Thụy Điển tổ chức cuộc tập trận lớn nhất trong hơn 25 năm

Theo hãng tin AFP, ngày 17/4, Thụy Điển đã triển khai cuộc tập trận có quy mô lớn nhất trong hơn 25 năm, với sự tham gia của 26.000 binh sĩ đến từ 14 nước, trong bối cảnh nỗ lực gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) của Stockholm vẫn đang gặp nhiều trở ngại. 

Chú thích ảnh
Lực lượng phòng vệ quốc gia Thụy Điển tham gia cuộc tập trận gần Visby trên đảo Gotland, ngày 17/5/2022. Ảnh: AFP/TTXVN

Lực lượng Vũ trang Thụy Điển cho biết cuộc tập trận được thực hiện trên không, cũng như trên mặt đất và ngoài khơi nước này, dự kiến sẽ kéo dài đến ngày 11/5. Theo đó, lực lượng quốc phòng các nước Mỹ, Anh, Phần Lan, Ba Lan, Na Uy, Estonia, Latvia, Litva, Ukraine, Đan Mạch, Áo, Đức và Pháp đều góp mặt. Với sự tham gia của hầu hết các thành viên NATO, cuộc tập trận trở thành tâm điểm sự chú ý trong bối cảnh nỗ lực gia nhập liên minh quân sự của Stockholm vấp phải một số khó khăn. 

Phần Lan và Thuỵ Điển đã chấm dứt chính sách không liên kết quân sự kéo dài nhiều thập kỷ và quyết định nộp đơn xin gia nhập NATO hồi năm ngoái. Đơn xin gia nhập của 2 quốc gia Bắc Âu này đã được chấp thuận tại Hội nghị thượng đỉnh NATO hồi tháng 6/2022. Để chính thức trở thành thành viên của tổ chức này, đơn gia nhập của Helsinki và Stockholm phải được quốc hội của toàn bộ 30 nước thành viên liên minh phê chuẩn. Trong khi Phần Lan đã trở thành thành viên thứ 31 của NATO ngày 4/4, nỗ lực gia nhập NATO của Thụy Điển vẫn chưa nhận được sự ủng hộ của Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary.

Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng Thụy Điển là nơi trú ẩn của hàng chục đối tượng mà Ankara tình nghi có liên quan âm mưu đảo chính bất thành năm 2016 và phong trào của lực lượng người Kurd tại nước này. Đây là lý do Thổ Nhĩ Kỳ đã trì hoãn phê chuẩn. Các ngoại trưởng NATO hy vọng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan có thể "bật đèn xanh" cho Stockholm nếu ông giành phần thắng trong cuộc tổng tuyển cử dự kiến diễn ra vào tháng 5 tới. 

Thụy Điển vốn có quan hệ chặt chẽ với NATO kể từ khi tham gia chương trình Đối tác vì Hòa bình vào những năm 1990, song vì chưa trở thành thành viên của tổ chức, quốc gia này không được bảo đảm an ninh theo Điều 5 của NATO về phòng thủ chung.

Hoàng Châu (TTXVN)
Hàn - Mỹ - Nhật tập trận phòng thủ tên lửa chung
Hàn - Mỹ - Nhật tập trận phòng thủ tên lửa chung

Theo hãng tin Yonhap, Hải quân Hàn Quốc thông báo ngày 17/4, các lực lượng của nước này, Mỹ và Nhật Bản đã tập trận phòng thủ tên lửa chung ở vùng biển quốc tế phía Đông Bán đảo Triều Tiên.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN