EU thừa nhận phương Tây 'do dự' trong hỗ trợ vũ khí cho Ukraine vì sợ leo thang xung đột

Nhà ngoại giao hàng đầu của EU cho rằng Mỹ lo sợ leo thang và "kích động phản ứng" từ Nga nên "do dự" trong hỗ trợ vũ khí cho Ukraine, đồng thời thông báo sẽ có "cuộc họp cấp cao" về Ukraine vào tháng 9 tới.

Chú thích ảnh
Đại diện cấp cao EU về chính sách đối ngoại và an ninh Josep Borrell (ngồi thứ 2 từ phải sang) tham dự hội thảo ở Tây Ban Nha. Ảnh: Euractiv

Theo mạng tin châu Âu Euractiv.com ngày 22/8, đại diện cấp cao EU về chính sách đối ngoại và an ninh Josep Borrell đã thừa nhận việc phương Tây do dự trong cung cấp tất cả các hệ thống vũ khí cần thiết cho Ukraine, do lo sợ leo thang, đang gây tốn kém và một cách tiếp cận khác có thể làm thay đổi cục diện cuộc chiến.

Phát biểu tại một cuộc hội thảo mùa hè ở thị trấn Santander, Tây Ban Nha cùng với Ngoại trưởng Áo Alexander Schallenberg và người đồng cấp Litva Gabrielius Landsbergis, ông Borrell cho biết: “Khi quyết định giúp đỡ một quốc gia có xung đột quân sự, do dự có thể là một phản ứng gây rất nhiều tốn kém".

Ông Borrell nói thêm rằng xét về “sự do dự” của phương Tây, nếu các quyết định được đưa ra nhanh hơn và với nhiều dự báo hơn về các hệ thống vũ khí cuối cùng được viện trợ, “thì có lẽ cuộc xung đột sẽ rẽ sang một hướng khác".

Ông Borrell cũng đặt câu hỏi tại sao phương Tây chỉ hỗ trợ dần dần cho Ukraine, đề cập đến quyết định tốn nhiều thời gian khi ban đầu vạch ra các hạn chế về những hệ thống vũ khí được phép viện trợ nhưng sau đó cung cấp cho Kiev tất cả chúng.

“Tại sao Mỹ không cung cấp khả năng tấn công tầm xa cho Ukraine trong khi Anh đã làm như vậy? Có lẽ mọi người đều có cách tiếp cận khác nhau vì cách đánh giá rủi ro hoặc nỗi sợ hãi là khác nhau”, ông Borrell nêu quan điểm. Theo ông Borrell, sự do dự của Mỹ dường như mang tính “chính trị hơn” và có liên quan đến “sự cân bằng nội bộ trong hệ thống chính trị Mỹ và với nỗi sợ kích động phản ứng” từ Nga.

Liên quan đến quyết định mới nhất của Đan Mạch và Hà Lan cung cấp máy bay chiến đấu F-16 cho Ukraine, ông Borrell hoan nghênh động thái này, đồng thời nói thêm rằng EU có khả năng chi trả một phần chi phí như đã làm với các chương trình viện trợ quân sự trước đây nếu các quốc gia thành viên yêu cầu theo Quỹ Hòa bình châu Âu (EPF).

Tuy nhiên, ông cảnh báo rằng "thật không may, chúng sẽ không được sử dụng sớm" bởi vì các phi công Ukraine phải được đào tạo trước và "bắt đầu càng sớm thì càng tốt". Ukraine có “hạn chế” là “không có sự hỗ trợ từ trên không và tên lửa tầm xa”, mà theo ông Borrell, “sẽ rất cần thiết” để ngăn chặn các cuộc ném bom nhằm vào những thành phố của Ukraine. Các máy bay chiến đấu F-16 đầu tiên do phương Tây sản xuất dự kiến sẽ đến Ukraine vào đầu năm tới.

Đàm phán hòa bình vào tháng 9

Vòng đàm phán hòa bình Ukraine gần đây nhất vào đầu tháng 8 này tại Jeddah, Saudi Arabia, với hơn 40 quốc gia – bao gồm cả Trung Quốc – tham dự, là “một bước nữa của Ukraine để khiến cộng đồng quốc tế gây áp lực buộc Nga ngừng giao tranh”, ông Borrell nói.

Theo đó, một "cuộc họp cấp cao" có thể "có thể diễn ra" vào cuối tháng 9 tới, có khả năng là một cuộc họp cấp bộ trưởng bên lề Đại hội đồng Liên hợp quốc, có thể thảo luận về hòa bình ở Ukraine, ông Borrell thông báo với các phóng viên.

Khi được hỏi về khả năng kết thúc xung đột, nhà ngoại giao cấp cao của EU nói: “Nga đã bắt đầu và Nga phải kết thúc xung đột”.

Công Thuận/Báo Tin tức
ASEAN - EU cam kết thúc đẩy quan hệ thương mại và đầu tư
ASEAN - EU cam kết thúc đẩy quan hệ thương mại và đầu tư

Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, ngày 20/8, tại Hội nghị tham vấn Bộ trưởng Kinh tế ASEAN (AEM) - Liên minh châu Âu (EU) lần thứ 19 diễn ra ở thành phố Semarang, Indonesia, hai bên đã cam kết tận dụng động lực tích cực để tăng cường hơn nữa quan hệ thương mại và đầu tư song phương.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN