COVID-19 tại ASEAN hết 5/8: Malaysia lần đầu vượt 20.000 ca mắc/ngày; Ca mắc mới ở Thái Lan cao kỷ lục

Theo trang thống kê worldometers.info, trong ngày 5/8, 10 quốc gia thành viên ASEAN ghi nhận 93.627 ca mắc COVID-19 và 2.278 ca tử vong. Tổng số người mắc bệnh tại ASEAN từ đầu dịch đã là 7.758.141 ca, trong đó 161.481 người tử vong.

Chú thích ảnh
Người dân chờ tiêm vaccine COVID-19 tại San Juan, Philippines ngày 27/7/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Trong ngày 5/8, quốc gia ghi nhận nhiều ca mắc nhất tiếp tục là Indonesia với 35.764 ca. 

Đứng số 2 ASEAN về ca mắc hàng ngày là Thái Lan với 20.920 ca – con số kỷ lục ở nước này. Tiếp đó là Malaysia với 20.586 ca, Philippines với 8.127 ca, Việt Nam với 7.244 ca, Campuchia với 591 ca, Lào với 206 ca, Singapore với 98 ca, Timor-Leste với 80 ca và Brunei với 1 ca.

Về số ca tử vong, có 5 quốc gia ghi nhận ca tử vong mới: Indonesia (1.739 ca), Philippines (196 ca), Malaysia (164 ca), Thái Lan (160 ca) và Campuchia (19 ca).

Malaysia ghi nhận số ca nhiễm trong ngày lần đầu vượt 20.000 ca

Chú thích ảnh
Người dân chờ xét nghiệm COVID-19 tại bang Selangor, Malaysia. Ảnh: THX/TTXVN

Ngày 5/8, Malaysia ghi nhận 20.596 ca nhiễm mới COVID-19. Đây là lần đầu tiên số ca mắc mới trong ngày tại nước này vượt 20.000 ca.

Bộ Y tế Malaysia nêu rõ bang Selangor tiếp tục là địa phương có số ca lây nhiễm mới nhiều nhất trong ngày với 8.549 ca. Tiếp theo là lãnh thổ liên bang Kuala Lumpur với 2.163 ca và bang Kedah với 1.446 ca. Tới nay, Malaysia ghi nhận tổng cộng 1.203.706 ca nhiễm COVID-19.

Liên quan đến chương trình tiêm chủng, tới hết ngày 4/8, tại Malaysia, 7.704.996 đã tiêm đủ liều, tương đương 23,6% dân số. Số người mới tiêm 1 mũi là 14.941.585, tương đương 45,8% dân số.

Dịch lan mạnh bên ngoài đảo Java và Bali của Indonesia

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine COVID-19 cho sinh viên tại Surabaya, Đông Java, Indonesia, ngày 4/8/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Tình hình dịch COVID-19 tại Indonesia diễn biến phức tạp hơn. Ngày 4/8, người phát ngôn Bộ Y tế Indonesia, bà Siti Nadia Tarmizi cho hay số lượng bệnh nhân COVID-19 nhập viện tại một số khu vực bên ngoài các đảo Bali và Java có xu hướng ngày càng tăng. Bà Siti nói: “Số lượng bệnh nhân nội trú lên tới 100.000 lượt mỗi tuần. Điều mà chúng tôi đang chứng kiến là sự gia tăng, đặc biệt là ở các khu vực nằm ngoài Java và Bali”. 

Tuy nhiên, bà Siti lưu ý rằng tỷ lệ sử dụng giường bệnh (BOR) tại các bệnh viện được chỉ định chữa trị bệnh nhân COVID-19 đã giảm đáng kể. 

Trong khi đó, theo số liệu báo cáo mới của Bộ Y tế Indonesia, tại thủ đô Jakarta, tỷ lệ tử vong do COVID-19 ở nhóm người chưa tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 cao hơn so với nhóm đã tiêm chủng. 

Chú thích ảnh
Tiêm vaccine COVID-19 cho nhân viên y tế tại Medan, Bắc Sumatra, Indonesia, ngày 4/8/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Báo cáo công bố ngày 5/8 cho thấy tỷ lệ tử vong do COVID-19 ở những người chưa tiêm chủng là 15,5%, trong khi tỷ lệ này ở người đã tiêm chủng đầy đủ 2 mũi vaccine hoặc của Sinofarm, hoặc của AstraZeneca là 4,1%. Số liệu này được tổng hợp từ hồ sơ bệnh án của gần 68.000 bệnh nhân COVID-19 điều trị tại thủ đô Jakarta trong thời gian từ tháng 5 đến tháng 7/2021.

Tiến sĩ Ines Atmosukarto, một nhà sinh học phân tử, người làm việc về phát triển vaccine, cho rằng dữ liệu là bằng chứng về tầm quan trọng của tiêm chủng trong ngăn ngừa nguy cơ tử vong và những biến chứng nặng gây nguy hiểm cho bệnh nhân.

Bộ Y tế Indonesia cho biết tính tới thời điểm hiện tại, 18% dân số nước này đã tiêm chủng 1 mũi vaccine, trong khi tỷ lệ người đã tiêm chủng đầy đủ 2 mũi vaccine là 8%. Do biến thể Delta, Indonesia đang là điểm “nóng” dịch bệnh tại châu Á với tổng số ca mắc COVID-19 hiện đã vượt 3,5 triệu ca. 

Lào ghi nhận số ca lây nhiễm trong cộng đồng tăng trở lại 

Chú thích ảnh
Người dân đăng ký tiêm vaccine phòng COVID-19 tại thủ đô Viêng Chăn, Lào ngày 17/6/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Ngày 5/8, Bộ Y tế Lào cho biết trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 206 ca mắc mới COVID-19, trong đó ngoài 187 ca nhập cảnh được cách ly ngay, còn có 19 ca cộng đồng, đánh dấu sự gia tăng trở lại của các ca lây nhiễm trong nước.

Lo ngại trước nguy cơ lây nhiễm dịch từ người lao động nhập cảnh và một số trường hợp lây nhiễm cộng đồng, Chính phủ Lào yêu cầu tăng cường tuần tra biên giới, kiểm tra, đo thân nhiệt người xuất nhập cảnh, mở rộng các trung tâm cách ly và các cơ sở điều trị tại các tỉnh có số lượng lớn người nhập cảnh; đồng thời tăng cường truy vết người nhiễm và người tiếp xúc, đẩy mạnh tiêm vắc-xin ngừa COVID-19.

Đến nay, tổng số ca nhiễm COVID – 19 tại Lào đã lên tới 7.511 ca, trong đó có 7 người tử vong.

Biến thể Delta chiếm 78,2% số ca nhiễm mới ở Thái Lan 

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine COVID-19 cho người dân tại Bangkok, Thái Lan, ngày 16/7/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 đã lây lan tới 74/77 tỉnh của Thái Lan, chiếm 78,2% số ca nhiễm mới. 

Cục trưởng Cục Khoa học Y tế Supakit Sirilak cho biết đơn vị này và mạng lưới các phòng thí nghiệm của cục đã tiến hành kiểm tra ngẫu nhiên trên 2.547 người mắc COVID-19 trên khắp đất nước từ ngày 24-30/7 và phát hiện 1.993 bệnh nhân (tương đương 78,2%) nhiễm biến thể Delta, trong khi 538 bệnh nhân (21,2%) nhiễm biến thể Alpha và 0,6% còn lại  nhiễm biến thể Beta.

Tại thủ đô Bangkok, trong số 1.229 mẫu được xét nghiệm, 86,2% mắc biến thể Delta, 13,8% mắc biến thể Alpha. Không có ca nhiễm biến thể Beta nào được tìm thấy trong nhóm này. Tại các tỉnh khác, trong số 1.318 mẫu được xét nghiệm, 70,9% nhiễm thể Delta, 27,9% nhiễm thể Alpha và 1,2% nhiễm biến thể Beta.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine COVID-19 cho người dân tại Samut Prakan, Thái Lan, ngày 26/7/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Tiến sĩ Supakit cho biết biến thể Lambda - một biến thể đang lây lan rộng ở Nam Mỹ, vẫn chưa phát hiện ở Thái Lan.

Thái Lan lần đầu tiên xác nhận ca nhiễm biến thể Delta vào giữa tháng 5 ở một người mẹ Thái Lan và cậu con trai 4 tuổi đến từ Pakistan.

Thái Lan ngày 5/8 ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 cao kỷ lục là 20.920 ca cùng 160 trường hợp tử vong trong 24 giờ qua, nâng tổng số các ca nhiễm từ đầu dịch tới nay lên 693.305, trong đó có 5.663 người không qua khỏi.

Tính đến hết ngày 3/8, tổng cộng 18,58 triệu người ở Thái Lan được tiêm ít nhất một mũi vaccine ngừa COVID-19. Số liệu của Trung tâm thông tin COVID-19 cho thấy 28% dân số Thái Lan đã được tiêm vaccine, với 4,05 triệu người tiêm đủ liều.

Campuchia xem xét điều chỉnh quy định cách ly và mở cửa trường học 

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm chủng vaccine COVID-19 cho người dân tại Phnom Penh, Campuchia. Ảnh: THX/TTXVN

Chính phủ Campuchia đang xem xét điều chỉnh quy định cách ly bắt buộc, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, người làm ăn kinh doanh và chủ doanh nghiệp đi lại nhằm khôi phục nền kinh tế đang điêu đứng do dịch COVID-19.

Động thái trên được đưa ra sau khi khu vực tư nhân bày tỏ quan ngại về việc cách ly bắt buộc đối với người nước ngoài, chủ doanh nghiệp và du khách đến Campuchia. 

Tại cuộc họp trực tuyến về luật thuế diễn ra mới đây, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính Aun Pornmonirath đã khuyến khích nhóm công tác và tiểu ban về nhập cảnh và quản lý cách ly tiếp tục phối hợp chặt chẽ với khu vực tư nhân để linh hoạt vấn đề mà tư nhân có ý kiến như thời gian cách ly và khách sạn đề xuất để tạo thuận lợi cho nhà đầu tư.

Cùng ngày, người phát ngôn Bộ Giáo dục và Đào tạo nghề Ros Soveacha cho biết các trường học từ cấp trung học sẽ chuẩn bị sẵn sàng để mở cửa trở lại vào tháng 9 hoặc tháng 10 tới sau 7 tháng đóng cửa để ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan.

Chú thích ảnh
Người dân chờ tiêm vaccine COVID-19 tại Phnom Penh, Campuchia. Ảnh: AFP/TTXVN

Về diễn biến dịch COVID-19 tại Campuchia, đến ngày 5/8, tổng số ca mắc COVID-19 đã vượt mốc 80.000 ca và số ca tử vong vượt ngưỡng 1.500 ca. Số ca nhiễm biến thể Delta tiếp tục tăng. Ngày 5/8 là ngày thứ tư số ca mắc mới COVID-19 ở mức dưới 600 ca. Theo thông cáo của Bộ Y tế Campuchia, trong 24h qua, Campuchia ghi nhận 591 ca mắc COVID-19, trong đó có 183 ca nhập cảnh.

Tổng số ca nhiễm biến thể Delta tại Campuchia đã tăng lên trên 300 ca và chính phủ nước này khuyến cáo người dân thận trọng và tuân thủ chặt chẽ các quy định phòng chống dịch để biến thể Delta không lây lan mạnh hơn.

Chính quyền Phnom Penh vừa quyết định phong tỏa thêm hai khu vực ở thủ đô vì có ca nhiễm biến thể Delta. Đó là chợ Toul Sangke, quận Russey Keo và một đoạn đường 113 nối đường 232 và 242 thuộc phường Boeung Prolit, quận 7 Makara.

Thùy Dương/Báo Tin tức
Moderna tuyên bố vaccine COVID-19 hiệu quả 93% sáu tháng sau tiêm
Moderna tuyên bố vaccine COVID-19 hiệu quả 93% sáu tháng sau tiêm

Moderna ngày 5/8 tuyên bố vaccine phòng COVID-19 do hãng này sản xuất vẫn duy trì hiệu quả 93% trong khoảng 6 tháng sau khi tiêm mũi thứ hai.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN