Tại sao ngành công nghiệp quốc phòng Ukraine quan trọng với Nga, Mỹ?

Khi quan hệ chính trị giữa Moskva và Kiev xấu đi vào đầu năm 2014, quan hệ trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng cũng bị tổn thương. Sau khi Crimea sáp nhập vào Nga hồi tháng 3, công ty Ukroboronprom của Ukraine quyết định ngừng xuất khẩu tất cả các loại vũ khí và thiết bị quân sự cho Nga.

 

Sau đó, Giám đốc công ty Ukroboronprom Yuriy Tereshchenko tuyên bố: "Có một số loại vũ khí mà Nga không thể chế tạo nếu không có các thành phần của Ukraine. Đây là một danh sách dài, chứ không phải một, hai, hoặc ba mục". Ngày 17/7 vừa qua, Tổng thống Ukraina Petro Poroshenko cũng đã ra lệnh ngừng tất cả các hợp tác quân sự-kỹ thuật với Nga.

Tác động của cuộc khủng hoảng

Tuy nhiên, các hợp đồng quân sự với Nga là rất cần thiết đối với sự sống còn của ngành công nghiệp vũ khí của Ukraine, và phương tiện truyền thông Nga đã thông báo rằng một số công ty như Yuzhmash (của Ukraine) sẽ tiếp tục thực hiện thỏa thuận đã ký kết giữa hai bên. Bộ trưởng Công nghiệp Nga Denis Manturov đã đánh giá rằng giá trị các đơn đặt hàng lớn giữa Ukraine và Nga trong các lĩnh vực dân sự và quốc phòng là hơn 15 tỷ USD và lưu ý rằng vi phạm các hợp đồng này sẽ ảnh hưởng tiêu cực 79 công ty quốc phòng Ukraine và 859 công ty quốc phòng Nga.

Nga đã thực hiện một số giải pháp nhằm giảm sự phụ thuộc vào ngành công nghiệp quốc phòng Ukraine.

 

Bất chấp những thiệt hại tiềm năng, các quan chức Nga đã tìm cách hạn chế tác động của việc cắt đứt quan hệ quân sự và quốc phòng mà có thể ảnh hưởng đến quá trình hiện đại hóa của quân đội nước này. Theo Bộ Quốc phòng Nga, Moskva đã nâng cấp để tăng tuổi thọ của những tên lửa RS-20 Voyevoda/SS-18 Satan cho đến năm 2019 nhằm giúp cho ngành công nghiệp quốc phòng Nga có đủ thời gian phát triển hệ thống tên lửa Sarmat sản xuất trong nước. Đối với các sản phẩm khác, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tuyên bố rằng Nga sẽ có thể thay thế việc nhập khẩu các thiết bị quốc phòng liên quan từ Ukraine trong vòng hai năm rưỡi.

Tuy nhiên, mặc dù xuất khẩu của Ukraine chỉ chiếm một phần nhỏ, khoảng 4-7% tổng số các thiết bị và vũ khí nhập khẩu của quân đội Nga, nhưng một số đơn vị trong ngành công nghiệp quốc phòng của Moskva sẽ bị thiếu hụt các thành phần cần thiết nếu sự hợp tác với Ukraine bị gián đoạn và các hệ thống vũ khí không thể thiếu đối với các lực lượng hạt nhân chiến lược của Nga có thể bị tổn hại vì không có các chuyên gia của Ukraine kiểm tra hoặc bảo dưỡng định kỳ.

Đối với Ukraine, việc chấm dứt hoàn toàn các mối quan hệ quân sự với Nga sẽ khiến cho ngành công nghiệp quốc phòng của nước này bị thiệt hại trong ngắn hạn. Ukraine đã tự chế tạo thành công một số hệ thống vũ khí khác hoàn toàn so với Nga, như xe tăng T-84, một số tên lửa phòng không thời Xô Viết và các vệ tinh không gian hay máy bay Antonov. Kiev sẽ phải vật lộn để tìm kiếm các thị trường thay thế để nhập khẩu các thiết bị phần cứng quân sự.

Bên cạnh đó, việc chấm dứt hợp đồng với Nga có thể dẫn đến sự sụp đổ của một số công ty quốc phòng Ukraine, vốn tạo ra rất nhiều việc làm, đặc biệt là ở miền nam và miền đông nước này. Một sự sụp đổ như vậy có khả năng sẽ dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp trong ngành công nghiệp quốc phòng tăng lên chưa từng thấy kể từ khi Liên Xô tan rã.

Quan ngại vấn đề phổ biến vũ khí

Ngoài ra, sự chấm dứt quan hệ công nghiệp quốc phòng giữa Nga và Ukraine chắc chắn sẽ làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng kinh tế vốn đang làm Ukraine bị tổn thương nặng nề, đặc biệt là ở phía đông của nước này, nơi mà cuộc xung đột quân sự vẫn diễn ra rất ác liệt. Có lẽ đáng lo ngại hơn, cuộc khủng hoảng cũng sẽ làm tăng nguy cơ gia tăng sự phổ biến các công nghệ tên lửa đạn đạo, hạt nhân ra bên ngoài.

Xung đột tại khu vực đông Ukraine hiện nay đang ảnh hưởng tiêu cực đến ngành công nghiệp quốc phòng của nước này.


Đây không phải là lần đầu tiên mối quan ngại này xuất hiện ở Ukraine. Sau sự tan rã của Liên Xô, Ukraine đứng trước nguy cơ một số lượng rất lớn các nhà khoa học từng làm việc dưới thời Liên Xô bị thất nghiệp. Năm 1991, Mỹ đã đưa ra một loạt sáng kiến và chương trình để đảm bảo rằng các kỹ sư và chuyên gia thuộc các tổ hợp công nghiệp quốc phòng thời Liên Xô không tiết lộ những bí mật công nghệ cho các đối tượng nguy hiểm hay phổ biến chúng rộng rãi.

Ví dụ, Chương trình Hợp tác Giảm mối đe dọa Nunn-Lugar (CTR) giữa Nga và Mỹ theo sáng kiến của Thượng nghị sĩ Mỹ Sam Nunn và  Richard Lugar nhằm hỗ trợ Nga trong việc giảm quy mô kho vũ khí hạt nhân của mình sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc; đồng thời loại bỏ các vũ khí sinh học và hóa học đã lỗi thời. Chương trình này có 4 mục tiêu chính gồm: phá hủy vũ khí hủy diệt hàng loạt và các cơ sở hạ tầng liên quan dưới thời Liên Xô cũ; củng cố và đảm bảo công nghệ và các tài liệu liên quan đến vũ khí hủy diệt; tăng tính minh bạch giữa các bên liên quan; hỗ trợ quốc phòng và hợp tác quân sự với mục tiêu ngăn chặn phổ biến vũ khí hủy diệt. Hơn 20 năm qua, Mỹ đã chi khoảng 8 tỷ USD cho chương trình này.

Chương trình Nunn-Lugar là một thành công lớn và nhận được sự ủng hộ của cả Nga và Ukraine. Từ năm 1995 đến năm 2012, chương trình này đã cung cấp cho Ukraine hơn 1,3 tỷ USD để loại bỏ hệ thống vũ khí cũ, cải thiện an ninh biên giới của Ukraine, và giúp các nhà khoa học hạt nhân, kỹ sư, và các chuyên gia có việc làm. Mặc dù Mỹ đã ngừng hợp tác với Nga trong nhiều lĩnh vực sau cuộc khủng hoảng Crimea, nhưng một số hợp tác về phổ biến hạt nhân vẫn tiếp tục. Sự hợp tác đó phải được duy trì nếu cộng đồng quốc tế muốn giúp Kiev bảo vệ những bí mật trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng nhạy cảm nhất của nước này.

Tầm quan trọng của việc giảm nguy cơ phổ biến vũ khí không nên bị đánh giá thấp. Sẽ rất nguy hiểm nếu các phần tử khủng bố có những công nghệ vũ khí mà Ukraine đang sở hữu. Nhưng nguy cơ này đang nổi lên trong những tháng gần đây. Cuộc khủng hoảng chính trị, kinh tế và quân sự hiện nay ở Ukraine làm xói mòn năng lực của chính phủ để thực thi một cơ chế không phổ biến vũ khí một cách hiệu quả. Mặc dù có những mối nguy hiểm tiềm năng khi các thiết bị quân sự và hạt nhân rơi vào tay kẻ xấu, sự quan tâm của Kiev về vấn đề này đã giảm đi vì họ có những ưu tiên khác cấp bách hơn. Các doanh nghiệp công nghiệp quốc phòng quan trọng của Ukraine lại phần lớn nằm ở khu vực phía đông của nước này, nơi mà quyền kiểm soát của chính phủ là khá yếu, điều này khiến cho vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn.

Chính phủ Ukraine gần đây đã thông qua một luật mới về các sản phẩm quốc phòng đa năng có thể được sử dụng trong sản xuất vũ khí tên lửa và tăng cường kiểm soát xuất khẩu trong giao dịch quốc tế về lĩnh vực công nghệ tên lửa. Về mặt lý thuyết, điều này sẽ giúp Ukraine tiến gần đến việc thực hiện nghĩa vụ quốc tế của mình theo thỏa thuận Chế độ Kiểm soát Công nghệ Tên lửa, một sự hợp tác chống phổ biến không chính tức mà Kiev tham gia năm 1998. Tuy nhiên, trong thực tế, việc thực hiện luật mới này sẽ là một thách thức trong bối cảnh Ukraine đang bị áp lực bởi rất nhiều thách thức khác hiện nay.

Sự cần thiết về những giải pháp quốc tế

Cả Nga và Mỹ lo ngại công nghệ tên lửa và hạt nhân của Ukraine rơi vào tay các phần tử xấu.


Trong khi đó, theo chuyên gia Alexandra McLees, một thành viên của Chương trình Nga Carnegie và Á-Âu, cả Mỹ và Nga đều có lợi ích trong việc cứu ngành công nghiệp quốc phòng của Ukraine tránh khỏi sự sụp đổ. Cùng với sự hỗ trợ những cải cách nhằm hạn chế tham nhũng và việc ban hành các thể chế cần thiết cần thiết, Washington và Moskva cần phải thảo luận với Kiev về nguồn tài trợ cho các nỗ lực để đảm bảo một sự chuyển đổi có trật tự và từng bước đối với ngành công nghiệp quốc phòng của Ukraine. Những cuộc đàm phán như vậy sẽ diễn ra song phương, đa phương hoặc dưới sự bảo trợ của một tổ chức quốc tế như Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu, Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế, hoặc Ngân hàng Tái thiết và Phát triển.

Các tổ hợp công nghiệp lớn ở miền đông và miền nam Ukraine đang có nhu cầu cấp bách về tái cơ cấu và hiện đại hóa. Các nhà máy này hiện vẫn tạo ra hàng trăm nghìn việc làm. Các công ty này sụp đổ sẽ tạo ra những hậu quả nguy hiểm cho Ukraine cũng như Nga và lợi ích an ninh của Mỹ. Các giải pháp khả thi duy nhất là tái cơ cấu dần dần hoặc giảm dần quy mô của các tổ hợp này. Điều đó có thể sẽ dẫn đến một thu hẹp quy mô lớn, do đó sẽ đòi hỏi một chương trình đào tạo và sử dụng các nhà khoa học, kỹ sư, và các chuyên gia quốc phòng để làm giảm nguy cơ phổ biến vũ khí.

Ukraine đang cần sự giúp đỡ. Mỹ và Nga nên đi đầu trong các nỗ lực quốc tế để cứu lấy ngành công nghiệp quốc phòng Ukraine. Nếu không, cộng đồng quốc tế có thể phải đối mặt với một tình huống còn nghiêm trọng hơn trong những năm tới.


Công Thuận (CEIP)

Làm thế nào để cứu công nghiệp quốc phòng Ukraine?-Kỳ 1
Làm thế nào để cứu công nghiệp quốc phòng Ukraine?-Kỳ 1

Hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng giữa Ukraine và Nga đang rơi vào vùng nguy hiểm. Washington và Moskva cần phải hành động ngay bây giờ để giúp Kiev đảm bảo nguồn lực quốc phòng nhạy cảm nhất của mình.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN