Đưa đoàn tàu qua khúc cua

Chuyến thăm lần thứ hai của Ngoại trưởng Antony Blinken tới Trung Quốc trong vòng chưa đầy 1 năm có thể coi là nỗ lực tiếp theo nhằm duy trì sự ổn định của một trong những mối quan hệ song phương phức tạp nhất thế giới.

Trong bối cảnh một loạt căng thẳng trong vấn đề thương mại, cạnh tranh địa chính trị và an ninh đang tạo ra những "khúc cua" đe dọa làm chệch hướng quan hệ Mỹ-Trung, chuyến thăm này dù không mang lại kết quả đột phá, song vẫn được đánh giá có ý nghĩa quan trọng đối với hai bên trong việc quản lý quan hệ song phương một cách có trách nhiệm.

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị (phải) trong cuộc gặp người đồng cấp Mỹ Antony Blinken tại Bắc Kinh, ngày 26/4/2024. Ảnh: THX/TTXVN

“Chúng ta có nghĩa vụ với người dân hai nước - và thực sự đối với thế giới - đó là quản lý mối quan hệ song phương một cách có trách nhiệm”. Lời khẳng định của Ngoại trưởng Blinken trong chặng dừng chân ở Thượng Hải phản ánh chính sách của chính quyền Tổng thống Joe Biden sẵn sàng cởi mở trong liên lạc và đối thoại với Trung Quốc để ngăn quan hệ song phương rơi vào xung đột. Điều này cũng được thể hiện qua những hoạt động "ngoại giao mềm" của ông Blinken trong chuyến thăm, từ việc cổ vũ trận bóng rổ ở Thượng Hải, trò chuyện với các sinh viên cho tới gặp gỡ các chủ doanh nghiệp Mỹ. Tất cả nhằm làm nổi bật mối quan hệ kinh tế, giáo dục và văn hóa mà Washington coi là có lợi cho cả hai nước.

Tinh thần sẵn sàng đối thoại thể hiện trong các cuộc gặp riêng rẽ giữa Ngoại trưởng Blinken và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng như Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị, khi hai bên đều nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giữ cho các đường dây liên lạc luôn mở. Ngoại trưởng Blinken đã khẳng định chính sách ngoại giao "trực tiếp" là không thể thay thế để đảm bảo hai bên có thể nắm được quan điểm của nhau về những vấn đề còn khác biệt, qua đó ít nhất giúp tránh hiểu nhầm, cũng như những tính toán sai lầm. Trong khi đó, Chủ tịch Tập Cận Bình nhắc lại quan điểm rằng Mỹ và Trung Quốc nên là “đối tác chứ không phải đối thủ”, đồng thời đề xuất 3 nguyên tắc chính gồm tôn trọng lẫn nhau, chung sống hòa bình và hợp tác cùng có lợi.

Giới quan sát đánh giá chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ đã phát đi tín hiệu tích cực, cho thấy việc tận dụng các cơ hội đối thoại là cách để hai bên quản trị bất đồng. Nhà nghiên cứu Yang Nan tại Viện nghiên cứu Mỹ thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc nhận định mặc dù những chuyến thăm như vậy có thể không dẫn đến kết quả đáng kể, nhưng việc thiết lập sự hiểu biết lẫn nhau thông qua những tương tác như vậy có thể giúp ngăn chặn những đánh giá sai lầm trong tương lai, vốn là “mục tiêu then chốt” đối với hai bên.

Trong khi đó, ông Sourabh Gupta, một thành viên cấp cao tại Viện nghiên cứu Mỹ-Trung có trụ sở ở Washington, nhận định kể từ tháng 2, đã có sự gia tăng đáng chú ý trong các tương tác chính thức cấp cao giữa hai nước. Do đó, chuyên gia này cho rằng mục tiêu của ông Blinken trong chuyến thăm là tiếp tục phát triển mối quan hệ đó đi đúng hướng, nỗ lực duy trì động lực đó cũng như các đường dây và kênh liên lạc, qua đó có thể cải thiện thêm quan hệ song phương.

Các nhà phân tích cũng cho rằng đối thoại Mỹ - Trung gia tăng trong những tháng gần đây phản ánh sự quan tâm của cả hai bên trong việc ổn định quan hệ trước khi chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ bắt đầu bước vào giai đoạn nước rút. Thông qua chuyến thăm này, Nhà Trắng muốn cho cử tri thấy rằng chính quyền đang xử lý hiệu quả quan hệ với cường quốc châu Á. Giáo sư Zhao Minghao tại Trung tâm Nghiên cứu về Mỹ thuộc Đại học Phúc Đán, đánh giá Trung Quốc cần mối quan hệ này có nền tảng ổn định hơn để hỗ trợ phục hồi kinh tế, trong khi chính quyền của ông Biden muốn chứng tỏ khả năng quản lý mối quan hệ một cách có trách nhiệm, song vẫn duy trì lập trường cứng rắn với Bắc Kinh.

Trên thực tế, giới chức hai nước đều công nhận đã đạt được tiến triển trên một số lĩnh vực, như việc thiết lập các cuộc đàm phán Mỹ - Trung đầu tiên về trí tuệ nhân tạo trong những tuần tới; tiếp tục cải thiện liên lạc giữa quân đội hai nước và tăng cường trao đổi văn hóa. Tuy nhiên, xét về các vấn đề chiến lược cơ bản, mỗi bên dường như đều hạ thấp hy vọng đạt được đồng thuận trong những nội dung gai góc. Thậm chí, một số chuyên gia còn cho rằng cục diện đối đầu giữa hai nước vẫn tồn tại và trạng thái hòa giải hiện nay chỉ là "khoảng lặng" trong quan hệ song phương.

Trước thềm chuyến thăm của ông Blinken, Washington đã thực hiện loạt động thái dưới danh nghĩa “an ninh quốc gia” mà giới chức Trung Quốc chỉ trích là nhằm ngăn chặn sự phát triển của nước này. Đó là các biện pháp kiểm soát của Mỹ đối với các mặt hàng công nghệ cao xuất sang Trung Quốc có thể sử dụng cho mục đích quân sự, là việc hạn chế đầu tư của Mỹ vào một số lĩnh vực công nghệ cao ở Trung Quốc. Căng thẳng thương mại cũng “nóng” lên khi Mỹ xem xét tăng gấp 3 lần thuế đối với thép nhập khẩu từ Trung Quốc, Washington nhiều lần phàn nàn về tình trạng “dư thừa công suất” ở quốc gia châu Á. Với cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đang đến gần, chính quyền của ông Biden đang chịu áp lực phải đưa ra nhiều biện pháp bảo vệ hơn cho các nhà máy Mỹ trước hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Đặc biệt, việc Mỹ thông qua luật buộc ByteDance thoái vốn khỏi TikTok trong vòng 9 tháng hoặc phải dừng hoạt động tại nước này không chỉ là đòn giáng mạnh vào tham vọng công nghệ của Trung Quốc, mà còn khoét sâu thêm sự chia rẽ trong thế giới số giữa hai siêu cường kinh tế hàng đầu hiện nay.

Mỹ tiếp tục tăng cường hiện diện và củng cố một vòng cung liên minh quân sự ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, điển hình như cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Nhật - Philippines mở đường cho các cuộc tuần tra hải quân chung ba bên ở Biển Đông, hay liên tiếp tham gia các cuộc tập trận Balikatan và Salaknib với các đồng minh trong khu vực. Tranh chấp địa chính trị ở Ukraine và Trung Đông cũng đang đặt ra thách thức mới và làm gia tăng bất hòa giữa Mỹ và Trung Quốc. Tất cả những điều này đã làm nổi bật những yếu tố mà Bắc Kinh cho là “tiêu cực” đe dọa làm chệnh hướng quan hệ song phương, vấn đề Bộ trưởng Vương Nghị đặc biệt nhấn mạnh trong cuộc hội đàm với người đồng cấp Blinken.

Bởi vậy, có thể coi những cuộc thảo luận, liên lạc, tiếp xúc cấp cao tương tự như chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ tới Trung Quốc lần này chính là những nỗ lực "điều khiển" đoàn tàu quan hệ Mỹ-Trung khỏi trật đường ray khi đi qua những "khúc cua "căng thẳng. Đó cũng là lý do Mỹ liên tục cử quan chức tới Trung Quốc trong thời gian gần đây, mà ngay trước chuyến thăm của Ngoại trưởng Blinken là chuyến công du của Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen. Đầu tháng này, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng đã có cuộc điện đàm gần 2 giờ, đánh dấu lần đầu lãnh đạo hai nước thảo luận trực tiếp kể từ sau hội nghị thượng đỉnh ở San Francisco (Mỹ) tháng 11/2023. Mới đây, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Đổng Quân và người đồng cấp Mỹ Lloyd Austin đã điện đàm thảo luận về quan hệ quốc phòng song phương cũng như các vấn đề an ninh khu vực và toàn cầu. Trong bối cảnh quan hệ Mỹ - Trung luôn trong thế cạnh tranh chiến lược toàn diện, thậm chí không ít lần đối đầu gay gắt, thông qua các cuộc đối thoại như vậy, hai bên có thể kiểm soát và giữ cho cặp quan hệ quan trọng này không rơi vào “vòng xoáy đi xuống”.

Phương Oanh (TTXVN)
Mỹ thông báo Ngoại trưởng Antony Blinken sắp công du Trung Quốc
Mỹ thông báo Ngoại trưởng Antony Blinken sắp công du Trung Quốc

Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo Ngoại trưởng nước này Antony Blinken sẽ có chuyến công du tới Trung Quốc từ ngày 24-26/4.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN