Chuyên gia nhận định động cơ ISIS-K tấn công khủng bố đẫm máu Liên bang Nga

Nhóm Nhà nước Hồi giáo-Khorasan (ISIS-K) thừa nhận đứng sau vụ tấn công khủng bố đấm máu nhằm vào khán phòng hòa nhạc gần thủ đô Moskva (Moscow) Nga tối 22/3. Vậy động cơ ra tay của chúng là gì?

Chú thích ảnh
Lửa cháy dữ dội tại hiện trường vụ tấn công nhằm vào trung tâm “Crocus City Hall” ở Moskva, Nga tối 22/3. Ảnh: THX/TTXVN

Theo thông tin cập nhật từ Ủy ban Điều tra Nga sáng 23/3, số người thiệt mạng trong vụ tấn công tại khán phòng hòa nhạc thuộc Trung tâm biểu diễn nghệ thuật Crocus City Hall gần thủ đô Moskva hiện là hơn 60 người, có 145 người bị thương đã nhập viện điều trị.

Chính quyền Moskva đã thông báo hủy tất cả các hoạt động tập trung đông người vào dịp cuối tuần này. Nga gọi đây là “cuộc tấn công khủng bố” và kêu gọi cộng đồng quốc tế lên án vụ tấn công nói trên. Các cơ quan chức năng của Nga cũng đã mở ngay cuộc điều tra về vụ việc.

Truyền thông nước ngoài dẫn thông tin từ một quan chức Nhà Trắng cho biết Mỹ nắm được thông tin tình báo xác nhận IS tiến hành vụ xả súng đẫm máu tại buổi hòa nhạc gần Moskva vào ngày 22/3. Trong khi đó, ISIS-K nhận thực hiện vụ xả súng và đăng tuyên bố trên tài khoản Telegram: "Các chiến binh Nhà nước Hồi giáo đã tấn công một cuộc tụ tập lớn của những người theo đạo Cơ đốc ở thành phố Krasnogorsk ở ngoại ô thủ đô Moskva của Nga, giết chết và làm bị thương hàng trăm người, đồng thời gây ra tàn phá lớn cho nơi này trước khi rút lui về căn cứ an toàn".

Các chuyên gia nhận định cuộc tấn công của ISIS-K ở Nga vào tối 22/3 là sự leo thang đáng kể. ISIS-K đã phản đối Tổng thống Nga Vladimir Putin trong những năm gần đây.

Ông Colin Clarke tại Trung tâm Soufan có trụ sở tại Washington, đánh giá: “ISIS-K đã tập trung vào Nga trong hai năm qua và thường xuyên chỉ trích Tổng thống Putin trong các hoạt động tuyên truyền của chúng”.

Trong khi đó, ông Michael Kugelman thuộc Trung tâm Wilson có trụ sở tại Washington cho biết ISIS-K cáo buộc Nga có nhúng tay vào các hoạt động đàn áp người Hồi giáo.

Đáng chú ý, kể từ năm 2015, sau đề nghị của Tổng thống Syria thống Bashar al-Assad, Nga đã tham gia vào cuộc chiến chống IS tại Syria.

Dưới đây là video ghi lại thời điểm người dân sơ tán bên trong phòng hòa nhạc thuộc Trung tâm biểu diễn nghệ thuật Crocus City Hall (nguồn: Reuters):

ISIS-K xuất hiện lên ở miền Đông Afghanistan vào cuối năm 2014 và nhanh chóng gây chú ý bởi những hành vi tàn bạo. Chúng được coi là một trong những chi nhánh hoạt động tích cực nhất trong khu vực của Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. ISIS-K có lực lượng hùng hậu nhất vào năm 2018, tuy nhiên sau đó số lượng thành viên của chúng giảm dần sau các cuộc tấn công của lực lượng Taliban và Mỹ.

Mỹ thừa nhận khả năng phát triển thông tin tình báo chống lại các nhóm cực đoan ở Afghanistan như ISIS-K đã suy giảm kể từ khi quân đội nước này rút khỏi Afghanistan vào năm 2021.

Đầu năm nay, Mỹ thu được thông tin liên lạc xác nhận ISIS-K thực hiện vụ đánh bom kép ở Iran khiến gần 100 người thiệt mạng. Tháng 9/2022, phiến quân ISIS-K thừa nhận đã đánh bom liều chết tại đại sứ quán Nga ở Kabul. Nhóm này còn tự nhận đã tấn công vào sân bay quốc tế Kabul năm 2021 khiến 13 lính Mỹ và nhiều dân thường thiệt mạng.

Đầu tháng này, một tướng quân đội Mỹ ở Trung Đông cho biết ISIS-K có thể tấn công các vị trí của Mỹ và phương Tây bên ngoài Afghanistan "trong vòng 6 tháng mà có rất ít hoặc không có cảnh báo".

Hà Linh/Báo Tin tức (Theo Guardian)
Mỹ đã cảnh báo Nga âm mưu của các nhóm khủng bố nhằm vào Moskva
Mỹ đã cảnh báo Nga âm mưu của các nhóm khủng bố nhằm vào Moskva

Đầu tháng 3 giới chức Mỹ đã cảnh báo Nga về một âm mưu của các nhóm khủng bố ở Moskva, có thể nhằm vào các buổi hoà nhạc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN