Tại sao F-35 dễ bị chiến đấu cơ Nga đánh bại?

Dễ bị đánh bại bởi gia đình máy bay chiến đấu Su-30 và có một số lỗi thiết kế quan trọng, chiến đấu cơ F-35 đang có nguy cơ trở nên lỗi thời và tạo ra một lỗ hổng trong hệ thống phòng không của phương Tây.

Được thiết kế như một “sát thủ săn mồi” trên không nguy hiểm nhất mọi thời đại, F-35 theo nghĩa đen lại đang trở thành kẻ bị săn. Trong tất cả các kịch bản mà F-35 đã được lập trình trong cuộc chiến chống lại Su-30 Flanker, các máy bay Nga đã nổi lên là bên chiến thắng. Loại máy bay tàng hình mới nhất này của Mỹ, với chi phí 191 triệu USD/chiếc có một số lỗi thiết kế quan trọng có thể đặt ra nguy cơ bị đánh bại trong một cuộc đối đầu với những chiếc Sukhoi có tính linh hoạt rất cao.

F-35 với những cái cánh ngắn và dày (vốn làm giảm sức nâng và khả năng cơ động), thân hình củ hành (khiến cho máy bay kém tính năng khí động học), tốc độ thấp và một động cơ rất nóng (điều giúp cho radar có thể dễ dàng phát hiện) chỉ là một vài trong số các lỗ hổng lớn mà sẽ khiến nó dễ bị tổn thương trong cuộc không chiến.

Máy bay chiến đấu Su-35 của Nga.


Với hơn 600 chiếc Flanker (gồm Sukhoi-27 và các phiên bản sau của nó như Su-30, Su-34 và Su-35) đang phục vụ trong các lực lượng không quân trên toàn thế giới, số phận của chiến đấu cơ thế hệ thứ năm F-35 có vẻ không chắc chắn. Các chuyên gia hàng không vũ trụ trên toàn thế giới đang thay đổi quan điểm của mình khi cho rằng chương trình phát triển máy bay chiến đấu đắt đỏ nhất trên của Mỹ (chốt ở mức 1,5 nghìn tỷ USD) sẽ dễ bị đánh bại trước các máy bay Flanker của Nga.

Trong một cuộc phỏng vấn trên kênh truyền hình của Hà Lan, kỹ sư hàng không vũ trụ Pierre Sprey, người đồng thiết kế máy bay chiến đấu F-16 Falcon và A-10 Warthog, 2 trong số những máy bay thành công nhất của Không quân Mỹ, tuyên bố: "Đó (F-35) là một con gà tây".

Winslow T. Wheeler, Giám đốc Dự án Cải cách Quân sự Straus, Trung tâm thông tin Quốc phòng Mỹ cũng đồng tình với quan điểm trên và nói: "F-35 quá nặng nề và chậm chạp để thành công như là một máy bay chiến đấu. Nếu đối mặt với một đối thủ có lực lượng không quân mạnh, chúng ta sẽ gặp rắc rối".
 
Cho đến nay, Mỹ đã may mắn vì chưa phải đối mặt với một lực lượng quân sự thực sự mạnh. Trong các cuộc chiến tranh ở Iraq, Libya và Afghanistan, máy bay chiến đấu của Mỹ hoạt động gần như tự do và không bị thiệt hại đáng kể nào. Nhưng may mắn đó có thể sẽ không còn nếu chúng phải đối mặt với không quân Nga, Trung Quốc hay Ấn Độ.

Vấn đề lớn nhất với F-35 là các nhà thiết kế của nó đang đặt cược vào radar tàng hình và tầm xa để bù đắp cho sự thiếu hụt về tốc độ và khả năng cơ động. Nhưng tàng hình không phải là một công cụ vạn năng; nó không phải là chiếc áo tàng hình.

Thêm vào đó, các hệ thống radar hiện đại của Nga đang ngày một tốt hơn. Theo tờ nhật báo Công nghiệp Quốc phòng Nga, những công nghệ radar tiên tiến đã được tích hợp cùng với những hệ thống tên lửa đất đối không hiện đại nhất của Nga và các hệ thống radar theo dõi và quét tia hồng ngoại (IRST) hiện có, được triển khai trên các máy bay chiến đấu hiện đại của Nga và châu Âu, đang mở rộng phạm vi phát hiện đối với các máy bay có radar tàng hình của đối phương.

Hạn chế về hỏa lực

Một vấn đề khác là hình dạng chung của các máy bay Mỹ. Hầu hết những máy bay lớn của Mỹ có vẻ bề ngoài bắt mắt và đẹp để cố gắng giảm lực cản. Nhưng để tàng hình, F-35 phải có hình dáng như củ hành và rất lớn để có thể mang được các loại vũ khí bên trong bởi vì nếu mang vũ khí ở bên ngoài có thể sẽ tăng khả năng bị phát hiện trước radar đối phương. Vì vậy nó giờ đây trở nên nặng nề, như một máy bay ném bom. Chiếc máy bay này chỉ mang hai quả bom lớn, 4 quả bom nhỏ và tối đa là 4 tên lửa không đối không (AAM) ngoài tầm nhìn (BVR).

Không quân Mỹ tuyên bố radar tiên tiến của F-35 sẽ phát hiện máy bay địch trước và có thể hạ đối phương với một trong bốn tên lửa AAM tầm xa của nó. Nhưng các sát thủ BVR vẫn là những giấc mơ đối với các phi công máy bay chiến đấu và khá hiếm.

Máy bay chiến đấu F-35 của Mỹ.


Trong thực tế, sự phụ thuộc vào việc thu nhận dữ liệu radar và AAM có thể là một sự tự sát. Trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam, Không quân Mỹ đã rất hứng thú với khái niệm về tính năng chiến đấu của BVR mà các máy bay chiến đấu F-4 đầu tiên được trang bị. Nhưng sau khi bị các phi công của Không quân Việt Nam bắn hạ, người Mỹ lại phải tái trang bị những khẩu súng cho F-4.

Thực tế, Nga, nước sở hữu một loạt tên lửa BVR tiên tiến nhất trên thế giới, đã trang bị cho những chiếc Flanker ít nhất 8 tên lửa với lý do đơn giản rằng nó có thể bắn vài quả tên lửa nhằm vào một mục tiêu đang di chuyển ở tốc độ cao. Không giống như F-22, F-35 được mô tả là "thua kém một nửa” so với gia đình Su-30 trong cuộc chiến trong tầm nhìn.

Các phi đội F-35 chưa sẵn sàng

Theo khái niệm tác chiến trên không mới mà Không quân Mỹ và Lockheed Martin xác lập, F-35 sẽ thay thế cho tất cả các máy bay chiến đấu khác cũng như máy bay hỗ trợ mặt đất.

Nhưng đây là một thách thức. Bởi vì F-35 là một máy bay đắt tiền, nên các lực lượng không quân sẽ mua với số lượng hạn chế. Ví dụ, Nhật Bản hiện đang có 100 chiếc F-15 nhưng nước này sẽ thay thế chúng với chỉ 70 chiếc F-35. Hơn nữa, F-35 cũng sẽ rất tốn kém khi thực hiện các chuyến bay cũng như công tác bảo dưỡng, nên các lực lượng không quân sẽ hạn chế giờ bay thực hành. (Hiện tại, viện cắt giảm chi tiêu quốc phòng đã buộc Không quân Mỹ giảm hơn 44.000 giờ bay và loại bỏ 17 phi đội máy bay chiến đấu mặt đất).

Wheeler, người phụ trách các vấn đề an ninh quốc gia của Mỹ trong hơn ba thập kỷ, đưa ra những gợi ý cho lực lượng không quân phương Tây có kế hoạch mua F-35: "Các phi công sẽ trở nên kém hơn vì họ được đào tạo ít hơn, điều này là quan trọng nhất, hơn bất kỳ vấn đề kỹ thuật nào. Sẽ có rất ít các phi công khi mà toàn bộ lực lượng phải co lại, và về cơ bản bạn sẽ có một máy bay trưng bày mà không thể làm bất cứ điều gì. Nó là vô dụng, nó thật sự vô dụng hoành tráng, nó sẽ làm hỏng bất kỳ lực lượng không quân nào sử dụng nó".

Các cuộc không chiến vẫn chưa bắt đầu nhưng Flanker có vẻ đang dẫn trước F-35: 1-0.


Công Thuận (Theo R.I.R)
Nga không đủ tiền tái vũ trang quân đội
Nga không đủ tiền tái vũ trang quân đội

Bộ trưởng Tài chính LB Nga Anton Siluanov cho biết nước này không đủ tiền thực hiện các chương trình tái vũ trang đầy đủ tất cả các bộ sức mạnh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN