Chỉ 5 quốc gia châu Phi có thể tiêm đủ vaccine cho 40% dân số trước cuối năm nay

Ngày 28/10, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết sẽ chỉ có 5 quốc gia châu Phi đạt mục tiêu tiêm phòng COVID-19 đầy đủ cho 40% dân số đến cuối năm nay.

Chú thích ảnh
Tổng Giám đốc Dịch vụ Y tế Ghana, Tiến sĩ Patrick Kuma-Aboagye, tiêm vaccine COVID-19 trong chiến dịch tiêm chủng tại Bệnh viện Ridge ở Accra, Ghana ngày 2/3. Ảnh: Reuters

Theo hãng tin Reuters (Anh), WHO cho biết chỉ có 5 quốc gia, chiếm chưa đến 10% trong tổng số 54 quốc gia châu Phi, đạt được mục tiêu tiêm chủng đầy đủ cho 40% người dân của mình tính đến cuối năm nay, trừ khi tốc độ tiêm chủng tăng nhanh trên toàn châu lục.

Ba quốc gia châu Phi – bao gồm Seychelles, Mauritius và Maroc – đã đạt được mục tiêu do Hội đồng Y tế Thế giới, cơ quan hoạch định chính sách y tế cao nhất trên thế giới, đề ra hồi tháng 5 vừa qua. Với tốc độ tiêm chủng hiện tại, chỉ có 2 quốc gia nữa là Tunisia và Cabo Verde cũng sẽ đạt được mục tiêu này.

WHO cho biết việc tiếp cận hạn chế đối với các vật tư y tế thiết yếu dùng để tiêm chủng, như ống tiêm, có thể làm chậm quá trình triển khai tiêm vaccine COVID-19 ở châu lục này. Theo dự đoán, châu Phi có thể đối mặt với tình trạng thiếu hụt tới 2,2 tỉ ống tiêm dùng một lần chuyên dụng tiêm phòng COVID-19 và tiêm chủng định kỳ vào năm 2022.

“Ống tiêm dùng một lần 0,3ml để tiêm vaccine Pfizer/BioNTech COVID-19 sẽ thiếu hụt nghiêm trọng. Hiện tại, không có kho dự trữ ống tiêm chuyên dụng trên toàn cầu. Ống tiêm 0,3ml, khác với loại ống tiêm 0,5ml được sử dụng cho các loại vaccine COVID-19 khác và tiêm chủng thông thường. Trong khi đó, thị trường ống tiêm 0,3ml rất chặt chẽ và vô cùng cạnh tranh. Tình trạng thiếu hụt nguồn cung này sẽ kéo dài ít nhất đến quý 1/2022”, WHO cho biết.

WHO cũng chỉ ra rằng Kenya, Rwanda và Nam Phi đã gặp phải tình trạng chậm trễ trong việc tiếp nhận ống tiêm.

Bà Matshidiso Moeti, Giám đốc WHO tại châu Phi cho biết: “Đầu năm tới, vaccine COVID-19 sẽ bắt đầu tràn vào châu Phi, nhưng sự khan hiếm ống tiêm có thể làm chậm tiến độ tiêm chủng. Cần phải có những biện pháp quyết liệt để đẩy mạnh sản xuất ống tiêm nhanh hơn nữa vì cuộc sống của nhiều người châu Phi phụ thuộc vào nó”. 

Khoảng 50 triệu liều vaccine COVID-19 đã được đưa đến lục địa này trong tháng 10, gần gấp đôi so với số lượng của tháng 9. COVAX, sáng kiến toàn cầu nhằm đảm bảo tiếp cận công bằng với vaccine, đã phân phối gần 90% số vaccine ở châu Phi trong tháng này và đã tăng tốc các lô hàng của mình kể từ tháng 7. Tuy nhiên, với tốc độ hiện tại, châu Phi vẫn phải đối mặt với sự thiếu hụt 275 triệu liều vaccine COVID-19 để đáp ứng mục tiêu cuối năm là tiêm chủng đầy đủ cho 40% người dân.

Châu Phi đã tiêm phòng đầy đủ cho 77 triệu người, chỉ 6% dân số. Trong khi đó, hơn 70% các quốc gia có thu nhập cao đã tiêm chủng cho hơn 40% dân số của họ. Tính đến ngày 28/10, châu Phi đã ghi nhận gần 8,5 triệu ca mắc COVID-19 và vượt ngưỡng 217.000 ca tử vong.

Để giải quyết tình hình hiện nay, WHO đang nỗ lực thực hiện sứ mệnh hỗ trợ khẩn cấp tới 5 quốc gia châu Phi để đẩy nhanh và cải thiện việc triển khai vaccine COVID-19 ở khu vực này, cùng kế hoạch hỗ trợ 10 quốc gia khác trong năm nay.

“Các chuyên gia của WHO đang làm việc với chính quyền địa phương, các đối tác để phân tích nguyên nhân của bất kỳ sự chậm trễ nào và tìm ra cách tốt nhất để giải quyết chúng. Tại Nam Sudan, giới chức đảm bảo sứ mệnh của WHO sẽ giúp nước này đạt được tỷ lệ tiêm vaccine COVID-19 hàng ngày tăng gấp 10 lần, từ 2.000 lên 25.000 liều”, WHO nói.

Hải Vân/Báo Tin tức
FDA Mỹ ra cảnh báo mạnh mẽ về phẫu thuật nâng ngực
FDA Mỹ ra cảnh báo mạnh mẽ về phẫu thuật nâng ngực

Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) ngày 28/10 đã đưa ra những cảnh báo mạnh mẽ hơn với phẫu thuật nâng ngực trước những lo ngại về các rủi ro tiềm ẩn, bao gồm cả một loại bệnh ung thư hiếm gặp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN