Ukraine thỏa thuận "đôi bên cùng có lợi" với chủ nợ

Ukraine vừa đạt một thỏa thuận "đôi bên cùng có lợi" - theo cách gọi của Bộ trưởng Tài chính nước này là Natalia Yaresko - với nhóm chủ nợ lớn nhằm giãn khoản nợ trị giá khoảng 19 tỷ USD, giúp quốc gia này có thời gian "thở phào" trong bối cảnh nền kinh tế kiệt quệ vì cuộc xung đột với lực lượng ly khai.

Thỏa thuận nói trên, giúp Ukraine được xóa khoảng 20% các khoản nợ nước ngoài, là kết quả của các cuộc đàm phán căng thẳng trong nhiều tháng qua nhằm giữ Ukraine đi theo đúng lộ trình của chương trình cứu trợ của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), lấp lỗ hổng về tài chính và giúp quốc gia này tránh khỏi một cuộc vỡ nợ. Hai bên cam kết sẽ làm việc cùng nhau để kêu gọi các chủ nợ còn lại ủng hộ thỏa thuận. Tuy nhiên, Nga - chủ nợ lớn thứ hai của Ukraine đã thẳng thừng tỏ thái độ không đồng tình và nhấn mạnh sẽ tiếp tục yêu cầu quốc gia này thanh toán 3 tỷ USD trái phiếu đáo hạn vào tháng 12 tới.

Nhóm chủ nợ của Ukraine, gồm 5 doanh nghiệp đầu tư lớn của Mỹ, dẫn đầu là Tập đoàn Franklin Templeton của Mỹ, đã chấp nhận tăng nhẹ mức lãi suất danh nghĩa hàng năm lên 7,75% và gia hạn kỳ hạn thanh toán thêm 4 năm. Tuy nhiên, quyết định này cũng đang còn chờ sự thông qua của các chủ nợ khác ngoài nhóm này.

Ukraine là nước có nền kinh tế tệ nhất trong năm 2015.


Ukraine cho biết thỏa thuận được công bố ngày 27/8 sẽ giúp số nợ của nước này giảm xuống còn 15,5 tỷ và gia hạn thời gian thanh toán các trái phiếu chính phủ do nước này phát hành thêm 4 năm đến năm 2027. Theo Bộ Tài chính, điều này sẽ giúp Ukraine có thêm ngân sách để đổ vào cuộc chiến ở miền Đông, trả được các khoản mua khí đốt từ Nga để phục vụ mùa Đông sắp tới và giữ đồng nội tệ hryvnia ổn định.

Giá trị trái phiếu chính phủ bằng đồng USD đã tăng mạnh trong khi chi phí bảo hiểm nợ lại giảm sau khi chi tiết thỏa thuận được công bố. Trong một tuyên bố chung, Ukraine và các chủ nợ khẳng định sẽ cùng nhau nỗ lực "nhanh chóng triển khai thỏa thuận".

Mặc dù Thủ tướng Arseny Yatseniuk và Bộ trưởng Tài chính Yaresko đều ra sức hoan nghênh thành tựu vừa đạt được sau nhiều tháng đàm phán căng thẳng song điều mà nhiều người băn khoăn là liệu tất cả các chủ nợ có đồng tình với thỏa thuận này hay không. Tuyên bố chung của Ukraine và nhóm chủ nợ kêu gọi các đối tác nắm giữ trái phiếu chấp nhận thỏa thuận và hối thúc cộng đồng quốc tế viện trợ không hoàn lại cho Ukraine. Tại Washington, Giám đốc IMF Christine Lagarde cho rằng điều quan trọng là thỏa thuận phải nhận được "sự ủng hộ rộng rãi của toàn bộ các chủ nợ". Bộ trưởng Tài chính Yaresko cho biết bà hy vọng các chủ nợ đều sẽ chấp nhận thỏa thuận này và dự đoán, nếu suôn sẻ, thỏa thuận sẽ hoàn tất vào cuối tháng 10 tới.

Tuy nhiên, tranh cãi đã nổ ra khi Nga không chấp nhận để Ukraine tái cơ cấu khoản nợ trị giá 3 tỷ USD đáo hạn vào tháng 12 tới. Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov cho biết Moskva cần ngoại tệ và đây là lý do khiến họ không thể đồng tình với thỏa thuận tái cơ cấu nợ cho Ukraine. Ông nhấn mạnh khoản nợ của Ukraine với Nga mang tính chất quốc gia hơn là thương mại. Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình quốc gia Rossiya 1, ông nói: "Chúng tôi đã, đang và sẽ yêu cầu Ukraine hoàn thành nghĩa vụ thanh toán. Chúng tôi yêu cầu Ukraine trả đầy đủ số nợ trị giá 3 tỷ USD vào tháng 12 năm nay, kể cả các khoản lãi đi kèm". Nếu Ukraine không thể hoàn trả số nợ theo yêu cầu của Nga, họ sẽ đối mặt với nhiều nguy cơ bởi trên thực tế, IMF không cho phép một quốc gia vỡ nợ được vay tiền.

Theo số liệu từ Tradeweb, sau khi thông tin về thỏa thuận được công bố, trái phiếu bằng USD kỳ hạn 2017 của Ukraine đã tăng 8,7 cent và được giao dịch ở mức 64,5 cent, trong khi trái phiếu kỳ hạn 2022 tăng 10 cent.

Từ tháng 3/2015, Chính phủ Ukraine đã tiến hành thương lượng với các chủ nợ quốc tế để được tái cơ cấu khoản nợ trái phiếu chính phủ khoảng 19 tỷ USD, và muốn được xóa 40% trong tổng số nợ này. Các thị trường đã hoan nghênh những điều khoản trong thỏa thuận mới đạt được giữa Ukraine và nhóm chủ nợ là điều hợp lý. Các thị trường cho rằng việc xóa 20% số nợ cho Ukraine, cũng như tăng nhẹ mức lãi suất danh nghĩa hàng năm lên 7,75% và đảm bảo GDP - các biện pháp nhằm khôi phục tăng trưởng - đều là nhân tố giúp tăng giá trái phiếu.

Một nhà quản lý tài chính tại London nhận định: "Thời gian gia hạn thanh toán nợ theo thỏa thuận là rất hợp lý và hơn cả những gì chúng tôi trông đợi, bởi nhiều người lo ngại thời gian này sẽ bị kéo giãn lâu hơn. Lãi suất danh nghĩa hiện cũng không thấp như nhiều người từng dự đoán và giờ điều mọi người cần làm là tính toán giá trị hiện tại ròng (NPV)". NPV là một thuật ngữ dùng để chỉ tổng giá trị của một khoản tiền phát sinh trong tương lai được quy đổi về hiện tại.

Tuy nhiên, một số người cho rằng thỏa thuận này là chưa đủ để đưa nền kinh tế Ukraine đi đúng hướng. Chiến lược gia Jokob Christensen của hãng tín dụng Exotix, nói: "Rõ ràng, các chủ nợ đang tỏ ra hào phóng hơn những gì tôi từng nghĩ. Tôi đã nghiên cứu khả năng thỏa thuận hào phóng này hoàn thành một trong những mục tiêu then chốt là giúp Ukraine giảm được khoản nợ xuống mức tương đương 71% GDP vào năm 2020".

Gabriel Sterne - Giám đốc bộ phận Vĩ mô Toàn cầu thuộc Oxford Economics - cũng bày tỏ nghi ngờ về khả năng thỏa thuận này sẽ giữ cho các khoản nợ của Ukraine ở mức ổn định. Ông nói: "Nhiều khả năng các bên sẽ lại phải quay trở lại bàn đàm phán trước khi IMF đưa ra những báo cáo cụ thể".


TTK (theo Reuters)
Nga đòi Ukraine trả sạch 3 tỷ USD kèm lãi
Nga đòi Ukraine trả sạch 3 tỷ USD kèm lãi

Bộ trưởng Tài chính Nga tuyên bố Moskva sẽ tiếp tục yêu cầu Ukraine thanh toán đầy đủ khoản nợ 3 tỷ USD trong tháng 12 tới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN