Thông điệp đằng sau chuyến công du châu Âu của Tổng thống Mỹ Biden

Chuyến công du châu Âu của Tổng thống Mỹ Joe Biden lần này là một trong những chuyến thăm được quan tâm nhất trong thời gian gần đây vì nhiều lý do.

Theo CNN, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã khởi hành hôm 23/3 (giờ Washington) để thực hiện một trong những chuyến công du được quan tâm nhất trong thời gian gần đây, thời điểm để Tổng thống Mỹ nắm quyền lãnh đạo một phương Tây thống nhất, đoàn kết mới. Khi rời Nhà Trắng, ông Biden dường như có ý định sử dụng chuyến thăm châu Âu để gửi đi các thông điệp.

Chú thích ảnh
Tổng thống Mỹ tại căn cứ không quân Andrews ngày 23/3 Ảnh: AP

Tại châu Âu, ông Biden sẽ tham dự các hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp của NATO, Liên minh châu Âu (EU) và Nhóm G7, thể hiện sự hợp tác trong việc trừng phạt Nga và cung cấp hỗ trợ cho Ukraine. Tại điểm dừng chân tiếp theo ở Ba Lan, ông Biden tập trung vào cuộc khủng hoảng sơ tán lớn do cuộc xung đột Nga-Ukraine, cũng như để trấn an các đồng minh ở rìa phía đông của NATO.

Đối với Tổng thống Biden, các cuộc hội đàm lần này là một cơ hội để chứng minh những ưu tiên chính sách đối ngoại mà ông đã cam kết khi tranh cử, với việc khôi phục quyền lãnh đạo của Mỹ và hàn gắn các liên minh đã rạn nứt. 

Nhưng cuộc xung đột đang diễn ra ở Ukraine được nhiều người coi là một trong những thách thức lớn đối với ông Biden. Một lời thách thức từ Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, được đưa ra vào tuần trước trong bài phát biểu trực tuyến trước Quốc hội Mỹ, đang phủ bóng lên chuyến công du của ông Biden: "Trở thành nhà lãnh đạo của thế giới có nghĩa là trở thành nhà lãnh đạo của hòa bình".

Nhà Trắng đã loại trừ khả năng ông Biden đến thăm Kiev sau khi các nhà lãnh đạo Ukraine nói rằng điều này sẽ trở thành một biểu tượng mạnh mẽ trong bối cảnh xung đột. Thay vào đó, ông Biden sẽ thể hiện những nỗ lực trực tiếp nhất của mình, hội đàm với những người đồng cấp vào thời điểm quan trọng của cuộc khủng hoảng nhằm thống nhất liên minh phương Tây.

Trong số các chủ đề mà các nhà lãnh đạo phương Tây sẽ thảo luận là cách đối phó nếu Nga quyết định sử dụng vũ khí hạt nhân hoặc hóa học hay tiến hành một cuộc tấn công mạng quy mô lớn. Khi được hỏi về nguy cơ xảy ra chiến tranh hóa học lúc rời Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ nói rằng đó là "một mối đe dọa thực sự".

Bên cạnh đó, ông Biden cũng muốn thúc đẩy các đồng minh hành động chống Nga nhân chuyến thăm châu Âu lần này. Sau một lịch trình hội đàm dày đặc, nhà lãnh đạo Mỹ được cho là sẽ công bố một số hành động cùng với các đối tác: những biện pháp trừng phạt mới đối với Nga, các hạn chế nguồn thu từ dầu và khí đốt, hoặc các thông báo mới về hỗ trợ quân sự hay tài chính cho Ukraine.

Một quan chức Mỹ cho biết, ông Biden có kế hoạch áp đặt các biện pháp trừng phạt trong tuần này đối với hàng trăm người Nga phục vụ trong cơ quan lập pháp cấp thấp hơn của nước này. 

Theo quan chức trên, trước chuyến đi của ông Biden tới Brussels, Lầu Năm Góc đã cung cấp cho Nhà Trắng một loạt lựa chọn nhằm tăng cường thêm binh sĩ của Mỹ ở Đông Âu. Ông Biden có thể công bố những thay đổi về thế trận cũng như cách bố trí lực lượng sau cuộc họp ngày 24/3, mặc dù điều này vẫn còn phụ thuộc vào các cuộc đàm phán với những đồng minh.

Đại sứ Mỹ tại NATO Julianne Smith ngày 23/3 cho biết, tại hội nghị thượng đỉnh, các nhà lãnh đạo NATO sẽ thông qua việc triển khai thêm 4 đơn vị chiến đấu ở Hungary, Romania, Bulgaria và Slovakia. Phát biểu tại một sự kiện của Hội đồng Đại Tây Dương, bà Smith lưu ý thêm rằng NATO sẽ thảo luận về sự hiện diện lực lượng ở sườn phía Đông của khối trong trung và dài hạn.

Chú thích ảnh
Cuộc xung đột Nga-Ukraine chi phối chuyến công du châu Âu của Tổng thống Mỹ Biden. Ảnh: AP

Một ngày trước khi ông Biden thực hiện chuyến công du châu Âu, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan chia sẻ, Tổng thống Mỹ sẽ đưa ra một loạt thông báo mới, bao gồm "một hành động chung nhằm tăng cường an ninh năng lượng của châu Âu và giảm sự phụ thuộc của châu Âu vào khí đốt của Nga về lâu dài" cũng như "những điều chỉnh về thế trận của lực lượng NATO ở sườn phía Đông".

Tổng thống Biden cũng sẽ đưa ra các cam kết hơn nữa về nhân quyền "để ứng phó với dòng người tị nạn ngày càng tăng" từ Ukraine.

"Một trong những yếu tố chính trong thông báo mới của Tổng thống Biden sẽ không chỉ tập trung vào việc bổ sung các biện pháp trừng phạt mới, mà còn đảm bảo rằng có một nỗ lực chung để ngăn chặn hành vi trốn tránh, phá vỡ các lệnh trừng phạt bằng bất kỳ nỗ lực nào của bất kỳ quốc gia nào muốn hỗ trợ Nga để cơ bản làm suy yếu các lệnh trừng phạt”, ông Sullivan nói.

Nhưng các nhà lãnh đạo phương Tây cũng đối mặt với những hạn chế trong các biện pháp nhằm vào Nga. Ông Biden và các đồng minh phương Tây đã loại trừ việc triển khai lực lượng của họ ở Ukraine, cảnh giác với việc tham gia trực tiếp vào cuộc xung đột. Họ đã từ chối lời kêu gọi của Tổng thống Ukraine Zelensky để thiết lập vùng cấm bay hoặc cung cấp máy bay chiến đấu.

Ngay cả một đề xuất của Ba Lan về việc thành lập lực lượng gìn giữ hòa bình quốc tế ở Ukraine, mà Warsaw dự kiến nêu ra trong cuộc họp ngày 24/3, đã vấp phải sự hoài nghi từ các quan chức Mỹ, cho rằng ông Biden phản đối bất kỳ kịch bản nào khiến quân Mỹ trực tiếp đụng độ với phía Nga.

Công Thuận/Báo Tin tức
Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố không từ bỏ tên lửa S-400 của Nga trước sức ép từ Mỹ
Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố không từ bỏ tên lửa S-400 của Nga trước sức ép từ Mỹ

Mỹ đã đề nghị Thổ Nhĩ Kỳ chuyển giao hệ thống tên lửa do Nga sản xuất cho Ukraine.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN