Lãnh đạo Azerbaijan và Armenia cùng bác bỏ kêu gọi đàm phán

Armenia và Azerbaijan ngày 29/9 đều bác bỏ những lời kêu gọi tiến hành đàm phán giữa lúc cuộc xung đột của hai nước liên quan đến khu vực Nagorny-Karabakh ngày càng leo thang và có nguy cơ biến thành cuộc chiến tổng lực.

Chú thích ảnh
Lực lượng Armenia nã pháo về phái các vị trí của quân đội Azerbaijan trong cuộc xung đột tại khu vực tranh chấp Nagorno-Karabakh ngày 28/9/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Cả 2 nước đều cáo buộc lẫn nhau về các cuộc tấn công từ bên kia qua biên giới chung, cũng như về phía Tây khu vực Nagorny-Karabakh. Các vụ tấn công này cho thấy xung đột vẫn leo thang bất chấp kêu gọi của Hội đồng Bảo an LHQ yêu cầu hai nước ngừng ngay lập tức các cuộc giao tranh. 

Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev đã thẳng thừng bác bỏ bất kỳ khả năng đàm phán nào, trong khi Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan tuyên bố rằng đàm phán không thể diễn ra trong khi giao tranh tiếp tục. Ông Pahsinyan cũng cho rằng các cuộc đàm phán hòa bình với Azerbaijan với sự trung gian của Nga vào thời điểm này là không thích hợp. 

Phát biểu với hãng tin Nga Interfax, ông Pashinyan nói: "Rất không thích hợp nói về hội nghị thượng đỉnh giữa Armenia, Azerbaijan và Nga vào thời điểm giao tranh ác liệt. Cần có một bầu không khí thích hợp và hoàn cảnh thích hợp cho các cuộc đàm phán". 

Ông Pashinyan cũng cho biết Armenia vào lúc này cũng không có kế hoạch yêu cầu Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể mà nước này là thành viên can thiệp vào cuộc xung đột. 

Trước đó, phát biểu với đài BBC, Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan nói rằng Nga, Mỹ và Pháp, trên cương vị đồng Chủ tịch của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu tại Nhóm Minsk, nên tích cực hơn trong việc thúc đẩy hòa bình và ổn định ở khu vực Nagorny-Karabakh. 

Thủ tướng Armenia nói: “Nga, về mặt chính thức và pháp luật, là đối tác chiến lược của Armenia, nhưng thực tế hiện tại Moskva hoàn toàn trung lập... Nga là một thành viên đồng Chủ tịch Nhóm Minsk, và thành thật mà nói, nhiệm vụ của Nga là trung lập. Nhưng tôi nghĩ Nga, Mỹ và Pháp không chỉ nên ủng hộ sự ổn định và hòa bình, mà còn có thể nỗ lực hơn nữa vì điều đó."

Trong diễn biến liên quan, Điện Kremlin thông báo Tổng thống Nga Vladimir Putin đã điện đàm với ông Pashinyan lần thứ 2 kể từ khi nổ ra cuộc khủng hoảng và cho biết, các bên cần có  biện pháp giảm căng thẳng. Điện Kremlin không công bố bất kỳ tiếp xúc nào giữa ông Putin và Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev.

Về tình hình chiến trường, đã có 98 người được xác nhận thiệt mạng do các cuộc giao tranh trong những ngày qua, gồm 81 tay súng lực lượng ly khai ở Nagorny-Karabakh và 17 dân thường ở cả 2 phía, trong đó có cả phụ nữ và trẻ em. 

Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Azerbaijan cho biết giao tranh dữ dội vẫn tiếp diễn ngày 30/9, khẳng định quân đội nước này tiêu diệt 2.300 tay súng ly khai Nagorny-Karabakh, phá hủy 130 xe tăng, 200 khẩu pháo, 25 tên lửa phòng không, 5 kho đạn, 50 tên lửa chống tăng, 55 xe quân sự cũng như hệ thống tên lửa đất đối không tầm xa S-300 do Nga sản xuất của Armenia kể từ khi giao tranh bùng phát ngày 27/9.

Thúc Anh (TTXVN)
Xung đột tại Nagorny-Karabakh: HĐBA LHQ kêu gọi lập tức chấm dứt giao tranh  
Xung đột tại Nagorny-Karabakh: HĐBA LHQ kêu gọi lập tức chấm dứt giao tranh  

Ngày 29/9, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) đã lên tiếng kêu gọi các lực lượng Armenia và Azerbaijan "lập tức ngừng giao tranh" tại khu vực Nagorny- Karabakh sau 3 ngày xung đột gây thương vong.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN