Phương Tây bộc lộ những 'bất cập' sau cuộc xung đột Nga - Ukraine

Các nước phương Tây đã đặt cược vào sự suy yếu của Nga sau chiến dịch quân sự ở Ukraine. Cho đến nay, điều này vẫn chưa xảy ra.

Chú thích ảnh
Các binh sĩ Đức tham gia một sứ mệnh của NATO. Ảnh: DPA

Đó là nhận định của ông Marco Carnelos, cựu nhà ngoại giao Italy từng công tác tại Somalia, Australia và Liên hợp quốc, trên mục bình luận của trang mạng Middleeasteye.net mới đây. Ông cũng là nhân viên chính sách đối ngoại của ba thủ tướng Italy từ năm 1995 -  2011. Gần đây, ông Carnelos là đặc phái viên điều phối tiến trình hòa bình Trung Đông về Syria cho Chính phủ Italy và cho đến tháng 11/2017, ông là Đại sứ Italy tại Iraq.

Theo ông Carnelos, sau Chiến tranh Lạnh, thế giới dường như thực sự đang hướng tới một kỷ nguyên lạc quan, tiến bộ và thịnh vượng. Toàn cầu hóa đã tạo ra sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế khiến chiến tranh trở thành xu hướng lỗi thời. Tuy nhiên, lịch sử đã diễn ra theo một cách khác. Vụ khủng bố 11/9, các cuộc chiến tranh kéo dài ở Iraq và Afghanistan, cùng với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 đã tạo ra một thế giới mới.  

Ba thập kỷ trôi qua, bối cảnh kinh tế và chính trị toàn cầu tiếp tục biến động khó lường. Cái gọi là trật tự thế giới dựa trên luật lệ do Mỹ lãnh đạo đang suy giảm. Toàn cầu hóa dường như đang cho thấy những bất cập, các chuỗi cung ứng kinh tế và năng lượng bị gián đoạn, và một cuộc suy thoái toàn cầu là không thể loại trừ. Đại dịch COVID-19 khiến nền kinh tế toàn cầu và sự gắn kết xã hội rơi vào tình trạng căng thẳng chưa từng có.

Vai trò lãnh đạo kém hấp dẫn

Tổng thống Joe Biden đang nỗ lực đưa Mỹ vượt qua những thách thức của chính họ. Ở Pháp, Tổng thống Emmanuel Macron luôn cố gắng đưa ra tầm nhìn, nhưng lại đơn độc ở châu Âu, và suy yếu ngay ở trong nước sau một cuộc bầu cử quá kịch tính. Đối với nước Anh, Thủ tướng Boris Johnson gần đây đã phải tuyên bố từ chức.

Chú thích ảnh
Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Anh Boris Johnson tại hội nghị thượng đỉnh NATO ở Madrid ngày 30/6. Ảnh: AFP

Nước Đức được lãnh đạo bởi Thủ tướng Olaf Scholz trong một liên minh thiếu đoàn kết và chưa thể khẳng định vai trò đầu tàu ở EU. Cựu Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu Mario Draghi đang là Thủ tướng Italy. Ông là một nhà kỹ trị được ca ngợi, nhưng xét về những vấn đề kinh tế đang nổi lên, ông Draghi có thể trở thành nhà thanh lý vỡ nợ tiếp theo của nước này. Trong khi đó, EU thiếu tầm nhìn và khả năng lãnh đạo.

Ba thập kỷ sau khi Liên Xô sụp đổ, giờ đến lượt các quốc gia phương Tây bị rơi vào tình trạng tương tự. Họ xa rời thực tế và có xu hướng tính toán sai lầm, không đủ năng lực, lạm dụng sức mạnh quân sự, đặc biệt là ở châu Âu. Nhiều người dường như bị ám ảnh bởi cuộc xung đột tại Ukraine đến mức hoàn toàn phớt lờ rằng chính đất nước của họ đang bị ảnh hưởng tiêu cực từ gánh nặng của các lệnh trừng phạt áp đặt lên Nga. 

Trong 20 năm qua, phương Tây đã gây căng thẳng lớn cho trật tự kinh tế toàn cầu và nền kinh tế thị trường thông qua một mô hình kinh tế siêu tài chính, tạo ra một bong bóng tài chính khổng lồ, khó quản lý, cũng như bất bình đẳng sâu sắc. Cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 cùng với các biện pháp thắt lưng buộc bụng cực đoan của các nước châu Âu đã khiến tâm lý bất bình trong dân chúng gia tăng mạnh.

Trong khi đó, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Nhóm bảy nước công nghiệp hàng đầu (G7) và Liên minh châu Âu (EU) tiếp tục "tự lừa dối mình" về sự thống nhất toàn cầu chống lại Nga.

Chỉ số Nhận thức Dân chủ năm 2022, nghiên cứu hàng năm lớn nhất thế giới về cách mọi người nhìn nhận về nền dân chủ, đưa ra kết quả đáng kinh ngạc: 41% số người được hỏi nói rằng bất bình đẳng kinh tế và tham nhũng mới là mối đe dọa lớn nhất đối với nền dân chủ - không phải Nga hay Trung Quốc - hai nước bị phương Tây cáo buộc là mối đe dọa chính đối với nền dân chủ.  

Chú thích ảnh
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại cuộc gặp ở Bắc Kinh ngày 4/2/2022. Ảnh: AFP

Tại Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, thành phố Hamburg được cho là đang cân nhắc việc phân bổ khí đốt và lần đầu tiên kể từ năm 1991, quốc gia này ghi nhận mức thâm hụt thương mại hàng tháng. Người đứng đầu Liên đoàn Công đoàn Đức vừa cảnh báo rằng các ngành công nghiệp chủ chốt của nước này có thể đối mặt với sự sụp đổ vì nguồn cung khí đốt tự nhiên của Nga bị cắt giảm, dẫn đến bất ổn xã hội và thiếu lao động. Đó có thể là một "cú giáng" đối với nền kinh tế của Đức và châu Âu. 

Một cuộc khủng hoảng lương thực quốc tế có thể khiến hàng trăm nghìn người tị nạn mới từ các nước nghèo hơn đến các biên giới và bờ biển châu Âu. Rõ ràng là họ sẽ không được chào đón nồng nhiệt như với những người Ukraine.

Trong khi đó, trường hợp xấu nhất theo báo cáo của JP Morgan đối với giá dầu là mức 380 USD/thùng nếu các lệnh trừng phạt của Mỹ và châu Âu khiến Nga phải trả đũa bằng việc cắt giảm sản lượng hơn nữa. Và lạm phát rõ ràng không phải chỉ là tạm thời; thực sự, như nhà kinh tế người Mỹ Nouriel Roubini đã cảnh báo: “Có đủ lý do để tin rằng cuộc suy thoái tiếp theo sẽ được đánh dấu bằng một cuộc khủng hoảng nợ lạm phát đình trệ trầm trọng”. 

Trong những năm 1970, đã xuất hiện lạm phát đình trệ nhưng không phải là nợ lớn. Mức nợ công và tư nhân ngày nay tính theo tỷ trọng GDP toàn cầu cao hơn nhiều so với trước đây, tăng từ 200% năm 1999 lên 350% hiện nay (nợ toàn cầu hiện vào khoảng 300 nghìn tỷ USD). Đối mặt với những điều kiện như vậy, ông Roubini nhấn mạnh “các công ty, tổ chức tài chính và chính phủ [có thể bị đẩy] vào tình trạng phá sản và vỡ nợ”.

Cái mà các nhà kinh tế cho rằng việc “hạ cánh mềm của nền kinh tế thế giới ngày càng xa tầm với". Tính toán của các nền dân chủ tự do liên quan đến kết quả của cuộc xung đột Ukraine, sự sụp đổ của Nga, sự thống nhất toàn cầu và khả năng đa dạng hóa nguồn cung cấp năng lượng, cho đến nay vẫn chưa có kết quả rõ ràng.

Ông Carnelos kết luận rằng EU, G7 và NATO gần đây đã tổ chức các hội nghị thượng đỉnh của họ, nơi mọi thứ dường như vẫn hoạt động như bình thường; không một tín hiệu nào xuất hiện về việc xem xét để ra các chính sách, giải pháp sắp tới. Mùa Hè có thể chưa gây ra vấn đề, nhưng đến mùa Thu, họ nên chuẩn bị cho việc thiếu khí đốt sưởi ấm ở châu Âu.

Công Thuận/Báo Tin tức
Xung đột tại Ukraine xuất hiện trong hầu hết cuộc gặp song phương bên lề Hội nghị G20
Xung đột tại Ukraine xuất hiện trong hầu hết cuộc gặp song phương bên lề Hội nghị G20

Hội nghị Ngoại trưởng G20 tập trung tìm kiếm giải pháp cấp bách cho khủng hoảng lương thực và năng lượng toàn cầu cũng như tình trạng khan hiếm phân bón và giá cả hàng hóa tăng cao. Tuy nhiên, xung đột tại Ukraine mới là vấn đề xuất hiện trong hầu hết các cuộc gặp song phương.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN