Những câu hỏi đặt ra nếu Mỹ can thiệp quân sự vào Syria

Theo báo "Bưu điện quốc gia" (Canada) ngày 27/8, có rất nhiều lý do chính đáng để các nước phương Tây - nhất là Hoa Kỳ - nên đứng ngoài cuộc nội chiến Syria và chỉ có một lý do duy nhất ủng hộ việc can thiệp.

Giới quân sự Mỹ muốn can thiệp sớm vào Syria. Ảnh: Defense.gov


Luận cứ ủng hộ can dự quân sự là lòng trắc ẩn cơ bản của con người. Trong nạn diệt chủng tại Rwanda cách đây gần 20 năm, các nước có khả năng can thiệp hầu như đã không làm gì và hậu quả thật khủng khiếp: ít nhất 500.000 người đã bị tàn sát. Con số thực sự có thể còn lớn hơn. Các quốc gia tự coi mình là văn minh vẫn đang tìm cách hiểu rõ thất bại này. Liên hợp quốc (LHQ) đã tỏ dấu hiệu ủng hộ "trách nhiệm bảo vệ", quan niệm cho rằng cộng đồng quốc tế có trách nhiệm ngăn chặn diệt chủng, tội ác chiến tranh, thanh lọc sắc tộc và những tội ác chống lại loài người.

Còn những luận cứ để chống lại sự can thiệp quân sự rất nhiều. Nguyên nhân dẫn đến cơn thịnh nộ hiện nay của các cường quốc phương Tây là cuộc tấn công hóa học nhằm vào dân thường Syria cách đây một tuần. Một nhóm nghiên cứu của LHQ đang tiến hành điều tra hiện trường vụ tấn công. Tổng thống Syria Bashar al-Assad phủ nhận trách nhiệm và đổ lỗi cho "những kẻ khủng bố" về cuộc tấn công. Mặc dù uy tín của ông Assad là thấp, nhưng các lực lượng đối lập Syria quá phức tạp, gồm nhiều nhóm khác nhau và một số nhóm có thể còn tệ hơn chế độ của ông Assad.

Cũng có khả năng một nhóm khủng bố, nếu có cơ hội, sẽ sử dụng vũ khí hóa học để châm ngòi sự phẫn nộ của thế giới đối với ông Assad và hỗ trợ "sự nghiệp riêng" của chúng. Mặt khác, khả năng các đối tượng khủng bố sở hữu vũ khí hóa học đang làm dấy lên các câu hỏi quan trọng khác như chúng lấy số vũ khí đó từ đâu, đang cất giữ ở chỗ nào, cách thức vận chuyển vũ khí đó và tại sao chúng lại nhằm vào Syria, chứ không phải bất kỳ quốc gia phương Tây nào mà chúng căm ghét? Liệu những kẻ khủng bố có triển khai số vũ khí hóa học này nhằm chống lại Hoa Kỳ hay Israel?

Hiện các cường quốc vẫn chưa tìm được giải pháp hợp lý cho tình hình Syria và không ai biết ảnh hưởng của việc can thiệp quân sự (nếu có) sẽ kéo dài bao lâu. NATO đã thành công trong việc lật đổ cựu Tổng thống Libya Muammar Gaddafi mà không hề bị thương vong nhờ thực hiện không kích và phong tỏa hải quân, nhưng triển vọng thành công tương tự tại Syria là xa vời. Ông Assad đang có một quân đội lớn, mạnh và các đồng minh hùng mạnh là Iran và Nga. Điều đó có nghĩa là can dự của phương Tây vào Syria có thể gây tổn thất nhiều hơn về sinh mạng và hỗn loạn lan rộng hơn. Can thiệp quân sự đang vấp phải nhiều câu hỏi sau đây:

Mục tiêu của can thiệp quân sự là gì? Để lật đổ Assad, hay chỉ đơn thuần nhằm vô hiệu hóa các kho vũ khí hóa học của ông ta? Nếu mục tiêu là vô hiệu hóa kho vũ khí hóa học, thì bài học Iraq vẫn còn mới tinh, còn nếu mục tiêu là lật đổ Assad, liệu phương Tây có muốn cử bộ binh tham chiến và sẵn sàng chấp nhận thương vong? Chiến lược rút lui là gì? Các cuộc can thiệp trước đây cho thấy tổ chức tấn công thì dễ, nhưng việc kêu gọi chấm dứt thù địch và rút lui trước khi chiến dịch rơi vào thảm họa là khó hơn nhiều.

Can thiệp quân sự sẽ đạt được gì? Trung Đông hiện nay dễ biến động và nguy hiểm hơn nhiều so với trước đây. Ai Cập đang hỗn loạn. Iran tiếp tục theo đuổi khả năng hạt nhân. Nội chiến tại Syria đang đe dọa sự ổn định tại Jordan, Iraq và Liban, nơi những người tỵ nạn Syria đổ sang để tránh chiến sự. LHQ cho biết tổng số người tỵ nạn Syria đã lên đến gần 2 triệu người, trong đó có hơn 1 triệu là trẻ em.

Ai sẽ lãnh đạo việc can thiệp? LHQ thì không thể do Nga phủ quyết tại HĐBA. Pháp và Anh muốn hành động, nhưng muốn Hoa Kỳ lãnh đạo để Hoa Kỳ hứng chịu những phản ứng dữ dội không thể tránh khỏi. Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama hầu như sẽ chẳng được lợi gì, trừ sự hỗ trợ cảm thông ngắn ngủi, trong khi sẽ phải trả một cái giá quá lớn về chính trị và kinh tế. Can thiệp quân sự tại Syria có triển vọng thành công rất hạn chế.

Điều gì sẽ xảy ra sau can thiệp quân sự? Cho dù can thiệp có thành công trong việc lật đổ ông Assad, thì ai sẽ thay thế vị trí của ông ta? Những gì đang xảy ra tại Iraq và Libya là những bài học đáng buồn với Hoa Kỳ.

Câu hỏi cuối cùng là cái giá của lòng trắc ẩn của con người và lương tâm quốc tế là gì? Người Hoa Kỳ rút ra được kinh nghiệm không vui rằng không ai sẽ cảm ơn họ vì họ đã liều mạng sống để "giúp" người khác. Kết quả một cuộc thăm dò công luận mới đây cho thấy 60% số người được hỏi phản đối can thiệp, trong khi chỉ 9% cho rằng Hoa Kỳ nên hành động. Ông Obama có thể bị chỉ trích vì tiếp tục theo đuổi các nỗ lực ngoại giao, hơn là dùng vũ lực, nhưng cái giá của can thiệp quân sự là quá cao.


Thanh Hoa

Canh bạc mạo hiểm ở Syria
Canh bạc mạo hiểm ở Syria

Cuộc xung đột tại Syria càng mở rộng thì càng gây biến động, ảnh hưởng tới các nước láng giềng như Lebanon, Thổ Nhĩ Kỳ,... thậm chí có thể kéo theo những tác động toàn cầu. Ngay cả khi chính quyền của Tổng thống Assad bị sụp đổ, tình hình sẽ còn trở nên nghiêm trọng hơn và vượt quá tầm kiểm soát của Mỹ.

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN