Nga thay hết Su-25 bằng trực thăng vì "ngại" tên lửa phiến quân Syria

Lý do là bởi nhờ hệ thống gây nhiễu hiện đại, các trực thăng vũ trang này có khả năng “sống sót” cao hơn trên chiến trường, nhất là khi phải đối mặt với mối nguy từ các tổ hợp tên lửa vác vai (MANPAD).

Hôm 14/3, Tổng thống Vladimir Putin lệnh rút lực lượng chủ chốt của Nga khỏi Syria. Các ảnh chụp vệ tinh ngay sau đó cho thấy Nga rút 3 trên tổng số 15 cường kích Su-24; 4 trên tổng số 8 máy bay ném bom Su-34, cùng với đó là toàn bộ phi đội 12 chiếc Su-25. “Đồ chơi” mà quân đội Nga để lại là tiêm kích Su-30 và Su-24; cùng với đó là ít nhất 4 trực thăng tấn công Mi-28, Ka-52 được điều sang. Tính từ đầu năm đến hết tháng 3, số lượng trực thăng của Nga đóng tại các căn cứ ở Syria tăng từ 4 lên 14 chiếc. 

Hệ thống President-S được trang bị trên các trực thăng tấn công. Ảnh: IBtimes

Việc Nga rút lực lượng, vũ khí vì thế không chỉ đơn giản là sự cắt giảm về phương tiện, con người, ẩn sau đó còn là sự thay đổi về thành phần lực lượng. Các máy bay chiến đấu cánh cố định (Su-25) được rút hết, thế vào đó là trực thăng vũ trang. Su-25 có khả năng chiến đấu khác với trực thăng, nhưng vai trò, tính năng thì như nhau. Cả hai đều được sử dụng để hỗ trợ hỏa lực đường không tầm thấp cho các đơn vị bộ binh. Câu hỏi là tại sao lại phải thay đổi theo hướng rút ra, thêm vào?

Cường kích Su-25 ở Syria là máy bay thuộc diện “đồ cổ”. Nga sử dụng loại máy bay này là lực lượng nòng cốt để tấn công dồn dập các mục tiêu tại Syria ngay sau thời điểm ra quyết định can dự. Lý do rút là bởi mối nguy ngày một lớn từ tổ hợp MANPAD của các lực lượng đối lập. Quân nổi dậy Syria từ lâu đã được cho là sở hữu tiềm lực phòng không, trong đó có MANPAD, thế nhưng số lượng thì không đáng kể, bởi các thế lực bên ngoài kiểm soát kĩ, lo ngại thứ vũ khí này có thể rơi vào tay quân khủng bố.

Nhưng bối cảnh gần đây đã có sự chuyển dịch. “Điều cấm kị” liên quan đến cung ứng MANPAD đã bị phá bỏ, với bằng chứng lớn nhất là việc phe đối lập đã bắn hạ 2 máy bay ném bom của quân đội Syria bằng tên lửa vác vai trong tháng này. Nga hẳn nhiên đã biết được những vũ khí chết người như vậy xuất hiện ngày một nhiều trong kho của quân nổi dậy, thậm chí là biết trước cả quá trình vận chuyển kia. Điều đó đồng nghĩa với nguy hiểm rình rập máy bay Nga ở Syria gia tăng. Đến đây lại xuất hiện một câu hỏi nữa: Tại sao lại rút toàn bộ “bà già” Su-25?

Su-25 thiên về tấn công mặt đất, tương tự như mẫu A-10 Thunderbolt II của Mỹ; chỉ khác là máy bay Nga có truyền thống lâu đời hơn so với A-10, với quá trình nghiên cứu, phát triển được khởi động từ Thế chiến thứ 2. Hỗ trợ bộ binh buộc Su-25 phải bay thấp, dễ bị làm mồi cho hỏa lực phòng không hơn là Su-24 hay Su-34 vốn tác chiến ở tầng cao hơn. Vì lý do này mà Nga rút triệt để Su-25 nhưng vẫn duy trì nhiều cường kích và tiêm kích khác. 

Việc điều thêm trực thăng tấn công đến Syria để thế chỗ là vì sao? Nếu nhìn qua, Su-25 thậm chí có khả năng sống sót tốt hơn trực thăng. Cường kích này được bọc giáp, dễ dàng tăng tốc để thoát lui, chỉ bay thấp khi tấn công và trên tất cả là khả năng “lẩn tránh” tốt hơn nhiều trực thăng tấn công. Câu trả lời nằm ở chỗ: Các mẫu máy bay như Mi-28 hay Ka-52 được trang bị hệ thống gây nhiễu nhằm vào các tên lửa vác vai – thiết bị mà Su-25 không có. Cụ thể, người Nga đã phát triển thành công Hệ thống bảo vệ máy bay có tên gọi “President-S” mà về bản chất là hệ thống mồi bẫy tên lửa. 

“President-S” đã được thử nghiệm thành công, giúp trực thăng vô hiệu hóa được các loại tên lửa vác vai như Strela-2, Strela-3 hay Igla. Một khi được lắp đặt mạng gây nhiễu này, các máy bay ném bom hay trực thăng tấn công đều có khả năng “miễn nhiễm” trước hỏa lực phòng không mặt đất, ngoại trừ những “đồ chơi mới” như tên lửa Verba (Nga). Tác chiến thực địa ở Syria cũng đã chứng tỏ được sự nổi trội của “President-S”, với màn phô diễn của các trực thăng như Mi-28 mà không gặp phải mối đe dọa nào. 

Hoài Thanh (Russiainsider)
Video trực thăng "Cá sấu" Nga tiêu diệt mục tiêu ở Syria
Video trực thăng "Cá sấu" Nga tiêu diệt mục tiêu ở Syria

Lần đầu tiên trong lịch sử việc sử dụng máy bay trực thăng Ka-52 trong chiến đấu đã được ghi hình lại và xuất hiện trên một kênh Youtube của quân đội Syria.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN