Đại sứ Ukraine: Vũ khí 'hiện đại' của phương Tây giúp thay đổi cục diện xung đột với Nga

Một trong những đại sứ hàng đầu của Ukraine cho biết, sự đa dạng của các loại vũ khí mới từ phương Tây đang viện trợ cho Kiev sẽ tạo tiền lệ quan trọng cho việc mở rộng hỗ trợ của NATO cho Ukraine năm 2023, khi các nhà lãnh đạo nước này đang nỗ lực giành ưu thế trong cuộc xung đột với Nga.

Chú thích ảnh
Binh sĩ Ukraine tham gia huấn luyện ở Anh tháng 11/2022. Ảnh: AFP

Đại sứ Ukraine tại Anh Vadym Prystaiko và là cựu bộ trưởng ngoại giao, mới đây cho rằng sự tăng cường viện trợ quân sự từ phương Tây với các loại vũ khí tiên tiến hơn là rất quan trọng để tránh "xung đột bị đóng băng".

Ông Prystaiko, người cũng từng là người đứng đầu phái bộ Ukraine tại NATO và Đại sứ tại Canada, nói về viện trợ nước ngoài: “Hãy cùng nỗ lực phối hợp với nhau và xem điều này có thể làm được gì. Có thể đó sẽ là một cuộc đột phá tại một mặt trận nào đó ở phía Nam, hoặc toàn bộ mặt trận sẽ thay đổi nhờ các loại viện trợ bổ sung", cảnh báo thêm rằng việc viện trợ "nhỏ giọt" vũ khí mới sẽ kém hiệu quả hơn.

Tuần trước, Ukraine đã nhận được cam kết từ Mỹ, Pháp và Đức viện trợ nhiều phương tiện chiến đấu bộ binh bọc thép mới, lần lượt là Bradley, AMX-10 RC và Marder - để hỗ trợ lực lượng Ukraine. Đức cũng tuyên bố sẽ hỗ trợ một hệ thống tên lửa đất đối không Patriot do Mỹ sản xuất. Patriot sẽ là hệ thống tên lửa đắt tiền nhất được gửi đến Ukraine cho đến nay.

Ông Prystaiko cho biết sự xuất hiện của Patriot có thể mở đường cho việc viện trợ những vũ khí tiến tiến khác như xe tăng chiến đấu chủ lực và máy bay chiến đấu, điều mà phương Tây cho đến nay vẫn do dự cung cấp.

Ông Prystaiko nói: “Chúng tôi chưa bao giờ kỳ vọng nhận được hệ thống Patriot. Nghiêm túc mà nói, đây là hệ thống chống tên lửa đạn đạo hàng đầu, điều này hoàn toàn không cần bàn cãi. Tôi cho rằng xe tăng, trực thăng và thậm chí cả máy bay chiến đấu giờ đây có thể dễ dàng viện trợ hơn nhiều".

Theo ông Prystaiko, sự phát triển từng bước trong viện trợ quân sự "là điều tự nhiên", giải thích rằng các hệ thống pháo được gửi tới Ukraine "ban đầu chỉ là những khẩu pháo kéo, sau đó là đến pháo tự hành".

Vị đại sứ trên cho rằng Ukraine và các đối tác NATO phải chuẩn bị để đảm bảo những vũ khí tiên tiến có thể được sử dụng ngay lập tức. Do đó, ông kêu gọi: "Hãy đào tạo phi công và nhân viên (bảo trì, bảo dưỡng) của chúng tôi ngay bây giờ". Ông Prystaiko nhấn mạnh rằng các nhiệm vụ huấn luyện nước ngoài có giá trị rất lớn đối với Ukraine. Hiện hàng chục nghìn binh sĩ Ukraine đang được huấn luyện khắp châu Âu và Mỹ.

"Đầu tiên, nó cho phép chúng tôi giảm bớt gánh nặng. Thứ hai, sự an toàn của quá trình huấn luyện được tăng lên phần nào, bởi vì phía Nga thỉnh thoảng tìm cách tấn công các thao trường huấn luyện ở khu vực miền Tây, nơi chúng tôi đang huấn luyện lính nghĩa vụ của mình. Thứ ba, điều này cho phép chúng tôi tăng cường tương tác với NATO", ông Prystaiko nêu rõ.

Cho đến nay, các đối tác phương Tây vẫn chưa mở kho vũ khí cũ của họ ở mức độ mà Ukraine mong muốn. Kiev vẫn kêu gọi viện trợ thêm thêm nhiều hệ thống phòng không, xe tăng chiến đấu chủ lực, máy bay chiến đấu và các loại vũ khí tầm xa của NATO như hệ thống pháo binh cơ động cao HIMARS.

Công Thuận/Báo Tin tức (newsweek.com)
4.000 quả tên lửa từ thập niên 1950 của Mỹ liệu có công dụng ở Ukraine
4.000 quả tên lửa từ thập niên 1950 của Mỹ liệu có công dụng ở Ukraine

Gói vũ khí mới trị giá hàng tỉ USD của Mỹ sẽ bao gồm 4.000 quả tên lửa Zuni, được phát triển từ thập niên 1950 và được điều chỉnh để tương thích với máy bay Ukraine thời Liên Xô.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN