COVID-19 tại ASEAN hết 14/8: Cả khối thêm 96.456 ca mắc; Thái Lan cảnh báo ca mắc mới có thể lên 70.000

Theo trang thống kê worldometers.info, trong ngày 14/8, 10 quốc gia thành viên ASEAN ghi nhận 96.456 ca mắc COVID-19 và 1.992 ca tử vong. Tổng số người mắc bệnh tại ASEAN từ đầu dịch đã là 8.617.925 ca, trong đó 186.074 người tử vong.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine COVID-19 cho người dân tại Kuala Lumpur, Malaysia. Ảnh: THX/TTXVN

Trong ngày 14/8, ASEAN có ba quốc gia ghi nhận trên 20.000 ca mắc mới, gồm Indonesia (28.598 ca), Thái Lan (22.086 ca) và Malaysia (20.670 ca). Diễn biến dịch bệnh tại các quốc gia này chưa có xu hướng thuyên giảm.

Đứng thứ 4 về số ca mắc hàng ngày tại ASEAN trong ngày 14/8 là Philippines với 14.294 ca. Tiếp đó là Việt Nam với 9.716 ca, Campuchia với 598 ca, Lào với 226 ca, Timor-Leste với 213 ca, Singapore với 58 ca và Brunei với 42 ca.

Về số ca tử vong, có 5 quốc gia ghi nhận ca tử vong mới: Indonesia (1.270 ca), Malaysia (260 ca), Philippines (233 ca), Thái Lan (217 ca) và Campuchia (12 ca).

Thái Lan cảnh báo số ca mắc mới tăng cao nếu không gia hạn phong tỏa

Chú thích ảnh
Chuyển thi thể bệnh nhân COVID-19 tại một bệnh viện ở Pathum Thani, Thái Lan ngày 4/8/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Người phát ngôn Trung tâm Xử lý Tình hình COVID-19 của Chính phủ Thái Lan (CCSA) Taweesilp Visanuyothin đã cảnh báo rằng số lượng các ca nhiễm mới hàng ngày có thể lên tới 70.000 ca trừ khi các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt được gia hạn.

Ông Taweesilp trích dẫn ước tính của Bộ Y tế Thái Lan nói rằng số ca nhiễm hàng ngày vào cuối tháng 8 đến đầu tháng 9 có thể vào khoảng 60.000 đến 70.000 bệnh nhân sau khi các biện pháp phong tỏa hiện tại kết thúc. Tuy nhiên, nếu các biện pháp phong tỏa được kéo dài đến tháng 9, số ca nhiễm mới hàng ngày sẽ ở mức khoảng 45.000 bệnh nhân và con số này vẫn còn cao.

Theo ông Taweesilp, để duy trì tình trạng lây nhiễm với tốc độ hiện tại khoảng 20.000 bệnh nhân mỗi ngày, các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt phải được thực hiện trong ít nhất hai tháng cùng với việc tiêm chủng cho người cao tuổi và các nhóm đối tượng khác ở những khu vực rộng lớn hơn. Đây là kịch bản tốt nhất cho hệ thống y tế công cộng của Thái Lan. Với tỷ lệ lây nhiễm này, Thái Lan vẫn sẽ có đủ giường bệnh, trong khi tỷ lệ tử vong sẽ ở mức có thể kiểm soát được.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 tới bệnh viện tại Pattani, Thái Lan ngày 19/7/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo các kịch bản nói trên, số ca tử vong vì COVID-19 hàng ngày sẽ là 800 trường hợp nếu có 60.000-70.000 ca nhiễm mới mỗi ngày, 500 trường hợp nếu có 45.000 ca nhiễm mới mỗi ngày và dưới 200 trường hợp nếu có khoảng 20.000 ca nhiễm mới mỗi ngày.

Chính phủ Thái Lan vào ngày 16/8 sẽ quyết định có gia hạn các biện pháp phong tỏa hay không, trong bối cảnh các ca nhiễm mới hàng ngày tiếp tục tăng. Cùng ngày, CCSA cũng sẽ họp để thảo luận về đề xuất nới lỏng những hạn chế để cho phép một số hoạt động kinh doanh thiết yếu mở lại trong khuôn viên của các trung tâm thương mại.

Chính phủ Thái Lan trước đó đã gia hạn các biện pháp phong tỏa và giới nghiêm ban đêm ở Bangkok và 28 tỉnh khác trong 2 tuần nữa từ ngày 3/8 đến 18/8.

Bộ Y tế Thái Lan sáng 14/8 cho biết nước này có thêm 22.086 ca mới cùng 217 trường hợp tử vong trong 24 giờ qua, nâng tổng số các ca nhiễm từ đầu dịch lên 885.275 ca, trong đó có 7.343 người không qua khỏi.

Philippines ghi nhận thêm 14.249 ca nhiễm mới

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine COVID-19 cho người dân tại San Juan, Philippines, ngày 27/7/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Bộ Y tế Philippines ngày 14/8 thông báo nước này có thêm 14.249 ca nhiễm mới, số ca mắc mới theo ngày cao thứ 2 kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại nước này hồi tháng 1/2020, nâng tổng số ca bệnh trên cả nước lên 1.727.231 ca. Hiện tổng số ca tử vong vì COVID-19 tại quốc gia Đông Nam Á này cũng đã tăng lên 30.070 ca sau khi có thêm 233 người không qua khỏi trong vòng một ngày qua . 

Trước đó, ngày 2/4, Philippines đã ghi nhận số ca nhiễm mới theo ngày ở mức cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát với 15.310 ca. 

Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, giới chức Philippines cho biết Bộ Y tế đang theo dõi chặt chẽ 54 khu vực trên cả nước đang được áp dụng mức cảnh báo cấp 4 (tức là hệ thống y tế tại đó đã hoạt động hơn 70% công suất). Tại vùng đô thị Manila, 11 khu vực cũng đang ở mức cảnh báo cấp 4. Dự kiến, Chính phủ Philippines sẽ tăng cường khả năng ứng phó dịch bệnh của các bệnh viện để đáp ứng nhu cầu trong bối cảnh số bệnh nhân ngày càng gia tăng.

Lào yêu cầu các tỉnh có nhiều ca COVID-19 tăng cường hỗ trợ lẫn nhau

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Viêng Chăn, Lào. Ảnh: THX/TTXVN

Ngày 14/8, Bộ Y tế Lào cho biết trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 226 ca mắc COVID-19 mới, trong đó ngoài 218 ca nhập cảnh được cách ly ngay, còn có 8 ca cộng đồng.

Bộ Y tế Lào cho biết số ca nhiễm mới tại nước này tiếp tục tăng cao, chủ yếu là lao động nhập cảnh từ Thái Lan, trong khi một số chuỗi lây nhiễm trong cộng đồng đã bắt đầu gia tăng số người mắc mới. Savannakhet vẫn là tỉnh dẫn đầu cả nước về số ca nhiễm, khi ghi nhận hàng nghìn bệnh nhân kể từ tháng 7, trong đó hầu hết là người lao động trở về từ Thái Lan.

Trước tình hình trên, Chính phủ Lào yêu cầu các tỉnh có nhiều ca nhiễm bàn bạc và xây dựng cơ chế hỗ trợ lẫn nhau giải quyết tình trạng đông người cách ly và số bệnh nhân gia tăng trong thời gian tới, đồng thời mở rộng cơ sở cách ly và bệnh viện để đảm bảo tiếp nhận lượng lao động trở về từ nước ngoài. 

Đến nay, tổng số ca nhiễm tại Lào đã lên tới 9.894 ca, trong đó có 9 người tử vong.
Trong khi đó, tại Campuchia đã chấm dứt chuỗi 12 ngày giảm liên tiếp số ca nhiễm mới và gia tăng trở lại vào ngày 14/8 khi hàng nghìn lao động từ Thái Lan ồ ạt trở về nước trong bối cảnh biên giới Campuchia-Thái Lan mở cửa trở lại từ ngày 13/8.

Số ca mắc mới tại Campuchia tăng trở lại 

Chú thích ảnh
Người dân xếp hàng chờ tiêm vaccine COVID-19 tại Phnom Penh, Campuchia. Ảnh: AFP/TTXVN

Thông cáo ngày 14/8 của Bộ Y tế Campuchia cho biết nước này ghi nhận thêm 598 ca mắc COVID-19 trong 24 giờ qua, trong đó có 187 ca nhập cảnh, cao hơn ngày hôm trước và dự kiến con số này còn tăng mạnh trong những ngày tới. Tính đến ngày 14/8, Campuchia phát hiện tổng cộng 84.860 ca mắc, trong đó 79.654 người đã khỏi bệnh và 1.666 người tử vong.

Theo thống kê ngày 13/8 tại các điểm nhập cảnh ở 7 tỉnh biên giới Campuchia, trong hơn 1.400 mẫu xét nghiệm nhanh người nhập cảnh từ Thái Lan có trên 10% (149 người) dương tính với COVID-19. Tỷ lệ cao đáng lo ngại này khiến diễn biến dịch bệnh tại Campuchia trong thời gian tới tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt là nỗi lo biến thể Delta lây lan ngày càng mạnh hơn. Hiện 149 ca bệnh này đã được chuyển đến các trung tâm điều trị COVID-19 và các tỉnh cũng đã gửi mẫu bệnh phẩm của những bệnh nhân này về Phnom Penh để xét nghiệm PCR nhằm phát hiện các ca nhiễm biến thể Delta.

Đêm 13/8, theo kết quả xét nghiệm của Viện Pasteur Campuchia từ ngày 11-13/8, Bộ Y tế Campuchia thông báo phát hiện thêm 65 ca nhiễm biến thể Delta (bao gồm cả ca nhập cảnh và ca cộng đồng) tại Phnom Penh và nhiều tỉnh khác gồm Battambang, Kampong Cham, Preah Vihear, Mondulkiri, Siem Reap, Oddar Meanchey, Banteay Meanchey, Kandal và Sihanoukville.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine COVID-19 cho người dân tại Phnom Penh, Campuchia. Ảnh: AFP/TTXVN

Bộ Y tế cũng xác nhận từ ngày 31/3-13/8, có tổng cộng 494 ca nhiễm biến thể Delta được phát hiện tại 22 tỉnh và thành phố của Campuchia. Hiện chỉ còn 3 tỉnh chưa có ca nhiễm biến thể Delta là Kep, Takeo và Kratie. 

Trả lời phỏng vấn báo chí Campuchia ngày 13/8, Quốc vụ khanh Bộ Y tế đồng thời là người đứng đầu Ủy ban về Tiêm phòng COVID-19 của Campuchia, bà Or Vandine, kêu gọi lao động từ nước ngoài trở về sau khi hoàn tất cách ly nên đi tiêm vaccine ngừa COVID-19.

Thống kê mới nhất của Campuchia cho thấy tính đến ngày 13/8, 8.749.906 người dân cũng như người nước ngoài sinh sống và làm việc tại Campuchia đã được tiêm vaccine ngừa COVID-19.

Indonesia tiếp nhận 185 triệu liều vaccine COVID-19

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine COVID-19 cho người dân tại Banda Aceh, Indonesia, ngày 9/8/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 14/8, Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi cho biết tính đến hết ngày 13/8, quốc gia này đã tiếp nhận tổng cộng 185 triệu liều vaccine COVID-19 dưới dạng chế biến sẵn hoặc nguyên liệu.

Phát biểu tại Đại hội Mạng lưới Indonesia kiều toàn cầu (IDN) lần thứ 6, Ngoại trưởng Retno cho hay ngành ngoại giao Indonesia đã làm việc ngày đêm để đảm bảo nguồn cung vaccine qua các kênh song phương lẫn đa phương.

Về tiến độ tiêm chủng, bà Retno thông tin rằng hiện Indonesia đã tiêm hơn 80 triệu liều vaccine ngừa COVID-19, tương đương với 28,6% dân số, và đứng thứ 10 thế giới về tỷ lệ tiêm chủng.

Indonesia đã khởi động chiến dịch tiêm chủng quốc gia miễn phí ngừa COVID-19 vào ngày 13/1 với mục tiêu cung cấp vaccine cho 208 triệu người nhằm nhanh chóng đạt được khả năng miễn dịch cộng đồng.

Thùy Dương/Báo Tin tức
Thái Lan cảnh báo số ca mắc mới COVID-19 tăng cao nếu không gia hạn phong tỏa
Thái Lan cảnh báo số ca mắc mới COVID-19 tăng cao nếu không gia hạn phong tỏa

Người phát ngôn Trung tâm Xử lý Tình hình COVID-19 của Chính phủ Thái Lan (CCSA) Taweesilp Visanuyothin đã cảnh báo rằng số lượng các ca nhiễm mới hàng ngày có thể lên tới 70.000 ca trừ khi các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt được gia hạn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN