Căng thẳng về xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine gây chia rẽ EU

Quyết định của EU về lệnh cấm ngũ cốc Ukraine là bước thử nghiệm đầu tiên trong số nhiều phép thử sắp tới về sự hỗ trợ của châu Âu dành cho Ukraine. Các câu hỏi cũng đang đặt ra về cam kết của Washington với Kiev trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào năm tới.

Chú thích ảnh
Quyết định dỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu vào EU của Brussels ngay lập tức bị một số nước ở Trung và Đông Âu bác bỏ. Ảnh: Reuters

Theo Wall Street Journal ngày 16/9, việc xuất khẩu thực phẩm của Ukraine đã trở thành một vấn đề chính trị nhức nhối ở EU, sau khi Brussels quyết định chấm dứt các hạn chế của khối đối với việc nhập khẩu ngũ cốc của Ukraine, nhưng một số nước ở sườn phía Đông của châu Âu ngay lập tức bác bỏ quyết định này.

Các quyết định của Ba Lan, Hungary và Slovakia cấm ngũ cốc của Ukraine đã làm nảy sinh tranh chấp kéo dài giữa Brussels và các thành viên phía Đông của EU. Sự bất đồng đã khơi dậy căng thẳng trong khối và gây chia rẽ giữa Ukraine và Ba Lan, một trong những đồng minh gần gũi của Kiev trong suốt cuộc xung đột với Nga.

Quyết định hôm 15/9 của Ủy ban châu Âu, cơ quan điều hành của EU, được đưa ra sau nhiều tuần đàm phán nhằm tìm kiếm sự thỏa hiệp. Ukraine dọa sẽ đưa vấn đề ra ra Tổ chức Thương mại Thế giới để kiện đòi bồi thường. Ba Lan, Hungary và Slovakia, những quốc gia giáp Ukraine và cho rằng họ đã phải hứng chịu gánh nặng từ làn sóng ngũ cốc giá rẻ của Ukraine tràn vào, đã cảnh báo sẽ hành động đơn phương để ngăn chặn làn sóng này.

Cuộc bầu cử sắp tới ở Ba Lan có những diễn biến phức tạp. Đảng Luật pháp và Công lý cầm quyền đã vận động mạnh mẽ ở vùng nông thôn với những cam kết sẽ bảo vệ nông dân Ba Lan vốn đã bị tổn thương trước làn sóng ngũ cốc Ukraine tràn vào do việc Nga gần đây rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc kéo dài một năm ở Biển Đen.

Phát biểu tại một cuộc vận động tranh cử ở Đông Bắc Ba Lan, Thủ tướng Mateusz Morawiecki cho biết: “Chúng ta sẽ gia hạn lệnh cấm này, bất chấp sự phản đối của họ. Chúng ta sẽ làm điều đó vì đó là lợi ích của người nông dân Ba Lan”. Nông dân ở Ba Lan cũng đổ lỗi cho việc giá giảm là do một lượng lớn ngũ cốc Ukraine đổ vào.

Theo các thỏa thuận mới của EU, Ukraine đã đồng ý thực hiện các bước nhanh chóng để ngăn chặn sự gia tăng xuất khẩu ngũ cốc sang khối. Ủy ban châu Âu đã đồng ý kiềm chế áp đặt các hạn chế miễn là các biện pháp của Ukraine có hiệu quả.

Các nước thành viên EU có nghĩa vụ phải tuân thủ các quyết định thương mại của Brussels. Các quan chức EU cho biết lệnh cấm đơn phương nhập khẩu ngũ cốc của Ba Lan và các nước láng giềng vào mùa xuân có thể vi phạm luật pháp EU.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tối 15/9 cho biết ông đã nói chuyện với Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen và cảm ơn bà về quyết định này. Ông Zelensky nêu rõ: “Điều quan trọng là sự đoàn kết của châu Âu hiện đang hoạt động ở cấp độ song phương. Nếu quyết định của họ vi phạm luật pháp EU, Ukraine sẽ phản ứng một cách văn minh”.

Sau quyết định của Ủy ban châu Âu, Hungary cho biết họ sẽ cho phép ngũ cốc tiếp tục quá cảnh trong nước nhưng sẽ duy trì và mở rộng lệnh cấm nhập khẩu. Các nhà chức trách sẽ niêm phong các lô hàng ở biên giới và giám sát chặt chẽ việc vận chuyển chúng, người phát ngôn của Chính phủ Hungary Zoltan Kovacs cho biết.

Về phần mình, Peter Majer người phát ngôn của Thủ tướng Slovakia cho biết nước này cũng sẽ áp đặt lệnh cấm ngũ cốc và ba sản phẩm nông nghiệp khác có hiệu lực từ ngày 16/9.

Quyết định của EU về lệnh cấm ngũ cốc Ukraine là bước thử nghiệm đầu tiên trong số nhiều phép thử sắp tới về sự hỗ trợ của châu Âu dành cho Ukraine. Các câu hỏi cũng đang đặt ra về cam kết của Washington với Kiev trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào năm tới.

Chú thích ảnh
Xuất khẩu ngũ cốc là một phần quan trọng của nền kinh tế Ukraine. Ảnh: AFP

Trước cuộc bầu cử ở Ba Lan, Slovakia sẽ tổ chức các cuộc bầu cử vào cuối tháng 9 này, với kết quả thăm dò cho thấy cựu Thủ tướng Robert Fico sẽ quay trở lại chính phủ. Ông Fico đã vận động chống lại các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Nga.

27 quốc gia thành viên EU phải quyết định vào cuối năm nay về gói viện trợ kinh tế được đề xuất trị giá khoảng 53 tỷ USD cho Ukraine và đề xuất hỗ trợ quân sự trị giá khoảng 21 tỷ USD.

Căng thẳng về vấn đề ngũ cốc gia tăng trước quyết định hôm 15/9, chấm dứt các thỏa thuận cho phép xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine vào Ba Lan, Hungary, Slovakia, Romania và Bulgaria chỉ để trung chuyển sang các thị trường khác.

Kiev đã cảnh báo sẽ kiện lên Tổ chức Thương mại Thế giới để yêu cầu bồi thường nếu lệnh cấm không được dỡ bỏ.

Xuất khẩu ngũ cốc là một phần quan trọng của nền kinh tế Ukraine, nước xuất khẩu ngũ cốc lớn thứ hai thế giới vào năm 2021, trước cuộc xung đột với Nga. Năm đó, Ukraine xuất khẩu khoảng 27 tỷ USD nông sản, chiếm khoảng một nửa tổng thu nhập xuất khẩu của nước này.

Vấn đề ngũ cốc cũng gây chia rẽ EU. Các nhà ngoại giao của khối cho biết hầu hết các quốc gia thành viên đều phản đối việc mở rộng thỏa thuận hiện tại.

Nhưng Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki tuyên bố: “Tôi muốn nói rõ ràng - chúng tôi không thể đồng ý với việc nhập khẩu loại ngũ cốc này một cách đột ngột và không kiểm soát, dẫn đến sự bất ổn và mất ổn định của thị trường Ba Lan”.

Cho đến nay, sự ủng hộ của châu Âu dành cho Ukraine vẫn được duy trì bất chấp hàng loạt cuộc bầu cử ở EU kể từ khi xung đột nổ ra. Ngoài các cuộc bỏ phiếu ở Slovakia và Ba Lan, cử tri Hà Lan còn đi bỏ phiếu vào tháng 11 và cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu diễn ra vào tháng 6 tới.

Để duy trì sự gắn kết, các quan chức EU đã phân bổ hàng trăm triệu euro cho Ba Lan và những nông dân khác, nhưng nguồn tài trợ hỗ trợ thêm của Brussels đang cạn kiệt.

Khi Ba Lan, Hungary và ba quốc gia khác đưa ra lệnh cấm đơn phương đối với xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine vào tháng 4 năm nay, doanh số bán qua EU đã giảm mạnh xuống chỉ còn 2 triệu tấn trong tháng đó, khiến Kiev mất đi nguồn thu rất cần thiết. Vào tháng 8, sau quyết định của Nga rút khỏi Sáng kiến ​​ngũ cốc Biển Đen, xuất khẩu của Ukraine sang EU là khoảng 4 triệu tấn.

Công Thuận/Báo Tin tức
Nông dân Romania yêu cầu cấm nhập khẩu ngũ cốc Ukraine
Nông dân Romania yêu cầu cấm nhập khẩu ngũ cốc Ukraine

Theo phóng viên TTXVN tại Trung và Đông Âu, ngày 16/9, nông dân Romania đã yêu cầu Chính phủ nước này đơn phương cấm nhập khẩu ngũ cốc và các nông phẩm khác của Ukraine sau khi Ủy ban châu Âu quyết định dỡ bỏ các hạn chế.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN