Ông Kerry làm được gì khi tới Nga?

Liệu ông Kerry có đang lãng phí thời gian của mình, hay ông đang trao cho Tổng thống Putin một vị thế cao hơn khi một lần nữa để Nga là nước chủ nhà?

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov (phải) và người đồng nhiệm Mỹ John Kerry trong cuộc gặp tại Moskva ngày 15/12/2015. Ảnh: AFP/ TTXVN

Chuyến đi tới Nga của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry được thực hiện sau khi Moskva rút một nửa quân số tại Syria, song rất ít chuyên gia kỳ vọng nhà lãnh đạo ngành ngoại giao của Mỹ sẽ đạt được những tiến triển quan trọng.

Trong tuần này, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry sẽ tới Moskva để gặp gỡ Tổng thống Nga Vladimir Putin và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nhằm xúc tiến các cuộc đàm phán hòa bình tại Syria. Ngoài ra, các cuộc thảo luận cũng sẽ tập trung vào việc khôi phục một lệnh ngừng bắn đã bị phá vỡ tại Ukraine.

Với cái thế vững chắc tại các cuộc đàm phán ngoại giao, cùng với việc đồng minh của mình ở Syria đã được đảm bảo không còn ở trong tình trạng đặc biệt nguy hiểm, ông Putin đã quyết định rút hầu hết lực lượng của mình khỏi Syria mà không chịu quá nhiều tổn thất.

Hiện giới quan sát cũng cho rằng phe ly khai tại Ukraine cũng đang gây áp lực lên lệnh ngừng bắn tại đây, với hy vọng châu Âu sẽ thay đổi việc tiếp tục áp đặt các lệnh trừng phạt chống Nga vào mùa hè này, trước khi diễn ra cuộc bầu cử Quốc hội Nga vào tháng 9 tới.

Joerg Forbrig, một chuyên gia về khu vực Trung và Đông Âu, là thành viên của Quỹ Marshall Đức tại Mỹ, đã so sánh chuyến công du lần này của ông Kerry tới Moskva với chuyến đi của ông tới Sochi vào năm ngoái sau khi Nga giúp Washington xúc tiến đàm phán thỏa thuận hạt nhân với Iran.

Ông nêu lập luận với hãng tin AFP: “Ông Kerry tới Moskva để xác nhận xem liệu những tiến triển tích cực như trước đây có thể được vun đắp và mở rộng hay không. Tôi thì nghĩ là không. Nga về cơ bản đã đạt được những thứ họ muốn trong cuộc can thiệp này. Moskva sẽ không thấy khó chịu khi các cuộc đàm phán hòa bình kéo dài vô hạn nếu những lợi ích của họ không bị đe dọa. Họ đã có một vị thế trên bàn đàm phán, họ chắc chắn là một phần của tiến trình chính trị đang diễn ra… Vì vậy tôi cho rằng hiện họ đã đạt được những gì họ muốn”.

Trong khi đó, theo hãng tin Reuters, Đặc phái viên của Liên hợp quốc tại Syria, ông Staffan de Mistura, bày tỏ hy vọng rằng cuộc gặp giữa hai bộ trưởng ngoại giao của Nga và Mỹ trong ngày 23/3 sẽ là lực đẩy lớn, tạo đà cho các cuộc đàm phán hòa bình ở Syria, trong bối cảnh những chia rẽ xung quanh tiến trình chuyển giao chính trị tại quốc gia này vẫn đang làm đình trệ các cuộc đàm phán.

Trong khi đại diện của Chính phủ Syria vẫn bác bỏ mọi cuộc tranh luận về tương lai của Tổng thống Assad, thì lãnh đạo các tổ chức đối lập vẫn khăng khăng rằng việc ông này phải ra đi sẽ là một phần trong tiến trình chuyển giao quyền lực.

Ông De Mistura phát biểu sau cuộc họp với Ủy ban Đàm phán Cấp cao (HNC) của phe đối lập tại Geneva và trước thềm cuộc gặp giữa ông Kerry và người đồng cấp Nga Sergei Lavrov dự kiến trong ngày 23/3: “Chúng tôi đang hy vọng các cuộc đàm phán tại Moskva sẽ đạt được kết quả. Thành thực mà nói mọi việc sẽ không được giải quyết chỉ trong ngày một ngày hai, song việc nối lại các cuộc thảo luận tập trung chủ yếu vào cuộc chuyển giao quyền lực có thể sẽ có tác động quan trọng”.

Cuộc xung đột trong hơn 5 năm qua ở Syria đã làm hơn 250.000 người thiệt mạng và gây ra cuộc khủng hoảng người di cư tồi tệ nhất trong lịch sử thế giới. Cách đây 3 tuần, Washington và Moskva đã xây dựng được một thỏa thuận chấm dứt thù định và mang hỗ trợ nhân đạo đến các khu vực bị ảnh hưởng.

Tuy nhiên, thỏa thuận không được các bên xung đột liên quan ký kết này vẫn còn rất mong manh, và giới ngoại giao đang lo ngại rằng sau hơn một tuần đàm phán, nó có nguy cơ bị sụp đổ, trừ phi các vấn đề xung quanh quá trình chuyển tiếp quyền lực sớm được giải quyết.

Ông De Mistura nhận định: “Chúng tôi vẫn cần sự hỗ trợ từ phía ông Kerry và ông Lavrov bởi những gì họ từng thể hiện trước đây, và tôi hy vọng rằng họ sẽ chứng tỏ được điều này trong tương lai, khi họ có tiếng nói chung. Điều đó sẽ mang lại những hiệu quả to lớn cho tiến trình hòa bình”.

Các phát ngôn viên của Nga và Mỹ đều đã xác nhận rằng vấn đề Syria sẽ là trọng tâm trong các cuộc đàm phán tại điện Kremlin vào ngày 24/3 tới, song cuộc khủng hoảng tại Ukraine cũng là một phần trong chương trình nghị sự, và đây cũng là cơ hội để ông Putin ghi điểm trước phương Tây.

Như một động thái thể hiện sự hợp tác với các đồng minh phương Tây, Ngoại trưởng Mỹ sẽ theo chân một nhân vật quan trọng khác là Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier, người cũng đang có mặt tại Kremlin, tới Moskva vào ngày 23/3 này.

Đức và Pháp đang dẫn đầu trong các nỗ lực của phương Tây nhằm đẩy mạnh việc thực thi toàn diện Thỏa thuận Minsk 2014, theo đó Moskva sẽ xoa dịu các đồng minh ly khai của họ ở Ukraine trong khi Kiev sẽ cải cách Hiến pháp nước này để tiến hành các cuộc bầu cử mới và chấp nhận trao cho vùng Donbass quy chế tự trị liên bang.

Hồi tuần trước, một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ đã nói với báo giới rằng các hành động vi phạm lệnh ngừng bắn đã liên tục gia tăng trong những tuần qua, đồng thời quy trách nhiệm này cho ông Putin với mong muốn làm gia tăng sức ép chính trị lên Kiev.

Giới lập pháp tại Mỹ rất đồng cảm với thế tiến thoái lưỡng nan của Kiev, gọi các động thái khiêu khích của Nga là một sự “bác bỏ mạnh mẽ” những nỗ lực cải cách của Kiev. Tuy nhiên một số nhà lập pháp tại châu Âu cũng đang tỏ ra nản lòng trước những thất bại của Ukraine trong quá trình chuẩn bị cho các cuộc bầu cử.

Chuyên gia Forbrig nhận định: “Nếu bạo lực leo thang, thì Berlin sẽ rất lo lắng, bởi không có kế hoạch B nào cả. Họ không có kế hoạch nào để thay thế cho thỏa thuận Minsk và họ sẽ gia tăng áp lực lên Kiev, bởi đây là nơi duy nhất mà họ có ảnh hưởng. Điều này sẽ gây tổn hại đến sự nhất trí về các lệnh trừng phạt chống Nga, trong bối cảnh các đối tác của Đức tại châu Âu vốn đã tỏ ra lãnh đạm với việc tiếp tục cấm vận chống Nga, thậm chí có thể đang tìm cách để thoát khỏi nó”.

Các cuộc thảo luận tại Moskva có khả năng cũng sẽ bị phủ bóng đen bởi vụ phi công Ukraine Nadiya Savchenko bị một tòa án của Nga kết án 22 năm tù giam, một phán quyết mà người phát ngôn của ông Kerry gọi là “sự không tôn trọng các nguyên tắc của luật pháp”. Tuy nhiên, Nga sẽ không cho phép Mỹ có bất cứ sự can thiệp nào vào các vụ xét xử của nước này.

Vậy liệu ông Kerry có đang lãng phí thời gian của mình, hay ông ấy đang trao cho Tổng thống Putin một vị thế cao hơn khi một lần nữa để Nga là nước chủ nhà?

“Đó là công việc của ông ấy! Ông ấy là một quan chức ngoại giao. Việc của ông ấy là phải đi, tìm cách đàm phán, tìm cách đối thoại… họ vẫn phải nỗ lực thực hiện. Song thực lòng mà nói, tôi không thấy triển vọng trong bất cứ vấn đề nào tại các cuộc đàm phán này”, chuyên gia Forbrig kết luận.

TTXVN/Tin Tức (Theo Reuters, AFP)
Tình thế sống còn: Vì sao Ukraine cần Nga hơn bao giờ hết
Tình thế sống còn: Vì sao Ukraine cần Nga hơn bao giờ hết

Sự sống còn của nền kinh tế Ukraine không chỉ phụ thuộc vào các cứu trợ từ phương Tây mà còn cả sự nối lại các hoạt động đầu tư của Nga. Cho đến khi điều này diễn ra song song, không ai có thể dự báo về một tương lai tươi sáng cho Ukraine.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN