Dịch cúm gia cầm vẫn nóng, người Hà Nội thờ ơ

Mặc dù nguy cơ tái phát dịch cúm gia cầm đã và đang được cảnh báo, nhưng khảo sát của phóng viên Tin Tức ngày 27/11, tại các chợ buôn bán gia cầm trên địa bàn Hà Nội, tiểu thương và người tiêu dùng vẫn rất thờ ơ với việc phòng dịch.


Theo Cục Thú y, dịch cúm gia cầm - cúm A(H5N1), A(H5N6) vẫn đang phát triển tại các địa phương trên cả 3 miền Bắc, Trung, Nam. Trong tháng 9 và 10, ở phía Bắc, dịch cúm đã xuất hiện ở các tỉnh Lào Cai, Nam Định; miền Trung là Nghệ An, Quảng Ngãi và phía Nam là các tỉnh Vĩnh Long và Ninh Thuận.

Người buôn bán gia cầm thoải mái giết, mổ “thủ công” giữa chợ cóc, thuộc khu ẩm thực phường Ngọc Lâm, quận Long Biên.


Theo Bộ Y tế, ngày 11/11, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, tình hình dịch bệnh cúm A(H5N1), A(H5N6), A(H7N9) đang diễn biến phức tạp, tổ chức này vẫn liên tục ghi nhận các ổ dịch bùng phát tại Trung Quốc, Lào, Campuchia. Bộ Y tế cảnh báo: Thời gian tới do điều kiện thời tiết, khí hậu thuận lợi cho virút cúm phát triển và lây lan; đồng thời sự giao lưu đi lại, làm ăn, buôn bán qua biên giới giữa Việt Nam và các nước đang có dịch cúm gia cầm rất lớn, cùng với nhu cầu sử dụng gia cầm, sản phẩm gia cầm tăng mạnh nên nguy cơ dịch cúm xâm nhập, lây lan rất cao.

Mặc dù nguy cơ tái phát dịch cúm gia cầm đã và đang được cảnh báo, nhưng khảo sát của phóng viên Tin Tức ngày 27/11, tại các chợ buôn bán gia cầm trên địa bàn Hà Nội, tiểu thương và người tiêu dùng vẫn rất thờ ơ với việc phòng dịch.

Tay thoăn thoắt nhổ lông gà trong chậu nước cỡ chỉ bằng cái rổ con, nước đen ngòm, đặc quánh đất, người bán gà lấy kéo và bắt đầu mổ gà. Các loại lòng, mề của con gà lại được bày ra trên nền đám lông gà đã vặt. Cảnh tượng giết mổ gia cầm phản cảm này vẫn diễn ra hàng ngày giữa chợ cóc, thuộc khu ẩm thực Long Biên, phường Ngọc Lâm, quận Long Biên. Khi hỏi về nguồn gốc gia cầm, người bán gà cho hay: Gom nhặt gà từ các chợ đầu mối của huyện Đông Anh mang sang.

"Một lò mổ di động", ảnh chụp trên phố Lê Văn Hưu, Hà Nội, sáng 26/11.

Tại chợ Gia Lâm, phường Ngọc Thụy, quận Long Biên, nếu khách mua và muốn mổ gà thì chỉ cần đợi 10 phút. Người bán sẽ chạy vào khu sau kiốt để làm gà. Không gian làm gà của các chủ ki ốt chợ Gia Lâm cũng là nhà tắm, nhà vệ sinh. Tất cả đều rải ra trên nền xi măng của khu phụ, lênh láng các loại lông gà, chất thải từ trên nền xuống cống nước thải chung của chợ. Chủ một cửa hàng được hỏi chuyện cho biết, hầu hết người bán hàng tại chợ vẫn mổ gia cầm trực tiếp bằng tay, không đeo găng và chẳng cần khẩu trang. Giải thích lý do không sử dụng các biện pháp phòng dịch, chủ hàng... bật mí: “Nhìn gà tươi, ngon thế này thì không việc gì phải sợ”.

Bộ Y tế khuyến cáo: Để phòng chống dịch bệnh cúm lây truyền từ gia cầm sang người, người dân không được ăn gia cầm, các sản phẩm gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc; đảm bảo ăn chín, uống sôi; rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn. Người dân không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc; khi phát hiện gia cầm ốm, chết tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn. Đặc biệt, khi có biểu hiện cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở có liên quan đến gia cầm, người dân phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.

Tại chợ cóc phố Hòe Nhai, phường Quan Thánh, quận Ba Đình (Hà Nội), chị Nguyễn Thị Hoa, chuyên mang gà từ Hưng Yên lên bán, cho biết, không bao giờ đọc báo, nghe đài hay xem ti vi nên không quan tâm có dịch cúm gia cầm hay không trong thời điểm hiện nay. Vừa nói chuyện, tay chị Hoa vừa thoăn thoắt rửa những quả tim gà trong chậu nước đỏ ngầu. Trên sạp bán, những con gà mổ sẵn trông đẹp đẽ là thế. Nhưng chỉ cần vào hẳn trong ki ốt, cảnh tượng mất vệ sinh của hậu trường giết mổ gà khiến ai cũng phải quay mặt. Chẳng ngại ngần, chị Hoa quả quyết, thịt gia cầm tại cửa hàng ngày nào cũng được đội dịch tễ của phường đi kiểm tra. Để minh chứng, chị Hoa lục ngăn kéo lấy ra tờ biên lai kiểm tra dịch tễ ghi ngày... 2/11 với số lượng kiểm tra 1 con. Hỏi về biên lai kiểm tra dịch tễ trong ngày với sạp hàng gần 10 con gia càm đã mổ sẵn, chị Hoa loay hoay hồi lâu không tìm thấy. “Gà của tôi phải có kiểm dịch chứ, mỗi tuần mất 65.000 đồng đấy”, chị Hoa phân bua.

Trong ngày khảo sát của phóng viên Tin Tức, chợ Châu Long, quận Ba Đình có vẻ là chợ quy củ trong việc quản lý các hộ bán thịt gia cầm. Chị Nguyễn Thùy Dương, chủ một cửa hàng bán thịt gia cầm sạch cho biết, thịt gia cầm bán tại chợ Châu Long được kiểm dịch tới 2 lần trước khi được bán nên rất yên tâm. Một là kiểm dịch đầu nguồn, tại chợ đầu mối Bắc Thăng Long; hai là tại chợ Châu Long. Nói rồi chị Hoa cho phóng viên xem 2 tờ biên bản kiểm tra dịch tễ trong ngày.

Trao đổi về nguy cơ dịch cúm gia cầm lây sang người, anh Phạm Văn Hợp, một khách mua thịt gà mổ sẵn, tại chợ Châu Long chia sẻ: “Lúc nào ti vi, báo chí cảnh báo rầm rộ thì thôi. Còn bây giờ, tôi vẫn mua gà về làm lẩu. Cho vào nồi, cứ sôi sình sịch thì virút cúm nào sống được!”, anh Hợp vừa nói vừa cười.
Bài và ảnh: Xuân Hương
Chủ động phòng chống cúm gia cầm AH5N6
Chủ động phòng chống cúm gia cầm AH5N6

Ổ dịch cúm gia cầm AH5N6 vừa được phát hiện và xử lý tại Thanh Hóa. Theo Cục Thú y, vi rút cúm A H5N6 là chủng độc lực cao, có nguy cơ lây sang người, do vậy các địa phương cần tăng cường giám sát, chủ động tiêm phòng vắc xin, ngăn chặn việc vận chuyển lậu gia cầm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN