Hong Kong lạc quan về việc tham gia hiệp định RCEP

Hong Kong (Trung Quốc) đã bày tỏ lạc quan về việc tham gia Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), khối thương mại lớn nhất thế giới hiện nay.

Hong Kong đã gửi yêu cầu chính thức tham gia RCEP. Mặc dù công việc còn khá nhiều, Khu Hành chính đặc biệt của Trung Quốc này mong muốn được dỡ bỏ phần lớn thuế quan trong khuôn khổ RCEP nếu được chấp nhận.

Phó Giám đốc phát triển kinh doanh thuộc Hội đồng phát triển thương mại Hong Kong Mandy Ng nói đặc khu này rất lạc quan vì có tất cả nền tảng tốt, đáp ứng các tiêu chí để tham gia RCEP.

RCEP quy tụ 10 quốc gia thành viên ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand. RCEP hướng tới loại bỏ 90% thuế quan đối với hàng hóa được giao dịch nội khối sau 20 năm có hiệu lực. Hiện thỏa thuận thương mại này đã có hiệu lực đối với tất cả các bên ký kết và mở cửa kết nạp các quốc gia khác.

Bà Mandy cho biết Hong Kong đã duy trì mối quan hệ kinh tế chặt chẽ với các thành viên ASEAN. Trao đổi thương mại mạnh mẽ với ASEAN được kỳ vọng sẽ tạo cơ hội để Hong Kong được chấp nhận tham gia RCEP. Hiện ASEAN là đối tác thương mại lớn thứ hai của Hong Kong, sau Trung Quốc.

Bà Mandy cho biết RCEP sẽ dỡ bỏ nhiều rào cản. Bằng cách tham gia RCEP, Hong Kong có thể khẳng định lợi thế của mình với tư cách trung tâm tài chính quốc tế và là trung tâm giải quyết các tranh chấp pháp lý quốc tế.

Trước đó, phát biểu với các phóng viên vào ngày 11/10, Phó Tổng thư ký ASEAN phụ trách Cộng đồng kinh tế Satvinder Singh tiết lộ rằng các quy tắc gia nhập RCEP đang được xây dựng và sẽ hoàn tất vào năm tới.

Ông Singh nói rõ ASEAN đang ở giai đoạn chuẩn bị nền tảng cho các quy tắc gia nhập và sẽ nhanh chóng hoàn tất để bắt đầu các cuộc đàm phán về khả năng gia nhập của các nước.

Ngoài Hong Kong, hiện Sri Lanka cũng đang muốn trở thành thành viên RCEP.

Theo thống kê chính thức, tổng giá trị trao đổi thương mại hàng hóa giữa ASEAN và Hong Kong đã đạt 133,4 tỷ USD vào năm 2022, đưa vùng lãnh thổ này của Trung Quốc trở thành đối tác thương mại lớn thứ 7 của ASEAN.

Hữu Chiến (P/v TTXVN tại Jakarta)
Việt Nam thực hiện thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt với Myanmar, Philippines theo Hiệp định RCEP
Việt Nam thực hiện thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt với Myanmar, Philippines theo Hiệp định RCEP

Chính phủ ban hành Nghị định số 84/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 129/2022/NĐ-CP ngày 30/12/2022 về Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) giai đoạn 2022 - 2027.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN