Hàn Quốc: Khi chính quyền đứng ra làm ‘bà mối’

100 người độc thân tụ tập tại phòng khiêu vũ thuộc một khách sạn ở thành phố Seongnam (Hàn Quốc) nơi trang trí bóng bay màu hồng và phát giai điệu tình ca du dương. Họ đến đây để làm quen và nếu may mắn là tìm được nửa kia. Đơn vị đứng ra tổ chức sự kiện lãng mạn này không ai khác chính là chính quyền thành phố.

Chú thích ảnh
Ảnh minh họa. Nguồn: AFP

5 tiếng trôi qua khá nhanh đối với 50 chàng trai và 50 cô gái. Sau đó họ tiếp tục tham dự sự kiện tại quán bar đến 1 giờ đêm. Nhưng cô Mia Kim (37 tuổi), một trong những cô gái độc thân tham dự, cảm thấy sự kiện này “quá ngắn ngủi”.

Ngày càng có nhiều thành phố trên khắp Hàn Quốc tài trợ các buổi hẹn hò dành cho người độc thân, mong muốn thúc đẩy giới trẻ lập gia đình, trong bối cảnh nước này ghi nhận tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới ba năm liên tiếp. Các thành phố cho rằng vấn đề bắt nguồn từ việc người trẻ tuổi không muốn kết hôn hoặc sinh con. Hàn Quốc chỉ ghi nhận 2% số ca sinh là ngoài hôn nhân.

Ông Shin Sang-jin, thị trưởng Seongnam lập luận: “Thái độ tiêu cực đối với hôn nhân đang tiếp tục lan rộng trong xã hội Hàn Quốc. Vai trò của chính quyền địa phương là tạo điều kiện để những người muốn kết hôn tìm được bạn đời”.

Tuy nhiên, nhiều thanh niên Hàn Quốc chia sẻ trở ngại thực sự đối với việc tăng tỷ lệ sinh là chi phí chăm sóc trẻ em đắt đỏ, giá nhà không phù hợp, triển vọng việc làm mong manh, thời gian làm việc kéo dài. Họ cho rằng các sự kiện hẹn hò gặp mặt không giải quyết được những vấn đề này.

Đặc biệt, nhiều phụ nữ nói họ cảm thấy nản lòng trước tình trạng phân biệt đối xử phổ biến đối với các bà mẹ đang đi làm. Những người khác lại chỉ trích chính phủ đang quá can thiệp vào các lựa chọn sinh sản cá nhân khi tổ chức sự kiện mai mối.

Tuy nhiên, các sự kiện gặp gỡ hẹn hò này trên thực tế lại tạo được sức hút. Seongnam đã nhận được hơn 1.000 đơn đăng ký cho 100 suất dự các sự kiện của tháng 8. Những người tham gia đã đưa ra đánh giá tích cực.

Tỷ lệ người kết hôn đã giảm trên toàn thế giới, nhưng đặc biệt “lao dốc” ở Hàn Quốc. Năm 2021, tại Mỹ ghi nhận 6 cuộc hôn nhân trên 1.000 người còn ở Hàn Quốc con số này chỉ là 3,8 trên 1.000 người.

Bên cạnh đó, tỷ lệ sinh tại Hàn Quốc cũng khá thấp. Vào năm 2022, tỷ lệ sinh của quốc gia - số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh sản - đã giảm năm thứ 7 liên tiếp, xuống còn 0,78. Điều này khiến các quan chức Hàn Quốc phải tìm cách ngăn chặn khủng hoảng dân số.

Chú thích ảnh
Thực khách ngắm cảnh Seoul tại một nhà hàng. Ảnh: Shutterstock

Tờ New York Times (Mỹ) đưa tin ngay cả khi số người Hàn Quốc quan tâm đến việc có con đang thu hẹp lại, các quan chức nước này vẫn kỳ vọng việc mai mối do chính phủ tài trợ sẽ tiếp tục nhận được quan tâm.

Seongnam, thành phố có khoảng một triệu dân, đã phân bổ ngân sách 192.000 USD Mỹ cho các sự kiện như vậy và có kế hoạch tổ chức thêm một số sự kiện nữa vào năm 2023.

Bà Kang Mi-jeong, người đứng đầu nhóm chuyên trách của thành phố về giải quyết tỷ lệ sinh thấp, đơn vị tổ chức sự kiện này cho biết: “Điều chúng tôi muốn thấy là những người trẻ mỉm cười, đỏ mặt vì thẹn thùng và cảm thấy hào hứng".

Các thành phố ở những quốc gia khác có tỷ lệ sinh thấp, bao gồm cả Trung Quốc và Nhật Bản, cũng đã tổ chức chương trình như vậy.

Nhiều thành phố nhỏ ở Hàn Quốc đã tài trợ cho các sự kiện tương tự trong nhiều năm qua, hướng đến nhóm từ 27 đến 39 tuổi sống hoặc làm việc tại địa phương. Giới chức Seoul cho biết họ cũng đang xem xét tổ chức một sự kiện hẹn hò. Ban đầu họ đã ủng hộ đề xuất này nhưng đang xem xét lại vì bị chỉ trích rộng rãi trên mạng xã hội.

Cô Jeon Seol-hee (27 tuổi), một sinh viên mới tốt nghiệp gần Seoul, nhận xét: “Tôi không nghĩ điều đó sẽ giúp giải quyết vấn đề tỷ lệ sinh ngày càng giảm. Đối với phụ nữ trẻ, mối lo ngại là việc có con sẽ làm gián đoạn sự nghiệp của họ”. Jeon Seol-hee đã có bạn trai nhưng vẫn chưa quyết định liệu có muốn có con hay không.

Cô Park Soo-min (30 tuổi), làm việc tại một công ty truyền thông ở Incheon lại cho rằng điều này khá “giả tạo”. Cô nhấn mạnh: “Thật kỳ lạ khi chính phủ đang cố gắng can thiệp vào các mối quan hệ cá nhân”.

Theo giáo sư Jung Jae-hoon tại Đại học Nữ Seoul, việc giảm giờ làm, văn hóa làm việc thân thiện với gia đình và bình đẳng giới trong gia đình sẽ hiệu quả hơn so với mai mối để giải quyết nguyên nhân của tỷ lệ sinh thấp.

Chính các quan chức Seongnam cũng thừa nhận chương trình hẹn hò không phải là giải pháp cuối cùng cho khủng hoảng nhân khẩu học của thành phố. Nhưng họ tin rằng sự kiện này sẽ đáp ứng nhu cầu xã hội. Trong số 200 người đến một mình, 78 người đã tìm được đối tượng.

Anh Hwang Da-bin (33 tuổi), làm việc trong lĩnh vực bất động sản ở Seongnam, cho biết bản thân muốn tham dự một trong những sự kiện do thành phố tổ chức vì đại dịch COVID-19 đã cản trở đời sống xã hội của anh. Da-bin chia sẻ anh đã độc thân trong 6 năm qua.

“Tôi rất vui khi biết rằng sự kiện này sẽ diễn ra trực tiếp”, Da-bin bộc bạch và cho biết thêm rằng anh vẫn duy trì liên hệ, trò chuyện với một cô gái vài tuần sau sự kiện này.

Về phần Mia Kim, tuy chưa tìm được người phù hợp từ cuộc hẹn hò do chính quyền thành phố tổ chức nhưng cô cũng không thấy thất vọng. Một số người tham dự sự kiện đã tự tổ chức gặp mặt sau đó và Mia Kim đã lên kế hoạch tham gia. Cô không quá đặt nặng việc tìm được nửa kia hay không. Mia Kim nói: “Bây giờ, tôi đang cố gắng hài lòng với việc có khoảng thời gian vui vẻ với những người tốt”.

Hà Linh/Báo Tin tức (Theo New York Times)
Thủ tướng Nhật Bản công bố kế hoạch hỗ trợ nhằm tăng tỷ lệ sinh
Thủ tướng Nhật Bản công bố kế hoạch hỗ trợ nhằm tăng tỷ lệ sinh

Ngày 13/6, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã công bố một gói biện pháp đa dạng nhằm đảo ngược tỷ lệ sinh đang rất thấp ở đất nước “Mặt Trời mọc”, khẳng định rằng vấn đề này cần được xử lý giống như việc dân số già hóa đe dọa nền kinh tế đất nước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN