Con sẽ trưởng thành!

"Hôm nay sinh nhật ba, con gái chả có gì tặng ba cả, chỉ biết nhắn tin chúc ba sinh nhật vui vẻ. Con biết là thời gian qua làm ba buồn phiền nhiều, lo lắng nhiều, ba hút thuốc cũng nhiều hơn.

 

Nhưng ba đừng lo quá, con nay sắp bước sang tuổi 20, đã đủ nhận thức được đúng sai. Chỉ là … khi bên ba mẹ, còn vẫn muốn sống như một đứa trẻ, để được ba mẹ chăm chút, lo lắng từng li từng tí. Giờ khi kiếm được vài đồng, con đã cảm nhận được sự vất vả, bươn trải của ba mẹ thế nào… Con hiểu được rồi, ba à! Chỉ mong ba càng mạnh khỏe, có thể ở bên cạnh mẹ và con, ít nhất cho tới khi con yên bề gia thất sau này. Con yêu ba rất nhiều!".


Tin nhắn được gửi đi cũng là lúc hai dòng nước mắt rơi lã chã. Lần đầu tiên tôi soạn một tin nhắn dài và mùi mẫn gửi cho ba và cũng lâu rất lâu rồi mới nói lời yêu thương với ba mình.


Phải nói thế nào được nhỉ, nhìn tôi giống ba lắm. Ấy thế mà, tính cách tôi lại chả giống tẹo nào. Ba tôi là một sĩ quan chỉ huy, khoác trên mình bộ quân phục với quân hàm bốn sao hai vạch trên vai ngay ngắn. Tôi còn nhớ, hồi bé có lần được ba cho đến đơn vị chơi, tôi mới chứng kiến hình ảnh ba như một vị tướng trong phim vậy! là con gái, vậy mà ngay từ lúc đó, tôi đã muốn được thứ ba, rất chi là uy lực.


Tôi luôn thầm tự nhủ, phải phấn đấu để sau này đi đâu ai cũng kính nể, yêu quý như ba. Ấy thế mà tuổi trẻ mải rong chơi, cộng thêm cái tính bướng bỉnh cứng đầu, tôi đã khiến không ít lần ba phải thốt lên: "Con chả giống ba gì cả. Ba có lười học đâu, ba có lười làm việc nhà đâu!".


Ba thường kể chuyện ngày xưa. Ba kể nhiều tới nỗi bản thân tôi thuộc lòng, thuộc tới mức đoạn nào diễn biến ra sao.


Những dòng tự thuật trong mỗi bữa ăn, ba cứ đều đều nhắc đi nhắc lại, nhiều khi tôi phát chán, tôi giận dỗi chả muốn nghe, tôi bật ti vi át cả tiếng ba kể, vậy mà ba vẫn ôn tồn. Cho tới một ngày, tình cờ dọn nhà tôi phát hiện ra một cuốn sổ bìa da màu đen hoa văn uốn lượn. Lật mở nhẹ nhàng, dòng chữ nghiêng nghiêng viết hoa ngay ngắn: "Tự sự Bố kể - Con nghe, Hà Nội: Mùa đông Quý Tỵ - Mùa xuân Giáp Ngọ". Tôi ngỡ ngàng khi chưa từng nghĩ rằng ba sẽ viết nhật ký. Có nên đọc không? Tôi lần khần, nâng lên đặt xuống. "Chẳng phải ba bảo viết còn mình đọc à? Có làm sao đâu. Ừ thì đọc, đọc xem sao".

Tôi tự nhủ như vậy để tránh niềm tội lỗi đang dâng lên. Nhiều chữ quá, đều chằn chặn, chữ ba mềm mà đầy cứng rắn như ngày nào ba khai sổ liên lạc cấp 1 cho mình. Lật đại một trang, rồi lật tiếp lật tiếp, những dòng chữ của ba như nhảy múa trước mắt tôi. "Cứ thế cứ ngày qua ngày, tháng tiếp tháng, chỉ lo sao có đủ cái để cho vào bếp đun, vậy đã đủ toát mồ hôi chứ có bao giờ nghĩ đến mình được chơi cái gì, ăn cái gì ngon. Thời đó nhà mình đó một cái nồi đồng, một cái xoong nhỏ, một cái chảo gang đường kính khoảng 40 phân và một cái xanh đồng thi thoảng rán các thứ.

Vậy thôi, mọi thứ đều đen xì vì muội bám, nấu xong bữa cơm thì chân tay mặt mũi đen xì vì nhọ nồi. Mà có gì đâu, một nồi cơm, một xoong canh rau luộc với tí tép hoặc tí cá lòng tong, tí muối lạc, hôm nào sang lắm thì có tí thịt rang mặn hoặc trứng chưng. Thế mà trẻ con vẫn lớn, chẳng ốm đau gì mà học vẫn giỏi".


Gập vội quyển sổ ngồi lặng một hồi lâu, thì ra những điều ba kể bấy lâu với tôi là chứa chan đầy nước mắt, mồ hôi… Chẳng phải tôi đã loáng thoáng nghe đâu đó trong những trang văn có nói những con người sống quen trong lao khổ, họ thường có sức sống tiềm tàng hay sao? "Trẻ con vẫn lớn, chẳng ốm đau gì mà học vẫn giỏi", vậy mà chẳng phải tôi đây, sống no đủ, cơm ba mẹ lo, quần áo ba mẹ giặt, thiếu tiền ba mẹ cho, ấy vậy mà vẫn chưa biết nghĩ, chưa làm gì được cho ba mẹ vui lòng…


"Con hãy bằng việc làm cụ thể. Đừng bao giờ để ba mẹ buồn. Ba mẹ già rồi, lại không được khỏe. Đừng để ba mẹ mất niềm tin vào con. Ba cũng rất yêu con!". Ba gửi cho tôi tin nhắn.


Tôi òa khóc, khóc như một đứa trẻ, nước mắt giàn giụa, chả ai biết rằng tôi đã khóc to như thế nào, tôi đã khóc bao lâu. Chỉ bản thân tôi hiểu được, ước mơ lớn nhất của ba mẹ, đó là đứa con gái duy nhất, là tôi, ngoan ngoãn, trưởng thành, hạnh phúc trọn đời.


Giờ tôi đã hiểu, tôi nhất định phải thực hiện bằng được niềm mơ ước, mong mỏi của ba mẹ: được thấy tôi ngoan, trưởng thành hàng ngày, qua từng việc nhỏ. Và từ hôm nay, tôi đã biết "lăn" vào bếp với mẹ; chăm sóc, dọn dẹp nhà cửa cùng với ba nhiều hơn. Ngoài giờ học, tôi cố gắng làm thêm vừa để trải nghiệm cuộc sống, trau dồi kỹ năng và kinh nghiệm cho con đường tương lai của bản thân, vừa có thể "giúp" ba mẹ một chút về các khoản tiêu vặt của chính tôi. Cứ thế, tôi sẽ thực hiện ước mơ của ba mẹ bằng những việc làm cụ thể, nho nhỏ dần dần như lời ba nói! Ba mẹ ơi, con sẽ là đứa con ngoan, con sẽ trưởng thành, bởi con là con của ba, của mẹ. Bởi sau lưng con luôn có hậu phương vững chắc là "Ngài đại tá" nhân từ và mẹ hiền yêu dấu!


Nguyễn Thị Thùy Linh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN