Dự báo Ấn Độ nhận lượng mưa ở mức trung bình trong tháng 9

Cục Khí tượng Ấn Độ (IMD) dự báo nước này khả năng sẽ ghi nhận lượng mưa trong tháng 9 tới ở mức trung bình, sau khi trải qua tháng 8 khô hạn nhất trong hơn 1 thế kỷ.

Chú thích ảnh
Ấn Độ ghi nhận lượng mưa thấp do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino. Ảnh: Livemint

Phát biểu tại một cuộc họp báo trực tuyến, người đứng đầu IMD Mrutyunjay Mohapatra cho biết lượng mưa gió mùa của tháng 8 vừa qua thấp hơn 36% so với mức trung bình và lượng mưa vào mùa Hè thấp hơn 10% so với bình thường kể từ ngày 1/6 vừa qua. Ông cho biết hoạt động gió mùa yếu phần lớn trong tháng 8 và lượng mưa khá ít ở đa số các khu vực trên cả nước. Chỉ có một số vùng khô hạn trong tháng 6 và tháng 7 có lượng mưa cao hơn trong tháng 8. 

Do hoạt động ban đầu yếu, lượng mưa gió mùa của tháng 6 thấp hơn 9% so với mức trung bình và lượng mưa trong tháng 7 tăng trở lại lên mức 13% so với mức trung bình. Trong khi đó, mưa mùa Hè rải rác tại một số nơi trong tháng 8. Với tháng 8 khô hạn, tổng lượng mưa gió mùa từ tháng 6-8 thấp hơn 10% so với mức trung bình. Theo đó, Ấn Độ ghi nhận lượng mưa gió mùa trong tháng 8 thấp nhất trong 8 năm.

Mưa gió mùa đóng góp gần 70% lượng mưa cần thiết cho ngành nông nghiệp và làm đầy các hồ chứa nước tại Ấn Độ. Trước đó, hãng Reuters đưa tin Ấn Độ khả năng sẽ ghi nhận tháng 8 khô hạn nhất trong hơn 1 thế kỷ, một phần do hiện tượng thời tiết cực đoan El Nino. 

Các điều kiện El Nino đã phát triển ở vùng nhiệt đới Thái Bình Dương lần đầu tiên sau 7 năm. Năm 2015, Ấn Độ từng đối mặt với hạn hán diện rộng khi El Nino ảnh hưởng đến mùa mưa của nước này. Do lo ngại thời tiết khắc nghiệt ảnh hưởng đến sản lượng thu hoạch mùa vụ năm nay, Ấn Độ - nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới - quyết định hạn chế xuất khẩu gạo, áp mức thuế 40% đối với hành xuất khẩu và khả năng sẽ cấm xuất khẩu đường.

Trong khi đó tại Hy Lạp, Thủ tướng nước này Kyriakos Mitsotakis ngày 31/8 dự báo cháy rừng dữ dội sẽ tàn phá hơn 150.000 ha đến hết mùa Hè. 

Phát biểu trước Quốc hội, ông Mitsotakis cho rằng diện tích rừng bị thiêu rụi sẽ vượt 150.000 ha, trong đó có rừng Dadia ở vùng Evros. Thủ tướng cho rằng nguyên nhân dẫn đến thảm họa cháy rừng một phần là do cuộc khủng hoảng khí hậu. Đám cháy lớn xảy ra tại rừng Dadia vẫn tiếp diễn ngày thứ 13 liên tiếp. Với sự hỗ trợ của 10 máy bay và 7 trực thăng, khoảng 600 lính cứu hỏa đang nỗ lực dập tắt đám cháy rừng bùng phát từ ngày 19/8 vừa qua. 

Cơ quan theo dõi biến đổi khí hậu Copernicus của Liên minh châu Âu (EU) nhận định đám cháy này có quy mô lớn nhất ở châu Âu trong nhiều năm qua. Theo cơ quan này, cháy rừng đã thiêu rụi diện tích lên tới hơn 81.000 ha, tức lớn hơn thành phố New York. Đến nay, đã có ít nhất 20 người thiệt mạng.

Giống như nhiều nước gần khu vực Địa Trung Hải, Hy Lạp đối mặt với cháy rừng lan rộng kể từ đầu mùa Hè. Thống kê cho thấy tổng cộng 26 người đã thiệt mạng do cháy rừng tại nước này.

Nguyễn Hằng (TTXVN)
Bắc Kinh (Trung Quốc) ghi nhận lượng mưa kỷ lục trong vòng 140 năm
Bắc Kinh (Trung Quốc) ghi nhận lượng mưa kỷ lục trong vòng 140 năm

Do ảnh hưởng của bão Doksuri, Trung Quốc tiếp tục hứng chịu mưa lớn và lũ lụt xảy ra tại nhiều tỉnh thành của nước này với lượng mưa kỷ lục tại Bắc Kinh trong vòng 140 năm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN