Những thách thức tiềm ẩn Ukraine phải đối mặt

Ukraine sẽ còn đối mặt với sự chia rẽ và mệt mỏi vì xung đột hơn hiện nay.

Chú thích ảnh
Tổng thống Ukraine Zelensky đang đối mặt với những khó khăn trên cả mặt trận quân sự lẫn kinh tế và ngoại giao. Ảnh: Reuters

Theo nhận định trên tờ Le Monde (Pháp) của của tác giả Sylvie Kauffmann mới đây, những diễn biến tiêu cực ở khắp mọi nơi đang "bủa vây" Ukraine và các đồng minh của nước này.

Về mặt quân sự, giao tranh ở chiến tuyến không có bước đột phá. Ukraine đang không chiếm ưu thế, như Valery Zaluzhny, Tổng tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang của nước này, gần đây đã thừa nhận. Các đồng minh của Kiev thì đang gặp khó khăn trong việc cung cấp đạn dược và tên lửa mà Ukraine cần.

Nếu không có sự hỗ trợ tài chính của phương Tây, không có vũ khí, đạn dược, nhiên liệu của NATO, Ukraine sẽ không thể chiến đấu, vì tổ hợp công nghiệp-quân sự của nước này đã phần nào bị phá hủy và nguồn dự trữ đạn dược từ thời Liên Xô gần như cạn kiệt. 

Trong khi đó, Nga đang cho thấy ưu thế về nguồn lực khi tăng cường tích trữ đạn pháo cũng như sản xuất máy bay không người lái. Theo tờ Wall Street Journal (Mỹ), Nga đã tăng cường sản xuất vũ khí và hiện đang sản xuất đạn dược với tốc độ ước tính nhanh gấp 7 lần so với phương Tây.

Kế hoạch ngân sách của Chính phủ Nga cho năm 2024-26, được phê duyệt vào đầu tháng này, cho thấy Moskva đang dành phần lớn nguồn lực hơn bao giờ hết cho xung đột. Chi tiêu quân sự dự kiến ​​sẽ tăng lên hơn 100 tỷ USD vào năm tới, mức cao nhất kể từ thời Liên Xô. Các nhà máy đang chuyển đổi sản xuất từ ​​hàng dân dụng sang xe tăng và máy bay không người lái.

Ngược lại, phương Tây chỉ thực hiện những bước đi hạn chế để thúc đẩy sản xuất quân sự. Mỹ tăng sản lượng đạn pháo nhưng các nước EU chưa phối hợp đặt hàng và thúc đẩy đầu tư sản xuất quốc phòng mới. EU đã cam kết với Ukraine cung cấp một triệu quả đạn pháo vào tháng 3/2024, nhưng các quan chức châu Âu cho biết khối này khó có thể đáp ứng được mục tiêu đề ra.

Trên mặt trận ngoại giao, việc bùng phát giao tranh giữa Israel và Hamas đã thu hút sự chú ý của Mỹ, quốc gia buộc phải tái tập trung vào Trung Đông sau khi đổ nguồn lực vào châu Âu để phản ứng với cuộc xung đột ở Ukraine.

Cùng với cuộc chiến tranh Israel - Hamas, sự trỗi dậy của phe cánh hữu xuyên Đại Tây Dương đang hạn chế đáng kể khả năng của các nhà hoạch định chính sách phương Tây.

Về kinh tế, quyết định được đưa ra gần một năm trước bởi G7 và EU nhằm giới hạn giá dầu vận chuyển bằng đường biển của Nga ở mức 60 USD (55 euro) với mục tiêu giảm doanh thu của Moskva giờ đây đã được chứng minh là không hiệu quả.

Ở châu Âu, EU đang nỗ lực tìm kiếm sự đồng thuận về gói viện trợ cho Ukraine trị giá 50 tỷ euro trong 4 năm - mang lại một số đảm bảo về sự trợ giúp của phương Tây trong tương lai - trong khi phán quyết của tòa án hiến pháp Đức đã làm phức tạp các kế hoạch của Brussels về việc bổ sung ngân sách từ các quốc gia thành viên.

Brussels hiện đang tranh luận về vòng trừng phạt thứ 12, bao gồm lệnh cấm nhập khẩu kim cương của Nga. Nhưng EU và Mỹ vẫn đang loay hoay để lấp các lỗ hổng và thắt chặt các biện pháp hiện có - bao gồm cả trần giá dầu quan trọng mà tờ Financial Times đã đưa tin gần như bị phá vỡ hoàn toàn.

Ở chiều ngược lại, nền kinh tế Nga vẫn phát triển. Ủy ban châu Âu (EC) gần đây đã điều chỉnh đáng kể dự báo kinh tế của mình đối với Nga, dự đoán tăng trưởng trong những năm tới thay vì suy thoái như dự kiến ​​trước đó.

"Cơn bão" cũng sẽ ập đến với Ukraine nếu cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump trở lại Nhà Trắng. Một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố hôm 28/11 giữa những lo ngại rằng một chiến thắng tiềm năng của cựu Tổng thống Trump có thể lật ngược sự hậu thuẫn của phương Tây dành cho Kiev.

Do đó, không có gì ngạc nhiên khi những điều này đang tiếp thêm động lực cho những người ủng hộ “đàm phán”. Tờ “Bild” của Đức đưa tin Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Đức Olaf Scholz có kế hoạch hối thúc Ukraine tham gia các cuộc đàm phán hòa bình vào năm tới bằng cách từ chối cung cấp vũ khí cần thiết để Kiev giành chiến thắng.

Những điều trên đang tạo ra tình thế tiến thoái lưỡng nan đối với Ukraine, nhưng cũng có thể thấy rằng phương Tây, đặc biệt là chính quyền Mỹ của Tổng thống Biden quan tâm đến việc tránh đối đầu với Nga hơn là đánh bại nước này.

Công Thuận/Báo Tin tức (Tổng hợp)
Ukraine công bố video tấn công mục tiêu Nga cách biên giới 4.000 km; phá huỷ tên lửa Tor-M2
Ukraine công bố video tấn công mục tiêu Nga cách biên giới 4.000 km; phá huỷ tên lửa Tor-M2

Sau khi Cơ quan An ninh Ukraine (SBU) nói rằng họ đã thành công trong việc tấn công mục tiêu ở vùng Siberia của Nga, quân đội nước này cũng công bố video phá huỷ hệ thống tên lửa phòng không Tor-M2 của Nga ở mặt trận Zaporizhzhia.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN