Hiệu quả mô hình phát triển cây ăn quả

Cách đây gần 20 năm, ông Trần Đình Thi, ở thôn Cốc Tủm 1, xã Phong Niên, huyện Bảo Thắng (Lào Cai) đã đem những giống cây ăn quả quý như: Na, nhãn, bưởi... ở tỉnh Hưng Yên, Nam Định về trồng thử và thành công. 

Các loại cây này thích hợp với khí hậu vùng núi, không chỉ phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt, mà còn đem lại nguồn thu nhập ổn định cho các gia đình. Tuy nhiên, do có giai đoạn cây ăn quả phát triển ồ ạt, trong khi người trồng thiếu kiến thức chăm sóc, chưa biết áp dụng khoa học kỹ thuật; cây đã trồng nhiều năm trở nên già cỗi, bị sâu bệnh, dẫn đến năng suất, chất lượng thấp, khiến người dân không còn mặn mà đầu tư chăm sóc, nhiều diện tích bị bỏ hoang.

Cây na mở hướng làm giàu ở huyện Bảo Thắng.


Xác định những cây trồng trên là cây thế mạnh của địa phương, với mục tiêu giúp đồng bào làm giàu trên chính mảnh đất của mình, UBND huyện Bảo Thắng đã triển khai Dự án cải tạo và phát triển vùng sản xuất hàng hóa các cây nhãn, na giai đoạn 2013 - 2015 ở hai xã Xuân Quang và Phong Niên. Dự án nhận được sự đồng tình, ủng hộ cao từ phía nhân dân, đã có 327 hộ thuộc 17 thôn của 2 xã tham gia dự án.

Ông Hoàng A Lỷ, ở thôn Cốc Sâm 3 (xã Phong Niên) là một trong những hộ đi đầu phong trào cải tạo vườn tạp tại xã. Từ năm 2010, ông bắt đầu trồng 680 gốc na chuyển đổi trên diện tích đất vườn nhà. Sau 3 năm, na đã cho thu hoạch. Năm vừa qua, gia đình ông thu trên 100 triệu từ bán quả na. Chính vì vậy, ông đã mạnh dạn trồng thêm 1.300 cây na với hy vọng trong tương lai, cây na sẽ giúp gia đình ông có thu nhập cao.

Trong 3 năm qua, 484 hộ tham gia dự án đã trồng mới gần 6.600 cây nhãn, gần 75.000 cây na và ghép cải tạo trên 3.000 cây nhãn, nâng tổng số diện tích cây na, nhãn trên địa bàn 2 xã lên 925,7 ha, vượt 220 ha so với kế hoạch.

Ông Đỗ Hồng Quân, Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện cho biết thêm: Kỹ thuật ghép cải tạo lần đầu tiên được triển khai tại huyện, mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng với sự chỉ đạo sát sao từ phía huyện, cộng với sự đồng thuận của nhân dân, nên tỷ lệ cây sống đạt tương đối cao, bước đầu hình thành các vùng cây ăn quả chuyên canh, mở ra hướng đi bền vững cho phát triển nông nghiệp của huyện.


Hữu Huỳnh
Cây sắn cứu đói
Cây sắn cứu đói

Năm 2015, bà con xã vùng sâu Cư Pui của huyện Krông Bông (Đắk Lắk) trồng khoảng gần 2.000 ha sắn. Sắn là loại cây trồng chịu hạn tốt, giúp các hộ nghèo vượt qua những ngày đói giáp hạt năm nay, khi một số loại cây chủ lực như bắp lai, đậu, lúa nước bị hạn hán, mất trắng trên 70% diện tích trồng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN