Trung Quốc sẽ đóng tàu sân bay tự thiết kế ở Thượng Hải

Theo báo "Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng" (Hong Kong) bản tiếng Anh số ra ngày 22/10, báo chí nước ngoài đưa tin rằng công việc thiết kế và đóng mới tàu sân bay thứ hai do Trung Quốc tự đảm nhiệm sẽ sớm được tiến hành tại xưởng đóng tàu Giang Nam ở thành phố Thượng Hải của nước này.

"Tạp chí Quốc phòng châu Á Hán Hòa" ở Canada, tờ tạp chí uy tín hàng đầu thế giới về các vấn đề quân sự, cho biết Trung Quốc sẽ sớm đóng tàu sân bay thứ hai do trong nước tự thiết kế ở Thượng Hải. Khi hoàn thành, tàu sân bay này và một tàu sân bay khác đang được đóng ở thành phố cảng Đại Liên sẽ hình thành hai cụm tàu sân bay với đầy đủ chức năng và sẵn sàng hỗ trợ lực lượng hải quân của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA).

Thông tin về chiếc tàu sân bay được đóng ở Thượng Hải cũng được đăng tải trên tờ "Tạp chí Quốc phòng Hán Hòa" xuất bản bằng tiếng Trung đồng thời là "chị em" của "Tạp chí Quốc phòng châu Á Hán Hòa". Tuy nhiên, các nguồn tin trong ngành công nghiệp đóng tàu Trung Quốc nói rằng thiết kế của chiếc tàu sân bay thứ hai do Trung Quốc tự sản xuất hiện vẫn chưa hoàn thành.

Tàu sân bay Liêu Ninh.


Tàu sân bay Liêu Ninh - vừa hoàn thành gần đây và được đưa vào phục vụ hải quân PLA từ tháng 9/2012 - được cải tạo từ tàu sân bay Varyag (do Liên Xô sản xuất) mà Trung Quốc mua lại của Ukraine và được hải quân Trung Quốc phân loại là "tàu huấn luyện" chứ không phải tàu chiến thực sự.

Trái ngược với dự đoán của nhiều người, chiếc tàu sân bay sẽ được đóng mới ở xưởng đóng tàu Giang Nam cũng chỉ sử dụng năng lượng thông thường chứ không phải năng lượng hạt nhân. Các chuyên gia quân sự nói rằng, Trung Quốc sẽ không nỗ lực đóng một tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân cho đến khi một loạt vấn đề liên quan được giải quyết, ví dụ như: độ tin cậy của các động cơ chạy bằng năng lượng hạt nhân; hoạt động huấn luyện thủy thủ và việc xây dựng một hải cảng phục vụ hoạt động duy tu bảo dưỡng tàu sân bay.

Thông tin của "Tạp chí Quốc phòng Hán Hòa" trái ngược với những dự đoán trước đó của các chuyên gia phân tích phương Tây rằng chiếc tàu sân bay mới do Trung Quốc tự sản xuất và chế tạo sẽ chạy bằng năng lượng hạt nhân, giống như chiếc tàu sân bay lớp Ulyanovsk của Liên Xô đã được lên kế hoạch đóng mới.

Tàu sân bay lớp Ulyanovsk đã được "lên kế hoạch" sẽ là siêu tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân đầu tiên của Moskva, với lượng giãn nước 85.000 tấn. Tuy nhiên, giống như tàu sân bay Varyag, con tàu này không bao giờ được hoàn thành và vỏ tàu đã bị phá hủy vào năm 1992.

Năm 2013, Tập đoàn Công nghiệp Đóng tàu Trung Quốc thuộc sở hữu nhà nước nói rằng Bắc Kinh đã phê chuẩn ngân sách cho việc phát triển công nghệ cho các tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân. Nhiều nhà quan sát nhận định rằng đó là dấu hiệu rõ ràng cho thấy Trung Quốc có kế hoạch đóng các tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân.

Lý Kiệt, một chuyên gia quân sự ở Bắc Kinh, nói rằng Trung Quốc đã có kinh nghiệm về việc sử dụng năng lượng hạt nhân trên biển, nhưng đến nay công nghệ này vẫn bị hạn chế trong hạm đội tàu ngầm đang phát triển của PLA. Chuyên gia Lý Kiệt nhấn mạnh: "So với các tàu ngầm thì tàu sân bay lớn hơn nhiều. Sẽ mất thời gian để các kỹ sư hạt nhân của chúng ta phát triển một động cơ an toàn và mạnh mẽ đủ khả năng cáng đáng một thân tàu khổng lồ nặng hơn 100.000 tấn".


TTK

Lộ diện radar chống tàng hình mới của Trung Quốc
Lộ diện radar chống tàng hình mới của Trung Quốc

Máy bay chiến đấu tàng hình hiện đại nhất của Mỹ, F-22 Raptor, đặt ra nguy cơ lớn đối với mạng lưới phòng không của Trung Quốc, nhưng quân đội Trung Quốc đang có đủ thời gian để tìm cách bắn hạ chúng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN