Hàn Quốc nỗ lực đảm bảo tiêm phòng kịp thời vaccine ngừa COVID-19

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in ngày 22/12 cho biết nước này đang tiến hành tốt các công việc để đảm bảo rằng việc tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho người dân sẽ không quá muộn.

Chú thích ảnh
Một điểm xét nghiệm COVID-19 tại Seoul, Hàn Quốc, ngày 14/12/2020. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, Tổng thống Moon Jae-in phát biểu như trên trong cuộc họp với lãnh đạo của 5 cơ quan cao nhất theo Hiến pháp nước này gồm Chủ tịch Quốc hội Byeong-seug, Chánh án Tòa án Tối cao Kim Myeong-su, Chánh án Tòa án Hiến pháp Yoo Nam-seok, Thủ tướng Chung Sye-kyun và Chủ tịch Ủy ban Bầu cử Quốc gia (NEC) Noh Jeong-hee. Cuộc họp nhằm thảo luận các biện pháp vượt qua cuộc khủng hoảng COVID-19 và các vấn đề quốc gia khác.

Tại cuộc họp, nhà lãnh đạo Hàn Quốc nêu rõ: “Trong những ngày này, có rất nhiều nỗi lo lắng về vaccine COVID-19, song có thể không tránh khỏi việc các nước sản xuất vaccine sẽ tiến hành tiêm trước... Tôi tin rằng việc tiêm chủng rộng rãi ở đất nước chúng ta sẽ bắt đầu không quá muộn và công việc chuẩn bị đang được tiến hành".

Trong bối cảnh dân chúng ngày càng lo ngại về sự chậm trễ trong việc tiêm chủng vaccine phòng COVID-19, chính quyền Hàn Quốc đang cố gắng đảm bảo nguồn cung cấp kịp thời để có thể triển khai tiêm chủng trong quý đầu tiên của năm 2021.

Đây là lần đầu tiên sau 7 tháng, Tổng thống Moon Jae-in có cuộc họp với 5 nhà lãnh đạo cao nhất của quốc gia. Đây cũng là cuộc họp như vậy đầu tiên sau khi ông Noh Jeong-hee trở thành người đứng đầu NEC hôm 2/11.

* Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, ngày 21/12, hội đồng thẩm định của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi xã hội Nhật Bản quyết định chưa cấp phép thuốc Avigan do công ty dược phẩm Fujifilm Toyama Chemical điều chế trong điều trị COVID-19.

Theo hội đồng thẩm định của Bộ trên, đến thời điểm hiện tại chưa thể đánh giá chính xác hiệu quả điều trị của thuốc Avigan và cần tiến hành đánh giá thêm. Nếu công ty Fujifilm Toyama Chemical bổ sung thêm dữ liệu từ các thử nghiệm đang tiến hành, Bộ sẽ tổ chức thẩm định thêm một lần nữa trong năm 2021. Nếu được các cơ quan chức năng của Nhật Bản chấp thuận, đây sẽ là loại thuốc thứ ba được nước này cấp phép sử dụng trong phác đồ điều trị bệnh COVID-19, sau thuốc Remdesivir và Dexamethasone.

Hồi tháng 9, công ty dược Fujifilm Toyama Chemical thông báo đã hoàn tất giai đoạn 3 của cuộc thử nghiệm lâm sàng đối với thuốc Avigan được bắt đầu tháng 3. Những bệnh nhân mắc COVID-19 sử dụng thuốc Avigan, thời gian phục hồi là 11,9 ngày, sớm hơn 2,8 ngày so với thời gian 14,7 ngày ở những người dùng giả dược.

Quá trình thử nghiệm lâm sàng cũng chưa xuất hiện những lo ngại mới về độ an toàn, ngoài những tác dụng phụ đã được chỉ ra trước đây. Do đó, Fujifilm Toyama Chemical hồi tháng 10 đã nộp đơn lên Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi xã hội Nhật Bản đề nghị cấp phép cho thuốc Avigan trong điều trị COVID-19.

* Ngày 21/12, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ca ngợi việc hãng dược AstraZeneca của Anh quyết định thử nghiệm kết hợp vaccine COVID-19 do hãng này sản xuất với vaccine Sputnik V của Nga trong bối cảnh Moskva sắp tiến hành các thử nghiệm lâm sàng. 

Phát biểu tại một sự kiện trực tuyến chứng kiến việc AstraZeneca ký bản ghi nhớ (MoU) hợp tác với Viện Gamaleya phát triển Sputnik V, Quỹ Đầu tư trực tiếp Nga (RDIF) và nhà sản xuất thuốc R-Pharm của Nga, Tổng thống Vladimir Putin đã bày tỏ “lập trường ủng hộ tích cực các công ty này nhằm đạt các mục tiêu có ý nghĩa quan trọng, không chỉ đối với các công ty mà trên thực tế còn vì nhân loại”.

Trong khi đó, Giám đốc RDIF Kirill Dmitriev cho biết các cuộc thử nghiệm lâm sàng kết hợp vaccine của Nga và Anh sẽ sớm được triển khai tại 3 quốc gia. Ông không nói cụ thể quốc gia nào, song đề cập có thể là một số nước ở Trung Đông và một nước thuộc Liên Xô cũ. 

Các thử nghiệm lâm sàng vẫn đang được tiến hành cho thấy vaccine Sputnik V của Nga có tỷ lệ hiệu quả hơn 90%, cao hơn so với vaccine của AstraZeneca và tương đương vaccine của các hãng đối thủ Pfizer và Moderna của Mỹ.

Mạnh Hùng - Đức Thịnh - Minh Châu  (TTXVN)
Cuộc đua giành ưu tiên tiêm vaccine COVID-19 giữa các nhóm lợi ích tại Mỹ
Cuộc đua giành ưu tiên tiêm vaccine COVID-19 giữa các nhóm lợi ích tại Mỹ

Các công ty, nghiệp đoàn và hiệp hội thương mại các ngành đang vận động chính quyền các cấp ở Mỹ chọn người lao động thuộc những tổ chức này vào danh sách tiêm vaccine ngừa COVID-19 đợt 2.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN