Chuyện tình công sở nở rộ tại Nhật Bản trong đại dịch COVID-19

Chuyện tình công sở vẫn luôn là một điều tối kỵ đối với các nhân viên văn phòng tại Nhật Bản, song quan điểm đó đã thay đổi sau hai năm làn sóng đại dịch COVID-19 quét qua.

Chú thích ảnh
Ảnh minh họa: Shutterstock

Trong suốt hơn một năm, sợ trở thành chủ đề bàn ra tán vào của những người làm cùng, anh Junya Ozawa đã giấu kín mối quan hệ của mình với một nữ đồng nghiệp. 

“Chúng tôi cho rằng sẽ dễ thở hơn nếu người khác trong công ty không biết về chuyện tình của chúng tôi. Chúng tôi không muốn người khác bàn tán về mình. Bạn gái tôi còn nghĩ công ty có thể thuyên chuyển cô ấy sang phòng ban khác nếu phát hiện ra”, nam nhân viên 23 tuổi làm việc tại một công ty tổ chức sự kiện ở Yokohama chia sẻ với phóng viên tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP).

Trước đây, các nhà tuyển dụng ở Nhật Bản không hài lòng về mối quan hệ yêu đương tại nơi làm việc, vì đây vốn bị coi là nguyên nhân gây mất tập trung hoặc tạo ra sự khó xử giữa không khí làm việc nghiêm túc và chuyên nghiệp.

Tuy nhiên, dường như đại dịch COVID-19 đã khiến quan niệm trên thay đổi, khiến nhiều nhân viên cởi mở hơn về “coronaka”, từ tiếng Nhật mang ý nghĩa “mối quan hệ corona”.

Chuyện tình của Ozawa và bạn gái đã bị đồng nghiệp phát hiện sau khi bắt gặp họ hẹn hò ở ngoài. Nhưng khi mối quan hệ của họ được mọi người biết đến, dường như không ai bận tâm và thậm chí các đồng nghiệp còn chúc phúc. Ngay cả công ty cũng không phản đối.

“Chúng tôi tưởng mọi thứ tại văn phòng sẽ đảo lộn nhưng cho đến giờ, mọi chuyện vẫn tiếp diễn như trước đây”, anh Ozawa nói.

Theo một khảo sát do công ty mai mối Tameny Nhật Bản thực hiện vào năm ngoái, 45,7% trong tổng số 162 người tham gia cho biết họ mong muốn có một mối tình công sở. Con số này cao hơn tỷ lệ 38,2% trong một cuộc khảo sát 4 năm trước đó.

Đáng chú ý hơn là tỷ lệ người muốn giữ bí mật về mối quan hệ công sở đang giảm mạnh, với 16,1% so với 41,3% trong cuộc khảo sát trước đó.

Ông Makoto Watanabe - Giáo sư truyền thông tại Đại học Hokkaido Bunkyo - cho rằng sự thay đổi trong quan điểm về chuyện tình công sở là do cuộc sống con người bị hạn chế trong bối cảnh khủng hoảng sức khỏe toàn cầu xảy ra.

“Trước đại dịch, mọi người được tự do vui chơi. Trong tuần, họ đến quán bar hoặc nhà hàng, đến phòng trưng bày, các sự kiện văn hóa, tham gia thể thao hoặc gặp gỡ người khác. Nhưng mọi thứ đã thay đổi. Hầu hết mọi người ít ra ngoài hơn và có ít cơ hội mở rộng các mối quan hệ, gặp gỡ đối tượng tiềm năng”, vị chuyên gia lý giải.

Giáo sư Watanabe cho rằng chính xu hướng không đi nhà hàng, câu lạc bộ đêm, quán bar do lo sợ lây nhiễm đã khiến việc tình yêu nảy nở chốn công sở là chuyện đương nhiên. Nhân viên văn phòng sẽ dễ yêu người mà họ tiếp xúc nhiều nhất.

Bên cạnh đó, người trẻ Nhật Bản ngày càng cởi mở hơn về mối quan hệ cá nhân. “Tôi nghĩ thế hệ trẻ ngày nay ít quan tâm đến việc người khác nghĩ gì về mình”, ông Watanabe giải thích.

Theo cô Nancy Ngou – hiện làm việc tại một công ty nhân sự cho công ty đa quốc gia ở Tokyo, không phải tất cả các công ty đều chứng kiến sự thay đổi này và vẫn còn quan điểm bảo thủ song vẫn có những công ty chủ động trở thành “ông tơ bà nguyệt” se duyên cho nhân viên.

“Đó không phải là chính sách chính thức của công ty, nhưng một trong những nhân viên đã được giao nhiệm vụ kết nối mọi người. Rõ ràng công ty cảm thấy họ có trách nhiệm đối với tất cả khía cạnh trong cuộc sống của nhân viên và cho rằng nhân viên sẽ hạnh phúc hơn khi người yêu làm việc cùng văn phòng trong nhiều giờ”, cô Ngou nói.

Bảo Hà/Báo Tin tức
Lý do ‘lạ’ khiến một số người phương Tây quyết không sinh con
Lý do ‘lạ’ khiến một số người phương Tây quyết không sinh con

Từng được coi là thiên chức khi trưởng thành nhưng giờ đây sinh con là điều mà nhiều phụ nữ phương Tây trong độ tuổi sinh đẻ không muốn thực hiện.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN