Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố về tai nạn máy bay Malaysia

Bộ Quốc phòng LB Nga ngày 18/7 đã ra tuyên bố về vụ tai nạn máy bay Boeing-777 của Hãng hàng không Malaysia Airlines chở 298 người bị rơi tại tỉnh Donetsk của Ukraine, cách biên giới Nga khoảng 50 km.

Phóng viên TTXVN tại Nga dẫn thông cáo của Bộ Quốc phòng Nga, cho rằng với mục đích điều tra khách quan thảm họa máy bay Boeing-777 cần tiến hành một cuộc điều tra tỉ mỉ với sự tham dự của tất cả các tổ chức quốc tế có quan tâm.

Theo Bộ trên, trong khu vực xảy ra tai nạn có các đơn vị của lực lượng vũ trang Ukraine được trang bị các hệ thống tên lửa phòng không Buk-M1. Tại khu vực ngoại vi Tây Bắc Donetsk có triển khai các tiểu đoàn của Trung đoàn tên lửa đất đối không 156 Lực lượng vũ trang Ukraine, với 27 tổ hợp phóng của hệ thống Buk-M1. Các tổ hợp này, theo tính năng kỹ thuật có thể phát hiện mục tiêu ở khoảng cách 160km, độ cao hơn 30 km. Bên cạnh đó, trên vùng trời tỉnh Donetsk thường xuyên xuất hiện máy bay chiến đấu của Không quân Ukraine được trang bị nhiều loại tên lửa khác nhau. Bộ Quốc phòng Nga khẳng định "đây là thực tế không thể bác bỏ".

Sơ đồ đường bay của chiếc máy bay MH17 của hãng hàng không Malaysia trước khi rơi tại Ukraine. Ảnh: THX/TTXVN


Theo Bộ Quốc phòng Nga, tuyên bố chính thức của Kiev rằng những hệ thống và máy bay nói trên không bắn vào các mục tiêu trên không thật đáng nghi ngờ. Trong một thời gian ngắn như vậy, không nên đưa ra kết luận một chiều trong điều kiện giao tranh ác liệt đang diễn ra tại khu vực xảy ra tai nạn, vì vậy cần một cuộc điều tra đầy đủ về vấn đề này.

Bộ Quốc phòng Nga cũng tuyên bố ngày 17/7, hệ thống phòng không của Lực lượng vũ trang LB Nga tại khu vực đó không hoạt động. Máy bay của Không quân Nga tại các tỉnh giáp ranh với Donetsk của Ukraine ngày 17/7 cũng không tiến hành xuất kích. Thông tin này hoàn toàn được khẳng định thông qua các phương tiện kiểm soát khách quan.

Bộ Quốc phòng Nga cũng lưu ý rằng chiếc Boeing-777 bay bên ngoài vùng hoạt động của các hệ thống phòng không của LB Nga và bay ở không phận Ukraine, dưới sự kiểm soát không lưu của nước này. Bộ kêu gọi cộng đồng quốc tế tiến hành điều tra mở và thấu đáo tối đa về vụ tai nạn.

Theo số liệu mới nhất của Hãng hàng không Malaysia, số người có mặt trên chiếc máy bay gặp nạn là 298 người, sau khi xác định có 3 trẻ sơ sinh không nằm trong danh sách gốc. Toàn bộ phi hành đoàn là người Malaysia. Trong số 283 hành khách có 154 người mang quốc tịch Hà Lan, 28 người Malaysia, 27 người Australia, 12 người Indonesia, 9 người Anh, 4 người Đức, 4 người Bỉ, 3 người Philippines, 1 người Canada. Hiện vẫn còn 41 người chưa xác định được quốc tịch.

Australia đề nghị tham gia điều tra

Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, các nhà chức trách Australia đang yêu cầu được trực tiếp tới hiện trường vụ máy bay MH17 của hãng hàng không Malaysia Airlines (MAS) gặp nạn trên không phận Ukraine để tham gia điều tra vụ tai nạn này.

Phát biểu với báo giới tại thành phố Brisbane thuộc bang Queensland, Ngoại trưởng Julie Bishop cho biết Australia yêu cầu tổ chức một cuộc điều tra quốc tế đầy đủ và độc lập đối với thảm họa này. Bà Bishop cũng đề nghị lực lượng đòi liên bang hóa ở Ukraine hợp tác điều tra vụ máy bay rơi, đồng thời nhấn mạnh vụ việc này cho thấy cần phải nhanh chóng giảm bớt căng thẳng tại khu vực Đông Ukraine.

Hiện trường máy bay rơi. Ảnh: AFP/TTXVN


Chính phủ Australia hiện đang điều động nhân viên của mình ở châu Âu tới giúp xử lý thảm họa, đồng thời, sẽ cử một số quan chức tới thủ đô Kiev của Ukraine để hỗ trợ. Thủ tướng Tony Abbott và Ngoại trưởng Bishop đã thảo luận với người đồng cấp tại Hà Lan về vụ việc.


Trong một phát biểu trước Quốc hội Australia ngày 18/7, Thủ tướng Abbott cho rằng lực lượng đòi liên bang hóa ở Ukraine là thủ phạm sử dụng tên lửa bắn rơi chiếc máy bay mang số hiệu MH17. Ông Abbott cho rằng "đây không giống với một vụ tai nạn mà là âm mưu tội ác. Vì vậy, thủ phạm phải bị đưa ra xét xử". Cùng ngày, Ủy ban An ninh Quốc gia Australia đã nhóm họp để thảo luận vụ việc.

Máy bay MH17 đang trong hành trình từ Amsterdam tới Kuala Lumpur đã  rơi ở miền Đông Ukraine. Lực lượng đòi liên bang hóa phủ nhận gây ra thảm họa này. Theo số liệu ban đầu, có ít nhất 27 người Australia trong tổng số 298 người thiệt mạng trên chuyến bay này. Ngoại trưởng Bishop cho biết số người Australia trên máy bay chưa được xác nhận và có thể còn cao hơn. Trong số nạn nhân, có cả thành viên các phái đoàn tới dự hội nghị quốc tế lần thứ 20 về bệnh AIDS dự kiến tổ chức tại thành phố Melbourne, bang Victoria, dự kiến diễn ra từ ngày 20 - 25/7 tới.

Trước đó, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko cho rằng vụ rơi máy bay này là một hành động khủng bố.

Thảm họa MH17 xảy ra cách chỉ 4 tháng sau vụ chuyến bay MH370 cũng của MAS mất tích và cùng là loại máy bay Boeing 777. Sau vụ việc này, nhiều hãng hàng không quốc tế đã có tuyên bố tránh sử dụng không phận Ukraine.


TTXVN/Tin tức
Vũ khí nào đã bắn hạ máy bay Malaysia?
Vũ khí nào đã bắn hạ máy bay Malaysia?

Có thông tin cho rằng, chiếc máy bay MH17 của Hãng hàng không quốc gia Malaysia bị hệ thống tên lửa Buk bắn hạ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN