pháp lý để giải quyết cuộc xung đột và không chỉ giới hạn việc ngừng bắn mà còn bao gồm cả phóng thích và trao đổi tù nhân, nhằm phá vỡ xu hướng tiêu cực này. Nhưng các cuộc giao tranh vẫn tiếp tục cho đến ngày nay, mặc dù không có cuộc tấn công quy mô lớn.

Tìm giải pháp thỏa hiệp

Như vậy, tất cả các nỗ lực để ngăn chặn tình trạng bạo lực leo thang đã trở nên vô ích. Liệu vấn đề ở đây có phải là những đề xuất trên không hoàn thiện hay chưa có một kế hoạch hòa bình hoàn hảo được đưa ra?

Có lẽ bất kỳ một sáng kiến nào nhằm giải quyết cuộc cuộc khủng hoảng Ukraine cần phải có sự nhượng bộ và thỏa hiệp mới là điều quan trọng nhất.

Năm nay, như trước đây, các bên tham chiến (Kiev và các nước cộng hòa tự xưng), cùng với Nga và phương Tây, đã có hàng loạt thất bại trong việc phát triển một giải pháp hòa giải với nhau.

Mỹ và các đồng minh thuộc khối NATO coi Moskva như "thủ phạm chính vi phạm luật pháp quốc tế và ranh giới quốc gia châu Âu" (theo quan điểm luật pháp, nhưng không phản ánh toàn bộ phạm vi của vấn đề chính trị, trong đó phương Tây phải chịu trách nhiệm không kém).


Ngược lại, Nga lo ngại rằng Ukraine có thể được chuyển đổi thành một tiền đồn để NATO xâm nhập vào trong không gian hậu Xô Viết và vùng của lợi ích của Moskva. Mặt khác, Kiev tìm cách để tối đa hóa viện trợ của phương Tây nhằm thoát khỏi tầm ảnh hưởng của Nga, trong khi các nước cộng hòa tự xưng của Donbass áp dụng logic tôn trọng cả sự hỗ trợ của chính quyền trung ương Ukraine và Điện Kremlin.

Một giải pháp hòa bình cho khu vực Donbas không thể chỉ giới hạn ở việc giải giáp vũ khí và trang bị hạng nặng. Nó cần phải là một phần của sự chuyển đổi tổng thể về an ninh ở châu Âu. Ảnh: AFP

Thêm vào thực tế rằng cuộc khủng hoảng Ukraine không chỉ là vấn đề nội bộ của Ukraine mà còn phản ánh một cuộc khủng hoảng hậu Chiến tranh Lạnh nói chung về vấn đề an ninh châu Âu và sự khẳng định thế đơn cực của phương Tây, vốn bị Moskva bác bỏ.

Do đó, một giải pháp hòa bình cho khu vực Donbass không thể chỉ giới hạn ở việc giải giáp vũ khí và trang bị hạng nặng. Nó cần phải là một phần của sự chuyển đổi tổng thể về an ninh ở châu Âu.

Nếu không, các bên sẽ tiếp tục không thực hiện các cam kết, và coi sự nhượng bộ đơn phương như là bước đầu tiên hướng tới thất bại. Trong khi Nga sợ kịch bản Balkan cũng như với Serbia lặp lại, phương Tây và Kiev lo sợ Ukraine sẽ trở thành "sân sau của Nga".

Do đó, cả hai thỏa thuận Minsk 1 và 2 đã được diễn đạt để không bên nào được tuyên bố chiến thắng. Kết quả là, ưu tiên của Kiev (và các nước phương Tây ủng hộ Kiev) là sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine và không được đề cập đến "nước cộng hòa nhân dân độc lập", trong khi đối với Moskva là sự cần thiết phải cải cách hiến pháp để cho phép khu vực miền đông Ukraine nhiều quyền tự chủ hơn.

Rõ ràng là một nghịch lý đã xuất hiện khi mà tất cả mọi người đều muốn hòa bình, nhưng không ai muốn một nền hòa bình mà lợi thế nghiêng về phía bên kia. Do đó, ý tưởng cho rằng thỏa thuận Minsk có thể đáp ứng được lợi ích của tất cả các bên là mơ tưởng. Kết quả là, việc tăng cường các hoạt động trinh sát, được thiết kế để kiểm tra các khả năng ngoại giao và quân sự của phía bên kia, là không thể loại trừ.

Liệu an ninh châu Âu có được đảm bảo khi không có sự tham gia của Nga? Làm thế nào để thiết lập sự hợp tác giữa Moskva và phương Tây và làm thế nào để ngăn chặn không gian hậu Xô Viết biến thành một đấu trường “võ sĩ giác đấu” lớn?

Hy vọng duy nhất để giải quyết cuộc xung đột ở Donbass nằm ở chỗ phải tìm ra câu trả lời cho những câu hỏi trên. Nếu không, con đường hòa bình sẽ mong manh khi thỏa thuận Minsk bị phá vỡ.

Công Thuận
Chuyên gia Nga nhận diện cuộc khủng hoảng Ukraine
Chuyên gia Nga nhận diện cuộc khủng hoảng Ukraine

Một nhóm chuyên gia chính sách đối ngoại Nga đã tham gia một cuộc hội thảo nhằm tìm hiểu về bản chất, sự liên quan của Nga trong cuộc xung đột tại Ukraine.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN