Đàm phán Geneva 2: Hai bên sẵn sàng đối thoại trực tiếp

Sau những nỗ lực trung gian "con thoi" của Đặc phái viên Liên hợp quốc (LHQ) và Liên đoàn Arập (AL) Lakhdar Brahimi trong ngày đầu tiên của vòng đàm phán thứ hai Hội nghị hòa bình quốc tế về Syria (Hội nghị Geneva 2), các bên tham gia đã sẵn sàng đối thoại trực tiếp trong ngày hôm nay (11/2).

Nhân viên Hội chữ thập đỏ Syria hỗ trợ cư dân sơ tán khỏi thành phố Homs ngày 9/2. Ảnh: AFP/TTXVN


Trong bức thư chuyển cho đoàn đại diện chính phủ Syria và đoàn đại diện phe đối lập đang tham gia Hội nghị Geneva 2 ở thành phố Geneva (Thụy Sĩ), ông Brahimi bày tỏ hy vọng các cuộc họp riêng rẽ trong ngày 10/2 có thể mang lại một số kết quả tích cực. Ông đồng thời kêu gọi hai bên hướng tới các cuộc thảo luận về cách thức ngăn chặn xung đột và đạt đồng thuận về thời kỳ chuyển tiếp chính trị ở Syria. Nga đề xuất cùng Mỹ tổ chức cuộc gặp tập thể với LHQ và hai bên tham chiến ở Syria nhằm tìm cách thúc đẩy tình hình.

Phát biểu với hãng tin AFP, Tổng Thư ký Hội đồng quốc gia đối lập đồng thời là thành viên đoàn phe đối lập Badr Jamous cho biết sẽ có phiên họp chung vào lúc 16 giờ ngày 11/2 (giờ Việt Nam). Người phát ngôn phe đối lập Louay Safi bày tỏ thất vọng trước việc Nga liên tục ủng hộ chính quyền của Tổng thống Basher al-Assad, nhưng khẳng định nếu đối thoại trực tiếp giúp mang lại một giải pháp chính trị thì phe đối lập sẵn sàng tham gia. Tuy nhiên, ông Safi tuyên bố sẽ không có vòng đàm phán thứ ba nếu vòng đàm phán thứ hai không mang lại kết quả. Một nguồn tin từ đoàn của Chính phủ Syria cũng xác nhận thời gian diễn ra phiên họp chung đầu tiên.

Các nhà quan sát nhận định việc đưa các bên ở Syria vào cùng một bàn đàm phán là bước đi đúng hướng, song chưa có dấu hiệu nào cho thấy vòng đàm phán thứ hai có thể đạt tiến bộ tiến tới chấm dứt cuộc nội chiến đẫm máu ở quốc gia này. Trong ngày đàm phán (riêng rẽ) đầu tiên, hai bên tiếp tục đổ lỗi cho nhau gây bạo lực leo thang và không bên nào chịu lùi một bước.

Cho đến nay, phe đối lập vẫn khẳng định cách duy nhất để chấm dứt nội chiến ở Syria là thành lập chính phủ chuyển tiếp không có sự tham gia của ông Assad, trong khi Chính phủ Syria tuyên bố tương lai của ông Assad không nằm trong chương trình nghị sự của hội nghị. Thay vào đó, chính phủ Syria đòi tập trung thảo luận cách thức chấm dứt bạo lực và các hoạt động "khủng bố", hàm ý các vụ tấn công nổi dậy có sự tiếp tay của nước ngoài.

* Ngày 10/2, Liên hợp quốc thông báo lệnh ngừng bắn để sơ tán dân thường ra khỏi các vùng chiến sự ở thành phố Homs của Syria sẽ được kéo dài đến đêm 12/2. Hội Trăng lưỡi liềm Đỏ Syria cho biết với quyết định này, 450 dân thường có cơ hội rời khỏi thành phố một cách an toàn, khai thông hoạt động sơ tán dân thường khỏi vùng chiến sự vốn đang gặp khó khăn từ cuối tuần qua, do các vụ bạo lực làm 14 người thiệt mạng và có nguy cơ làm trệch hướng các hoạt động nhân đạo tại đây.


Người đứng đầu tổ chức nhân đạo LHQ Valerie Amos hoan nghênh quyết định trên, đồng thời bày tỏ hy vọng hội nghị hòa bình về Syria giúp duy trì hoạt động viện trợ nhân đạo cho 250.000 người Syria sinh sống ở các khu vực bị bao vây và tất cả những người dân thường đang cần được viện trợ nhân đạo ở quốc gia này.


TTXVN/Tin tức

Nga, Trung Quốc không dự buổi họp của HĐBA về Syria
Nga, Trung Quốc không dự buổi họp của HĐBA về Syria

Đại diện phái đoàn ngoại giao Nga và Trung Quốc đã không tham dự buổi họp sáng 10/2 về một dự thảo nghị quyết, theo đó buộc tất cả các bên trong cuộc xung đột tại Syria phải cho phép sự tiếp cận của các tổ chức nhân đạo.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN