Khó xảy ra nguy cơ "bong bóng" trên thị trường bất động sản Anh

Trao đổi với phóng viên TTXVN thường trú tại Anh, bà Thủy Baillie- Giám đốc Công ty Quản lý Tài sản London có trụ sở tại thủ đô London (Anh)- cho rằng mặc dù giá nhà đang tăng đột biến lên hai con số, nhưng khó xảy ra nguy cơ "bong bóng" trên thị trường bất động sản Anh, bởi giá nhà tăng là do nhu cầu cao trong khi lượng cung thấp.
Dưới đây là nội dung cuộc trao đổi:

 


Bà có đánh giá gì về việc giá nhà tại Anh thời gian qua tăng đột biến lên hai con số? Đâu là nguyên nhân chủ yếu đẩy giá nhà tại Anh tăng nhanh như vậy?


Giá nhà tại Anh thời gian vừa qua đã tăng đột biến lên hai con số. Có hai nguyên nhân giải thích cho vấn đề này. Thứ nhất là nhu cầu về nhà ở tại Anh nói chung và London nói riêng rất cao. Vì thế, nó dẫn đến tình trạng tăng giá nhanh. Thứ hai là do nhà đầu tư nước ngoài thời gian qua đã rót vốn vào để mua nhiều bất động sản. Có người thì sử dụng, nhưng có người không sử dụng, nên đã hình thành những thành phố "ma", ảnh hưởng đến nền kinh tế xung quanh. Hầu hết người nước ngoài rót vốn vào mua nhà nhưng lại không sử dụng. Một năm có khi họ chỉ sử dụng vài tuần, điều này sẽ ảnh hưởng đến những cửa hàng, cửa hiệu xung quanh, vì không có ai mua bán. Còn những nhà đầu tư nước ngoài thì có người châu Âu (chiếm đến 80%), người châu Á, người Trung Đông.

 

Nhiều ý kiến đã đề cập đến nguy cơ "bong bóng" trên thị trường bất động sản Anh do giá nhà tăng đột biến. Là một người có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực bất động sản ở Anh, bà có suy nghĩ gì về vấn đề này?


Tôi nghĩ rằng hiện tượng "bong bóng" chỉ xuất hiện trên thị trường chứng khoán, bởi nó chịu ảnh hưởng từ tâm lý hoảng sợ hay sự tham lam của khách hàng. Còn đối với thị trường bất động sản, khó có thể đề cập đến "bong bóng", bởi giá nhà tăng là do nhu cầu cao trong khi lượng cung thấp. Giá cả có thể thay đổi theo hướng chậm dần hoặc tăng ít. Hiện tượng "bong bóng" bất động sản có thể xảy ra khi xuất hiện những vấn đề rất lớn như thiên tai, chiến tranh, xung đột hay chế độ chính trị thay đổi... Năm 2007, bất động sản tại Anh đã giảm xuống đến gần đáy. Nhiều ý kiến cho rằng thị trường này sẽ sụp đổ. Thế nhưng, nó chỉ chững lại trong hai năm 2007 -2008, đến năm 2009 thì bắt đầu tăng trở lại.

 

Hiện Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) đã bắt đầu triển khai một số giải pháp nhằm kiềm chế tốc độ tăng giá nhà ví dụ như siết chặt nguồn vốn cho vay. Theo bà, những giải pháp này sẽ tác động như thế nào đến thị trường bất động sản ở Anh trong thời gian tới?


Gần đây, Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) đã đưa ra một số quy định mới về cho vay vốn. Trước đây, nhà đầu tư chỉ cần thế chấp 5% trên tổng giá trị bất động là họ đã có thể vay đến 95%. Tuy nhiên, quy định này hiện đã được thay đổi. Giờ đây, họ cần phải thế chấp 20% thì họ mới được vay 80% còn lại của giá trị bất động sản. Tổng số tiền vay chỉ được phép cao gấp 4,5 lần so với lương. Mặc dù vậy, quy định của ngân hàng chỉ là một yếu tố rất nhỏ có thể ảnh hưởng đến giá cả bất động sản. Sự tăng hay giảm giá bất động sản liên quan đến nhiều yếu tố. Tôi cho rằng việc ngân hàng điều chỉnh các quy định cũng cần phải theo hướng thích hợp. Nếu không, nó sẽ ảnh hưởng đến thị trường bất động sản, khiến thị trường này méo mó đi. Theo dự báo của một số hãng lớn, giá bất động sản ở Anh và London vẫn tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Nếu so sánh với Anh, thì chúng ta thấy rằng hiện tốc độ tăng trưởng của thị trường bất động sản Việt Nam vẫn yếu và chưa hoàn toàn thoát khỏi tình trạng "đóng băng". Theo bà, cần phải có những giải pháp nào, đặc biệt là về chính sách, để giúp thị trường bất động sản ở Việt Nam khởi sắc trở lại?


Nhìn về thị trường bất động sản Việt Nam, tôi cho rằng thứ nhất, Nhà nước nên can thiệp vào thị trường bất động sản. Thứ hai, Nhà nước cần phải xây dựng hệ thống pháp lý chặt chẽ và minh bạch. Thứ ba, cần phải thay đổi quy chế về nguồn vay, giúp người dân cũng như nhà đầu tư tiếp cận nguồn vốn dễ dàng. Tuy nhiên, cũng cần có quy chế kiểm tra xem nguồn vốn đã được sử dụng đúng mục đích hay chưa. Vì tất cả nguyên nhân gây ra tình trạng "đóng băng" của thị trường bất động sản Việt Nam là khi ngân hàng cho vay một cách dễ dãi, họ không điều tra kỹ lưỡng, cho nên ảnh hưởng đến nguồn vốn vay. Theo tôi, thị trường bất động sản ở Việt Nam cũng sẽ khởi sắc trở lại với sự hỗ trợ của hệ thống chính sách cũng như hệ thống ngân hàng.


Xin trân trọng cảm ơn bà!


Lê Phương - Huy Hiệp(Thực hiện)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN