Liệu Mỹ có sớm không kích ISIS tại Syria?

Với những kết quả ban đầu trong chiến dịch không kích tại Iraq nhằm vào lực lượng khủng bố Nhà nước Hồi giáo tại Iraq và Syria (ISIS), hay còn được gọi với tên mới là Nhà nước Hồi giáo (IS), Tổng thống Mỹ Barack Obama cuối tuần qua đã ra lệnh cho Lầu Năm góc tiến hành các chuyến bay do thám trên không phận Syria để thu thập thông tin tình báo về ISIS. Vậy liệu các chiến dịch không kích ISIS tại Syria có sớm được tiến hành?

Trong bài xã luận ngày 28/8, nhật báo "New York Times" (Mỹ) cho rằng, có rất nhiều câu hỏi chưa có câu trả lời nếu quyết định tấn công được đưa ra vào thời điểm này. Thêm vào đó, tới nay vẫn chưa có nhiều thảo luận công khai để ông Obama có thể tập hợp được sự ủng hộ của người dân Mỹ với thêm một cam kết quân sự tốn kém nữa.

Dù truyền thông quốc tế dồn dập đưa tin rằng chiến dịch không kích sẽ sớm được tiến hành, nhưng các quan chức Mỹ ngày 27/8 nói với báo "New York Times" rằng quyết định không kích Syria sẽ khó có thể được đưa ra cho tới cuối tháng 9 này, sau hội nghị thượng đỉnh của NATO vào tuần tới và sau các cuộc tham vấn khác.

Các tay súng thuộc lực lượng IS.


Nếu Tổng thống Barack Obama muốn mở rộng chiến dịch quân sự nhằm vào ISIS, ông sẽ phải giải thích các cuộc không kích ISIS tại Syria phù hợp với chiến lược tổng thể như thế nào, có thể thành công đến đâu, thành công đó có ý nghĩa gì và chiến dịch được tiến hành thế nào để không mang lại lợi ích cho chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad.

Một vấn đề nữa là chính quyền Tổng thống Barack Obama chưa có thông tin đầy đủ về ISIS, cả về tổ chức và lực lượng của nhóm khủng bố này. Điều này là đáng báo động khi xét tới thực tế hàng tỷ USD đã được chi kể từ 11/9/2001 nhằm phát triển các công nghệ và chiến lược để phát hiện và đánh giá các mối đe dọa khủng bố.

Các quan chức và chuyên gia Mỹ tới nay vẫn chia rẽ về việc ISIS tạo ra mối đe dọa như thế nào đối với nước Mỹ. Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel tuần trước mô tả ISIS là mối đe dọa hiện hữu với tất cả các lợi ích của Mỹ, nhưng thư ký báo chí Lầu Năm góc lại nói rằng Bộ Quốc phòng không tin ISIS có đủ thực lực để tiến hành một cuộc tấn công lớn vào nội địa Mỹ. Một số quan chức và chuyên gia khác cũng chưa tin là ISIS là một vấn đề vượt ra khỏi khu vực.

Khi không có một đánh giá chính xác về mối đe dọa đó thì sẽ không thể xác định mục tiêu là gì. Để làm suy yếu lực lượng cực đoan, như Mỹ đã từng làm với al-Qaeda, là một vấn đề, nhưng đánh bại lực lượng này lại là vấn đề hoàn toàn khác. Ngoại trưởng Mỹ đã nói rằng ISIS phải bị triệt hạ. Nếu đó là mục tiêu, thì nó sẽ thực hiện như thế nào?

Binh sĩ người Kurd gác tại một vị trí ở khu vực Jalawla, Iraq. Ảnh: AFP-TTXVN


Tới nay, chính quyền Mỹ vẫn phải cẩn trọng với chiến dịch tại Iraq, do chính Baghdad đề nghị. Mỹ đang không kích các mục tiêu ISIS trong khi lực lượng an ninh Iraq và lực lượng dân quân người Kurd tiến hành các chiến dịch mặt đất. Và các cố vấn Mỹ có mặt tại nước này đang giúp xác định các mục tiêu và cố vấn cho các tư lệnh của Iraq.

Tuy nhiên, Mỹ tới nay vẫn chưa được mời tới Syria, và chính quyền Tổng thống Barack Obama cũng vẫn chưa xác định cơ sở pháp lý để vượt qua đường biên giới sang Syria. Và ông Obama cũng vẫn chưa lý giải về cách thức mà phe đối lập chống chính quyền Tổng thống al-Assad tại Syria có thể được tăng cường sức mạnh như thế nào để kịp thời phối hợp chống lại ISIS.

Cũng giống như tại Iraq, hành động quân sự đơn thuần sẽ là không đủ để đánh bại lực lượng cực đoan. Các quan chức Mỹ đang tìm cách huy động một liên minh các đồng minh để đối đầu với ISIS. Chẳng hạn như, Thổ Nhĩ Kỳ và một số quốc gia Vịnh Persian đang cho phép sử dụng các căn cứ quân sự của họ để tiến hành chiến dịch không kích, và các nước châu Âu đang cung cấp vũ khí cho người Kurd.

Nhưng tới nay, vẫn chưa có một chiến lược toàn diện nào được vạch ra. Và khi chưa có chiến lược đó, việc mở rộng chiến dịch không kích sang Syria sẽ là không khôn ngoan, nhất là khi Tổng thống Obama đã thừa nhận rằng nó không dễ dàng và không thể nhanh chóng kết thúc.


Lê Dương

Mỹ kêu gọi lập "liên minh quốc gia" đối phó IS
Mỹ kêu gọi lập "liên minh quốc gia" đối phó IS

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry kêu gọi thành lập một liên minh các quốc gia trên phạm vi toàn cầu,nhằm đối phó với lực lượng "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng đang hoạt động tại Syria và miền Bắc Iraq.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN