Không kích khiến IS giảm nguồn thu từ dầu mỏ

Đã một tháng trôi qua kể từ khi Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố sẽ triển khai chiến dịch không kích lâu dài nhằm vào nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đang hoành hành tại Syria và Iraq. Tuy nhiên, kế hoạch dùng máy bay không kích “xóa sổ” các phần tử IS đã sớm bộc lộ khó khăn hơn những gì Mỹ và liên minh quốc tế chống IS dự tính.

Hình ảnh vệ tinh của vụ không kích hồi tháng 6 nhằm vào nhà máy lọc dầu Baiji North bị phiến quân IS kiểm soát. Ảnh: AFP


Cụ thể, những phiến quân này được vũ trang đầy đủ, hành xử tàn bạo và đã kiểm soát được những vùng lãnh thổ rộng lớn tại Syria và Iraq. Hơn thế nữa, chúng còn có chỗ dựa kinh tế rất vững chắc từ những giếng dầu và nhà máy lọc dầu chiếm được. Trong tháng 6, những phần tử Hồi giáo cực đoan này đã kiếm được khoản tiền khổng lồ từ 1-3 triệu USD mỗi ngày bằng việc bán dầu ra thị trường chợ đen, biến chúng trở thành một trong những nhóm khủng bố giàu nhất lịch sử.


Mặc dù các cuộc oanh tạc của liên quân chưa thể chấm dứt hẳn việc IS trục lợi từ các mỏ dầu nhưng cũng đã hạn chế được phần nào hoạt động chở dầu đi bán của nhóm này.


Theo báo cáo của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) có trụ sở tại Pháp, ước tính lực lượng IS chỉ thu được 20.000 thùng dầu mỗi ngày, giảm rõ rệt so với con số 70.000 thùng hồi tháng 8. Tại thời điểm đó, IS đang kiểm soát vùng lãnh thổ rộng lớn tại Syria và Iraq tổng cộng lên tới 253.340 km2, bao gồm 7 mỏ dầu và 1 nhà máy lọc dầu ở phía Bắc Iraq cùng với 6 mỏ dầu tại Đông Syria.



Một lá cờ đen của nhóm IS được cắm tại thành phố Kirkuk, phía Bắc Iraq. Ảnh: Reuters


Phần lớn số dầu IS khai thác được sẽ được những tay trung gian chuyển ra thị trường đen giao dịch bằng tiền mặt nên việc lần theo dấu vết chúng là rất khó. Các biện pháp chống rửa tiền, trừng phạt ngân hàng hay can thiệp ngoại giao mà phương Tây từng sử dụng để làm cạn kiệt nguồn quỹ của các tổ chức khủng bố khác đều không thể áp dụng với IS.


Tuy nhiên, chiến dịch không kích của liên quân do Mỹ đứng đầu tại Iraq và Syria dường như đã làm được điều này bởi có thể cản trở hoạt động khai thác dầu của IS. Nguồn tin từ ngành công nghiệp dầu mỏ Iraq cho biết những lúc đỉnh điểm mỗi ngày có hơn 120 chiếc xe tải của IS chở khoảng 20.000 thùng dầu từ mỏ Ajeel ở gần thành phố Tikrit đi tiêu thụ. Đến nay số xe tải chở dầu có thể hoạt động chỉ còn 10 chiếc mỗi ngày.


Trong khi đó tại Syria, lượng dầu IS kiếm được đã giảm xuống còn gần 10.000 thùng/ngày. Máy bay Mỹ và liên quân chống IS đã phá hủy hàng chục mỏ dầu nhỏ tại Syria do phiến quân chiếm được từ năm 2011. Bên cạnh đó, những cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ và người Kurd cũng đã hạn chế rõ rệt hoạt động khai thác dầu của IS. Cuối tháng 9 vừa qua, các binh sĩ người Kurd thông báo đã bắt giữ được 4 xe tải chở dầu của phiến quân IS khi đang trên đường đi tiêu thụ.


IS cần tiếp cận với nguồn khai thác để duy trì tài chính cho phong trào gây chiến của chúng. Bị đánh bật ra khỏi các mỏ dầu cũng đồng nghĩa với việc không có nhiên liệu để sử dụng số xe tăng, xe quân sự để chiến đấu. Sau khi đã mất đi phần lớn khả năng kiếm chác dầu lậu ở Syria, lực lượng này có thể sẽ phải dồn quân tới 2 nhà máy lọc dầu lớn ở phía Tây nước này, gần biên giới Liban. Động thái này sẽ tạo ra thêm áp lực cho cuộc chiến hai mặt trận mà IS đang phải chống trả và hạn chế khả năng mở rộng lãnh thổ về vùng đất phía Đông Iraq.


Nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng là một trong số ít những nhóm khủng bố có thể “tự kiếm tiền” và trả lương cho những phần tử tham gia lực lượng. Các nguồn tin cho rằng nhóm khủng bố này đang sở hữu khối tài sản khoảng 2 tỷ USD.

Với nguồn dầu thô chiếm được, IS bán chúng ra chợ đen với giá rẻ từ 25-60 USD/thùng. Không chỉ vậy, các phiến quân IS còn kiếm tiền từ những vụ bắt cóc tống tiền hoặc cướp bóc, bán tài sản và đất đai của người dân; đánh thuế các cửa hàng kinh doanh và những khu công nghiệp tại vùng đất chúng kiểm soát. Ngoài ra còn có thông tin cho rằng rất nhiều nhà tài trợ giàu có trên khắp thế giới đã chuyển tiền nuôi dưỡng mục đích thành lập một nhà nước Hồi giáo của IS.



Hoàng Trang


Nga: Chống IS cần đồng thuận quốc tế, không hành động đơn phương
Nga: Chống IS cần đồng thuận quốc tế, không hành động đơn phương

Nga không bao giờ từ bỏ các nỗ lực chống chủ nghĩa khủng bố, nhưng cho rằng cuộc chiến chống IS cần sự đồng thuận quốc tế. Đó là phát biểu của Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev hôm 15/10.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN