Nguy cơ thiếu nước tại châu Á

Châu Á đang phải đối mặt với nguy cơ thiếu nước. Lục địa này có nguồn nước ngọt bình quân đầu người thấp nhất trên thế giới, trong khi nhu cầu về nước gia tăng nhanh nhất thế giới. Vì thế, châu Á có thể không còn là động cơ của tăng trưởng kinh tế toàn cầu nếu các quốc gia không giải quyết được cuộc khủng hoảng về nước.

 

Tại châu Á, nơi ngày càng phải chịu sức ép căng thẳng về nước, cuộc đấu tranh nhằm giành giật nguồn nước cũng đồng nghĩa với những căng thẳng leo thang về chính trị và tác động ngày càng tăng tới hệ sinh thái. Bức tranh về nước sẽ xấu đi tại các nền kinh tế phát triển nhanh nhất châu Á cũng như tại các nước kém phát triển hơn, nơi mà tỷ lệ sinh vẫn còn cao. Nhiều nước châu Á đang gặp khó khăn trong việc lựa chọn các địa điểm để xây dựng các cơ sở sản xuất hoặc các nhà máy điện do ngày càng thiếu nguồn nước tại địa phương.

 

Châu Á có nhu cầu ngày càng lớn về nước.


Theo Ngân hàng Thế giới (WB), tình trạng thiếu nước ở Trung Quốc đã làm cho GDP của nước này bị sụt giảm 2,3%. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn chưa phải chịu "sức ép căng thẳng về nước". Những nền kinh tế đang gặp phải tình trạng này, như Hàn Quốc và Ấn Độ chẳng hạn, đang phải trả giá cao hơn Trung Quốc.


Ở một số khu vực, cuộc chiến tranh về nước đang diễn ra giữa một số quốc gia. Chiến thuật được áp dụng bao gồm việc triển khai xây dựng các con đập trên những con sông xuyên quốc gia, trong khi các quốc gia nằm ở phía hạ lưu tìm mọi biện pháp ngoại giao để ngăn chặn những hoạt động như vậy. Trong quan hệ Trung Quốc - Ấn Độ hiện nay, nước đang trở thành một vấn đề an ninh hàng đầu và là một lý do gây bất hòa nghiêm trọng.

Từng thiết lập được ưu thế vượt trội về nguồn nước tại thượng nguồn của nhiều con sông quốc tế lớn, Trung Quốc hiện đang theo đuổi một chương trình phát triển các đập nước đầy tham vọng trên cao nguyên Tây Tạng, đe dọa làm suy yếu nguồn nước chảy vào Ấn Độ và các quốc gia khác xưa nay vẫn chia sẻ nguồn nước tại khu vực này.


Để có thể ngăn ngừa cuộc chiến tranh về nước cần phải xây dựng được các quan hệ hợp tác dựa trên luật pháp, ý thức chia sẻ nguồn nước và các cơ chế giải quyết tranh chấp. Tuy nhiên, Trung Quốc lại đang muốn khống chế nguồn nước của châu Á thông qua việc xây dựng một loạt cơ sở hạ tầng về nước ở thượng nguồn. Trung Quốc cũng không tham gia bất cứ hiệp ước nước chia sẻ nguồn nước nào với các quốc gia láng giềng.


Trong khi đó, Ấn Độ đã ký các hiệp ước quốc tế với hai quốc gia láng giềng ở hạ lưu - gồm Pakistan và Bangladesh - về việc chia sẻ nguồn nước trên sông Hằng và sông Indus, đồng thời thiết lập những tiền lệ mới đối với luật pháp quốc tế về nước. Trong Hiệp ước về sông Hằng, được ký kết vào năm 1996, Ấn Độ đã đảm bảo để Bangladesh được khai thác một lượng nước tương đương với Ấn Độ trong mùa khô khó khăn. Còn Hiệp ước Indus 1960 cho đến nay vẫn được đánh giá là thỏa thuận chia sẻ nguồn nước rộng lượng nhất trên thế giới. Trong Hiệp ước này, Ấn Độ đã đồng ý dành 80% lượng nước từ 6 con sông thuộc mạng lưới Indus để Pakistan sử dụng vô thời hạn, với hy vọng rằng họ có thể đổi nước lấy hòa bình.


Vấn đề quan trọng đối với châu Á hiện nay là cần phải thuyết phục Trung Quốc thể chế hóa việc hợp tác với các quốc gia láng giềng trong việc chia sẻ tài nguyên nước. Nhìn vào bản đồ nước của châu Á, với những đập thủy điện khổng lồ do Trung Quốc đã, đang và sẽ ráo riết xây dựng, người ta có thể dự đoán về một khả năng đảo lộn quan hệ trên khắp châu lục này, đe dọa triển vọng về bất cứ cơ chế chia sẻ nguồn nước dựa trên pháp luật nào ở châu Á.


Minh Đức(Theo mạng tin "Chính sách thế giới")

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN