Truyền thông phương Tây bình luận về việc Nga gửi tín hiệu 'đóng băng' xung đột ở Ukraine

Tổng thống Putin đang xem xét sự kết hợp của nhiều yếu tố tạo ra thời điểm thuận lợi cho một thỏa thuận: chiến trường bế tắc, hậu quả từ cuộc phản công thất bại của Ukraine, sự hỗ trợ yếu dành cho Kiev từ phương Tây và sự phân tâm khỏi cuộc xung đột Nga - Ukraine do giao tranh giữa Israel và Hamas ở Dải Gaza.

Chú thích ảnh
Truyền thông phương Tây cho rằng Nga đã gửi tín hiệu đóng băng xung đột ở Ukraine. Ảnh: TASS

Theo tờ New York Times (Mỹ) mới đây, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã gửi tín hiệu thông qua các bên trung gian ít nhất kể từ tháng 9 năm nay rằng Moskva sẵn sàng đồng ý ngừng bắn trong cuộc xung đột với Ukraine, bao gồm cả việc đóng băng các hoạt động thù địch trên giới tuyến giao tranh hiện tại.

Tờ báo cho biết đã nắm được thông tin trên từ 2 cựu quan chức cấp cao gần gũi với Điện Kremlin, cũng như các quan chức Mỹ và quốc tế.

Các quan chức Mỹ cho rằng Tổng thống Putin đã nỗ lực đàm phán ngừng bắn một năm trước đó, vào mùa Thu năm 2022. Những ý định chưa được biết trước đây của ông Putin xuất hiện sau khi Ukraine chiếm ưu thế ở phía Đông Bắc. Các nguồn tin của tờ New York Times lưu ý rằng vào thời điểm đó, ông Putin bày tỏ sự hài lòng với các vùng lãnh thổ mà Nga đã kiểm soát và sẵn sàng cho một lệnh ngừng bắn.

Các quan chức phương Tây đã nhận được những tín hiệu mới ít nhất kể từ tháng 9 vừa qua rằng Điện Kremlin dường như quan tâm đến lệnh ngừng bắn. Các thông điệp được gửi qua nhiều kênh, bao gồm cả các chính phủ nước ngoài có quan hệ với cả Mỹ và Nga.

Một quan chức quốc tế cấp cao Mỹ đã gặp các quan chức Nga vào mùa Thu năm nay cho biết: “Họ [phía Nga] nói rằng 'chúng tôi sẵn sàng đàm phán về lệnh ngừng bắn'. Họ muốn duy trì hiện trạng trên chiến trường vào thời điểm đó".

“Ông ấy (Tổng thống Putin) thực sự sẵn sàng dừng lại ở vị trí hiện tại”, một cựu quan chức cấp cao của Nga cho biết, lặp lại thông điệp mà ông tin rằng Điện Kremlin đang ngầm gửi đi.

Các quan chức hiện tại và trước đây cho biết Tổng thống Putin đang xem xét sự kết hợp của nhiều yếu tố tạo ra thời điểm thuận lợi cho một thỏa thuận: chiến trường bế tắc, hậu quả của cuộc tấn công thất bại của Ukraine, sự hỗ trợ yếu ớt dành cho Kiev ở phương Tây và sự phân tâm khỏi cuộc xung đột Nga - Ukraine do giao tranh giữa Israel và Hamas ở Dải Gaza.

Về mặt công khai, Tổng thống Putin vẫn duy trì lập trường cứng rắn, cho rằng ông sẵn sàng đối đầu với phương Tây, vốn đang tìm cách phá hủy nước Nga.

Tuy nhiên, các quan chức Mỹ nhận thấy sự thay đổi trong lập trường của nhà lãnh đạo Nga, lưu ý rằng Moskva không còn yêu cầu chính quyền của Tổng thống Zelensky từ chức nữa. Họ tiết lộ rằng lệnh ngừng bắn mà ông Putin đề xuất sẽ "bảo vệ chủ quyền của Ukraine với thủ đô là Kyiv nhưng Moskva kiểm soát gần 20% lãnh thổ ở phía Đông".

Các nguồn tin của Mỹ nói thêm rằng mặc dù ông Putin đã tỏ dấu hiệu sẵn sàng chấp nhận một thỏa thuận như vậy nhưng ông vẫn đang chờ đợi một đề xuất cụ thể hơn.

Chú thích ảnh
Xe tăng của Nga triển khai trong cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine. Ảnh: TASS

Một trong nhiều trở ngại có thể xảy ra là quyết tâm của Nga ngăn cản Ukraine gia nhập NATO. Tuy nhiên, một cựu quan chức Nga lưu ý rằng những bất đồng về vấn đề này sẽ không phải là lý do để Moskva không đàm phán, vì NATO dự kiến sẽ không chấp nhận Ukraine gia nhập trong tương lai gần.

Tuy nhiên, các quan chức cấp cao của Mỹ bày tỏ nghi ngờ rằng bất kỳ chính trị gia nổi tiếng nào của Ukraine cũng khó có thể đồng ý với một thỏa thuận nhượng lại phần lớn lãnh thổ Ukraine đó cho Nga.
ISW lưu ý họ đã quan sát thấy những nỗ lực tương tự của Điện Kremlin nhằm khuyến khích các chính trị gia phương Tây buộc Ukraine phải đàm phán với Nga vào mùa Đông 2022-2023.

Điều này được thực hiện để chuyển hướng sự chú ý của phương Tây sang các cuộc đàm phán tiềm năng một cách hiệu quả thay vì cung cấp đủ vũ khí cho Ukraine trước cuộc phản công mùa xuân hè vào năm tới.

Trước đó tại cuộc họp báo ngày 14/12, Tổng thống Putin tuyên bố rằng cuộc xung đột với Ukraine sẽ kết thúc khi Moskva đạt được tất cả các mục tiêu của mình - "phi quân sự hóa và quy chế trung lập cho Ukraine". Về phần mình, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết Nga sẽ không thể đạt được mục tiêu ở Ukraine bất chấp những nỗ lực to lớn của Moskva.

Công Thuận/Báo Tin tức (Theo NYT/ISW)
Nga tuyên bố hoàn thành mục tiêu năm 2023 của chiến dịch ở Ukraine
Nga tuyên bố hoàn thành mục tiêu năm 2023 của chiến dịch ở Ukraine

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu thông báo các lực lượng vũ trang nước này đã hoàn thành mục tiêu chính của năm 2023 trong chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN