Ukraine: Khói vẫn bay lên từ nhà máy

Nhìn lại hơn một năm kể từ ngày xảy ra cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine với máu đổ và tiếng bom đạn, khi cuộc sống đã thay đổi hoàn toàn trong vùng chiến sự, nhiều người dân Donetsk vẫn không khỏi bàng hoàng.

Khi chiếc xe Mercedes-Benz chống đạn dừng bánh phía trước một ống khói đang không ngừng nhả ra cột hơi màu trắng đục của nhà máy Than cốc và Thép Avdiivka, ông Musa Magomedov - vị tổng giám đốc 45 tuổi với bờ vai rộng và cặp kính lấp lánh trên mắt - mở cửa bước ra. Đứng tại vị trí nơi một thợ cơ khí trẻ tuổi, có hai con, đã thiệt mạng trong một cuộc tấn công bằng rocket ngày 4/2 khi chỉ còn cách hầm trú ẩn 5 bước chân, ông Magomedov bồi hồi nhớ lại câu chuyện buồn: “Khi cuộc tấn công bắt đầu, cậu ấy đã làm đúng tất cả mọi bước, cậu ấy chạy đến căn hầm gần nhất. Chúng tôi đã cố sơ cứu, nhưng cậu ấy không đợi được đến lúc xe cứu thương đưa tới bệnh viện”.

Công nhân làm việc tại nhà máy Than cốc và Thép Avdiivka. Ảnh: The New York Times


Dù nhà máy nằm trong khu vực đạn pháo nghiến rít ở vùng chiến sự kể từ tháng 7 năm ngoái, nhưng hàng ngàn công nhân vẫn ngoan cường bám trụ, mỗi ngày đều cần mẫn với công việc của mình. Họ bất chấp 160 vụ bắn đạn pháo và rocket đã được ghi nhận, bất chấp những lần mất điện mà có lần từng kéo dài đỉnh điểm tới 27 ngày, bất chấp cả một danh sách những công việc sửa chữa không bao giờ kết thúc. Nhưng với họ, điều tồi tệ hơn cả là việc phải chứng kiến sự ra đi của 5 đồng nghiệp.

Trong tình thế bắt buộc, nếu phải đóng cửa thì cơ sở luyện than cốc lớn nhất ở châu Âu và là một mắt xích quan trọng trong ngành công nghiệp sản xuất thép của Ukraine này phải đóng cửa vì một lí do vô cùng chính đáng. Bởi một khi nguội đi, những lò luyện đặc biệt để tạo ra than cốc - nguyên liệu chính trong các lò luyện thép ở Ukraine - sẽ bị rạn nứt và chi phí sửa chữa để sử dụng lại có thể lên đến 1 tỉ USD hoặc cao hơn. Đó cũng là lí do những người trong ngành thường nói “một nhà máy luyện than cốc chỉ có thể đóng cửa một lần”. “Chúng tôi như thể một con cá mập, phải liên tục bơi bởi nếu dừng lại thì sẽ chết chìm. Chúng luôn luôn phải làm việc”, ông Magomedov nói.

Công nhân tại một lò luyện thép. Ảnh: The New York Times



Nằm trong khu vực kiểm soát của quân đội Ukraine và chỉ cách khu đổ nát của sân bay quốc tế Donetsk 8 km, nhà máy Thép và Than cốc Avdiivka là một trong nhiều địa điểm gần như không cảm nhận được hai lệnh ngừng bắn đạt được trước đó. Theo lời kể của ông Magomedov, những cuộc tấn công bằng rocket và súng cối vẫn diễn ra quá thường xuyên và kết thúc quá nhanh chóng, đến nỗi nhiều lúc việc của công nhân đơn giản chỉ là phớt lờ đạn bom đi mà làm việc. Tại nhà máy 52 năm tuổi này, không có địa điểm trú ẩn nào trên mặt đất bảo đảm an toàn. Sau những đợt tấn công, mưa trút xuống qua một lỗ hổng nức toác trên trần phòng máy. Đạn súng cối nã vào các lò luyện đang ở nhiệt độ hơn 1.000 độ C. Các đợt tấn công bằng rocket có lúc suýt làm “tiêu đời” một tuabin quan trọng trong quá trình sản xuất, có khi cắt đứt một ống khí làm bùng lên đám cháy suốt 9 giờ đồng hồ...

Với Ukraine, trong nỗ lực vực dậy nền kinh tế đang kiệt quệ của quốc gia này, nhà máy Avdiivka đóng một vai trò quan trọng. Thủ tướng Ukraien Yatsenyuk từng gọi nhà máy này là một tài sản chiến lược của một nền kinh tế ốm yếu. Các nhà máy sản xuất thép của Mariupol phải dựa vào nguồn than cốc ở đây để tiếp tục hoạt động. Và vì nhà máy tiếp tục trả lương cho hàng ngàn lao động, chính trị không phải là câu chuyện được nói đến hàng đầu.

Toàn cảnh nhà máy. Ảnh: The New York Times



Nằm trong vùng “tâm bão”, nhưng nhà máy Avdiivka vẫn được xem là nơi an toàn nhất trong khu vực trong bối cảnh những con đường xung quanh luôn nằm trong thế chiến trận giằng co, còn các thị trấn lân cận thì thiếu điện và nước. Nơi đây vừa là nơi làm việc, vừa là nơi sinh hoạt của gần 2.000 lao động. Gần như bất kì con người nào ở đây cũng có một câu chuyện na ná nhau về việc “suýt chết”. Lẽ dĩ nhiên, họ vẫn sống và tiếp tục ở lại làm việc. Anh Skhadyak, 39 tuổi, nói: “Sao tôi có thể không làm việc cơ chứ? Tôi phải nuôi gia đình. Không có lối thoát nào cả. Và cũng không có việc làm ở bất kì đâu khác…”. Tất cả các nhà máy lớn ở Avdiivka hoặc đã đóng cửa, hoặc vẫn đang cầm cự với sản lượng chỉ bằng 1/10 sản lượng trước đây.

Kể từ khi bom bắt đầu dội xuống, 600 công nhân tại nhà máy đã bỏ việc hoặc nghỉ phép kéo dài, trong khi 324 người khác đồng ý đi làm theo ca kíp và nhận 2/3 lương. Nhưng vẫn có hàng ngàn người khác làm việc đủ giờ, vì mưu sinh hoặc vì sự gắn bó với nhà máy. Pavel Zhelavy, người quản đốc có mái tóc hoa râm, đã làm việc ở nhà máy trong 36 năm và vẫn đang tiếp tục làm việc, nói về mong muốn trong những tháng ngày này: “Chúng tôi không cần lệnh ngừng bắn. Chúng tôi cần hòa bình”.

Anh Minh

Tổng thống Lukashenko cam kết Belarus luôn là đồng minh của Nga
Tổng thống Lukashenko cam kết Belarus luôn là đồng minh của Nga

Tổng thống Belarus nhấn mạnh rằng nước này không ngả về phía Phương Tây và sẽ luôn luôn là đồng minh của Nga.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN