Triều Tiên thay đổi chiến lược

Bán đảo Triều Tiên những ngày gần đây luôn căng như dây đàn khi các bên liên tục có những tuyên bố và động thái cứng rắn khiến người ta có cảm nhận một cuộc chiến tranh có thể xảy ra bất cứ khi nào. Tuy nhiên, CHDCND Triều Tiên hôm 31/3 dường như đang cho thấy một chiến lược mới, khác hẳn so với chính sách “ưu tiên quân sự” mà nhà lãnh đạo quá cố Kim Jong Il từng theo đuổi.

 

Toàn cảnh hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên ngày 31/3.

 

Chiến lược mới của Triều Tiên tập trung giải quyết đồng thời cả hai vấn đề kinh tế và vũ khí hạt nhân đã dần lộ diện sau những phát biểu và động thái của nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong Un.


Trước hết, trong khuôn khổ cuộc họp ngày 1/4, Quốc hội Triều Tiên đã thông qua việc bổ nhiệm ông Park Pong Ju làm thủ tướng. Ông Park Pong Ju, 74 tuổi, từng giữ vị trí thủ tướng Triều Tiên từ năm 2003 - 2007, được coi là người có đầu óc cởi mở về kinh tế khi từng nỗ lực thực hiện một số cải cách trong nhiệm kỳ thủ tướng trước.


Nhà nghiên cứu Cheong Seong - chang thuộc Viện Nghiên cứu Sejong (Hàn Quốc) cho rằng việc ông Pak Pong Ju được cất nhắc vào Bộ Chính trị và bổ nhiệm làm thủ tướng là một trong những động thái thể hiện rõ nhu cầu muốn cải cách kinh tế của Triều Tiên. Theo nhà nghiên cứu này, trên cương vị là thủ tướng chính phủ, ông Pak Pong Ju sẽ là người thực thi các chính sách nhằm cải cách và đưa nền kinh tế quốc gia phát triển.


Thứ hai, Triều Tiên cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sở hữu vũ khí hạt nhân, coi đây là “sinh mệnh quốc gia” và sẽ không đánh đổi với bất kỳ giá nào dù với "hàng tỷ USD". Tại hội nghị diễn ra ngày 31/3, dưới sự chủ trì của nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong Un, Ban chấp hành Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên đã khẳng định việc nước này sở hữu vũ khí hạt nhân sẽ được ký thành luật, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường cả về số lượng và chất lượng kho vũ khí hạt nhân.


Nghị quyết hội nghị có đoạn viết: “Vũ khí hạt nhân không phải là quân bài mặc cả chính trị cũng không phải là thứ để trao đổi kinh tế trong các cuộc đối thoại hoặc trên bàn đàm phán nhằm ép buộc (Bình Nhưỡng) phải tự giải giáp. Vũ khí hạt nhân của Triều Tiên liên quan đến sinh mệnh quốc gia và chúng ta sẽ không bao giờ từ bỏ chừng nào chủ nghĩa đế quốc và các mối đe dọa hạt nhân vẫn còn tồn tại trên Trái Đất”.


Để đạt được các mục tiêu trên, hội nghị đã đề ra các nhiệm vụ cấp bách bao gồm việc tăng cường sản phẩm công nghiệp, ổn định cuộc sống người dân thông qua thúc đẩy lĩnh vực công nghiệp nhẹ và nông nghiệp; phát triển ngành công nghiệp điện hạt nhân và dự án các lò phản ứng hạt nhân nước nhẹ.


Chính sách mới của Triều Tiên được đưa ra trong bối cảnh Bình Nhưỡng thời gian gần đây dường như ngày nào cũng có những tuyên bố mạnh mẽ, bao gồm cả việc dọa phát động các cuộc tấn công hạt nhân nhằm vào Mỹ cũng như cảnh báo "Bán đảo Triều Tiên đang ở trong tình trạng chiến tranh", nhằm đáp trả các cuộc tập trận Mỹ - Hàn. Việc này diễn ra sau những động thái được cho là khiêu khích quá mức của Mỹ, như đưa các loại máy bay ném bom chiến lược B - 52, B - 2 và máy bay chiến đấu tàng hình hiện đại nhất hiện nay F - 22 tới Hàn Quốc.


Bất chấp các tuyên bố mạnh mẽ trên, giới phân tích nhận định Triều Tiên khó có thể phát động một cuộc tấn công tổng lực. Những đe dọa của Bình Nhưỡng nhiều khả năng chỉ là nỗ lực nhằm khiến tân chính phủ Hàn Quốc phải có chính sách mềm mỏng hơn và buộc Oasinhtơn ngồi vào bàn đàm phán ngoại giao để có thể nhận thêm viện trợ, cũng như góp phần củng cố hình ảnh nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong Un và uy tín của quân đội.


Lê Hải (tổng hợp)

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN