Dịch COVID-19: Mỹ vận động từng người dân đi tiêm chủng 

Ngày 6/7, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã hối thúc người dân đi tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 trong bối cảnh biến thể Delta, được phát hiện đầu tiên tại Ấn Độ, đang lây lan nhanh chóng và làm gia tăng số ca mắc tại nhiều khu vực trên cả nước.

Chú thích ảnh
Người dân tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 ở Los Angeles, California, Mỹ, ngày 19/6/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo phóng viên TTXVN tại Washington, trong phát biểu mới nhất, Tổng thống Biden cảnh báo người dân không nên tự mãn trong bối cảnh cuộc chiến chống dịch COVID-19 chưa kết thúc, số ca mắc đặc biệt tăng vọt tại những khu vực có tỷ lệ tiêm chủng thấp. Ông cho biết chính quyền liên bang sẽ chuyển trọng tâm từ các địa điểm tiêm chủng hàng loạt sang phương pháp tiếp cận với quy mô hẹp hơn hướng tới cộng đồng.

Trọng tâm của cách tiếp cận mới là cung cấp nhiều vaccine hơn cho các hiệu thuốc địa phương, bác sĩ gia đình và bác sĩ nhi khoa, song song với việc tiếp tục đẩy mạnh công tác tiêm chủng đến từng nhà, tăng cường các phòng tiêm chủng lưu động và triển khai các đợt tiêm chủng tại nơi làm việc. Ông nêu rõ: "Chúng ta cần phải đến từng cộng đồng, từng khu phố và gõ cửa từng nhà để khuyến khích mọi người đi  tiêm chủng". Những người làm nhiệm vụ đến nhà dân để vận động sẽ có trách nhiệm cung cấp thông tin về tính an toàn và hiệu quả của vaccine cho người dân.

Ngoài ra, Nhà Trắng cũng sẽ huy động "các đội ứng phó với sự gia tăng ca mắc COVID-19", gồm các chuyên gia thuộc Cơ quan Quản lý khẩn cấp liên bang (FEMA), Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh (CDC) Mỹ, cũng như các cơ quan liên bang khác, để hỗ trợ các bang có tỷ lệ tiêm chủng thấp "ngăn chặn, phát hiện và ứng phó" với sự lây lan của biến thể Delta.

Các khu vực có tỷ lệ tiêm chủng thấp đã ghi nhận số ca mắc COVID-19 tăng vọt trong những ngày gần đây. Biến thể Delta, có khả năng lây lan nhanh hơn và có thể khiến bệnh tiến triển nặng hơn ở những bệnh nhân trẻ tuổi, chiếm 25% tổng số ca mắc mới tại Mỹ vào tuần trước. CDC Mỹ dự báo biến thể Delta sẽ nhanh chóng áp đảo các biến thể khác tại Mỹ trong những tuần tới.

Giới chức đang chạy đua với thời gian để đảm bảo có thêm nhiều người dân được tiêm chủng đủ liều. Các nhà nghiên cứu đã phát hiện rằng các loại vaccine ngừa COVID-19 hiện nay có hiệu quả trong việc ngăn ngừa bệnh trở nặng và nguy cơ tử vong do biến thể Delta, nhưng chúng kém hiệu quả hơn ở những bệnh nhân mới chỉ được tiêm một mũi vaccine.

Theo thống kê, trong khi 67% người trưởng thành Mỹ đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine, mới chỉ có 47% dân số Mỹ đã được tiêm đủ liều vaccine. Tại một số bang, trong đó có Alabama và Mississippi, chỉ khoảng 33% dân số đã được tiêm đủ liều.

Trong diễn biến khác, ngày 6/7, Ngoại trưởng Mexico Marcelo Ebrard cho biết đã đề xuất với Mỹ về việc từng bước mở cửa lại biên giới trên bộ theo từng thành phố, căn cứ vào tiến độ tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 ở các nơi này.

Theo phóng viên TTXVN tại Mexico City, Mexico đang tiến hành tiêm chủng cho người dân từ 18 tuổi trở lên tại các khu vực biên giới chung với Mỹ, một trong những điều kiện cần thiết để mở cửa lại hoàn toàn biên giới trên bộ. Lệnh hạn chế đi lại không thiết yếu qua biên giới chung giữa hai nước được áp dụng từ tháng 3/2020 và gia hạn áp dụng đến ngày 21/7 tới nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Ngoại trưởng Ebrard khẳng định hạn chế trên cũng không ảnh hưởng tới công dân của nước này làm việc tại Mỹ và ngược lại. Hai bên đã nhất trí danh mục các hoạt động cần thiết nhằm đảm bảo lưu thông thương mại qua biên giới chung.

Theo thống kê của cơ quan chức năng, mỗi ngày khoảng 1 triệu lượt công dân của hai nước qua lại biên giới chung và giá trị biên mậu lên đến 1,7 tỷ USD.

* Cùng ngày, Bộ Các vấn đề toàn cầu của Canada (GAC) cho biết đã vận chuyển vaccine phòng COVID-19 đến khoảng 75% các đại sứ quán và các cơ quan đại diện khác của Canada ở nước ngoài, ưu tiên những người ở các quốc gia không thể tiếp cận loại vaccine được Canada phê duyệt hoặc những nơi công tác tiêm chủng được triển khai chậm hơn ở Canada.

Chú thích ảnh
Người dân đăng ký tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 tại Toronto, Canada, ngày 27/6/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo phóng viên TTXVN tại Ottawa, chính phủ liên bang sử dụng máy bay quân sự và hệ thống bưu chính để vận chuyển hàng nghìn liều vaccine phòng COVID-19 tới 134 cơ quan đại diện ngoại giao của Canada để đảm bảo việc tiêm chủng hàng loạt cho nhân viên Canada ở nước ngoài và gia đình của họ ở các quốc gia khan hiếm vaccine. GAC cho biết đã vận chuyển đủ vaccine vào tháng trước để tiêm chủng cho 97% người trưởng thành và 88% trẻ em tại các cơ quan đại diện của Canada. Nhân viên được các cơ quan của Canada tuyển dụng tại địa phương cũng được tiếp cận nguồn vaccine này.

Chính phủ Canada khẳng định có nghĩa vụ pháp lý đảm bảo các nhân viên Canada ở nước ngoài được tiếp cận hợp lý với dịch vụ chăm sóc y tế. Trong khi đó, các nhà hoạt động y tế ở các nước thu nhập thấp lo ngại rằng chính sách này đang thúc đẩy hệ thống tiếp cận vaccine "hai cấp" ngầm ở các nước có thu nhập thấp. Trong khi 69% người Canada đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine thì mới có chưa đến 3% người châu Phi được tiêm chủng.

Ngọc Ánh - Việt Hùng - Hương Giang - Phương Oanh (TTXVN)
WHO thiếu gần 17 tỷ USD để đẩy lùi đại dịch COVID-19
WHO thiếu gần 17 tỷ USD để đẩy lùi đại dịch COVID-19

Chương trình toàn cầu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhằm tài trợ cho việc phát triển và điều chế vaccine, các phương pháp chẩn đoán và điều trị COVID-19 vẫn còn thiếu gần một nửa ngân sách cần thiết. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN