Hãng vũ khí Séc bùng nổ lợi nhuận nhờ tân trang xe tăng cũ cho Ukraine

Nhà sản xuất vũ khí CSG của Séc đã chứng kiến lợi nhuận của mình bùng nổ nhờ được hưởng lợi từ việc tân trang lại xe tăng cũ để bán cho Ukraine.

Chú thích ảnh
Xe tăng T-72 của Ukraine bắn về phía vị trí của Nga. Ảnh: RT

Hãng Bloomberg đưa tin ngày 15/4, chủ sở hữu và chủ tịch của Czechoslovak Group (CSG), Michal Strnad, 31 tuổi, hiện đã trở thành tỷ phú đô la nhờ hưởng lợi từ cung cấp vũ khí cho cuộc xung đột Nga-Ukraine.

Công ty này đã chứng kiến ​​doanh thu của mình tăng vọt trong bối cảnh xung đột ở Ukraine chưa có dấu hiệu kết thúc, với lợi nhuận tăng gần gấp đôi trong năm 2022 lên khoảng 1 tỷ USD và gần gấp đôi một lần nữa vào năm 2023, đạt 1,9 tỷ USD. Một trong những nhánh của CSG là Excalibur Army đã đóng góp rất lớn vào lợi nhuận thông qua sản xuất đạn dược cũng như chế tạo mới và tân trang các loại vũ khí cũ do Liên Xô sản xuất. Excalibur Army đã cung cấp khoảng 100 xe tăng chiến đấu chủ lực T-72 tân trang cho Kiev.

Bloomberg lưu ý rằng sản lượng đạn dược của CSG đã tăng hơn 10 lần kể từ khi xung đột giữa Moskva và Kiev bùng nổ đầu năm 2022. Lực lượng lao động của tập đoàn này tăng gần gấp ba lên 10.000 người trên khắp các cơ sở sản xuất ở 8 quốc gia.

Nhà sản xuất vũ khí của Séc lạc quan sẽ tiếp tục hưởng lợi trong nhiều năm tới và dường như rất cởi mở về điều đó. Ông chủ CSG, Strnad tin rằng nhu cầu vũ khí cao nhất ở châu Âu kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh sẽ còn tiếp tục duy trì.

Bloomberg dẫn lời ông Strnad cho biết: “Ngay cả khi chiến tranh kết thúc vào ngày mai, sẽ phải mất nhiều năm để bổ sung lượng hàng tồn kho trống, chưa kể đến việc thúc đẩy tăng chi tiêu quốc phòng và tăng cường sản xuất. Tôi tin tưởng rằng sẽ có nhu cầu mạnh mẽ trong thời gian dài sắp tới”.

CSG ban đầu được thành lập bởi cha của Strnad, ông Jaroslav, vào năm 1995. Jaroslav khởi nghiệm bằng cách tìm mua các vũ khí, thiết bị quân sự đã ngừng hoạt động từ các nước thành viên của Hiệp ước Warsaw khi đó không còn tồn tại – cũng là các quốc gia NATO mới được kết nạp – để tháo dỡ chúng và bán linh kiện kiếm lời. Tuy nhiên, lợi nhuận thực sự lại nằm ở việc kinh doanh vũ khí, với việc công ty nhanh chóng nhận ra nhu cầu cao về phụ tùng cũng như các mặt hàng tân trang của các phần cứng quân sự thời Liên Xô.

Theo Reuters, ông Michal Strnad nói với một nhóm nhà báo rằng CSG sẽ tập trung vào đạn dược và thiết bị hạng nặng, cung cấp công nghệ quan trọng và cách thức để tăng cường sản xuất trong những năm tới. Ông phát biểu tại trụ sở chính ở Praha: “Chúng tôi có hai hoặc ba dự án đang được thảo luận. Thỏa thuận có thể sẽ được thực hiện trong năm nay, nhưng sau đó là 2-3 năm trước khi đi vào sản xuất”.

Ông Strnad cho biết các thỏa thuận sẽ tương tự như của tập đoàn Rheinmetall. Nhà sản xuất vũ khí lớn của Đức tháng trước cho biết họ sẽ bắt đầu sản xuất chung với Ukraine loại đạn pháo cỡ nòng 155mm mà CSG cũng sản xuất.

Đạn pháo đã trở thành vấn đề cấp bách đối với Ukraine sau hai năm giao tranh. Ngày càng có nhiều quốc gia đăng ký tham gia sáng kiến do chính phủ Séc dẫn đầu nhằm cung cấp hàng trăm nghìn viên đạn từ bên ngoài châu Âu cho Ukraine.

Việc cung cấp xe tăng và thiết bị hạng nặng của CSG cho Ukraine chủ yếu được tài trợ bởi các nước thuộc Liên minh châu Âu hoặc NATO. Strnad cho biết công ty của ông đã gửi khoảng 150 - 160 thiết bị theo cách này kể từ khi chiến sự bắt đầu.

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo RT, Reuters)
Thành viên NATO giải thích lý do Ukraine bị ngăn cản gia nhập khối
Thành viên NATO giải thích lý do Ukraine bị ngăn cản gia nhập khối

Thủ tướng Slovakia cảnh báo việc cho phép Kiev gia nhập NATO sẽ có nguy cơ gây ra chiến tranh toàn cầu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN