'Ngoại giao ngũ cốc' của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan với người đồng cấp Nga Putin tại Sochi

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan có lịch trình gặp người đồng cấp Nga Vladimir Putin vào ngày 4/9. Cuộc gặp diễn ra tại Sochi trên bờ biển phía Nam nước Nga trong một nỗ lực lâu dài nhằm khôi phục thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen kịp thời cho vụ thu hoạch mùa Thu.

Chú thích ảnh
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và người đồng cấp Nga Vladimir Putin trong cuộc gặp tại Tehran, Iran ngày 19/7/2022. Ảnh: AP

Hãng thông tấn AFP (Pháp) cho biết người phát ngôn đảng Công lý và Phát triển của Tổng thống Erdogan – ông Omer Celik từng phát biểu trước truyền thông rằng cuộc họp sẽ tập trung vào ngăn chặn một "cuộc khủng hoảng lương thực" sắp xảy ra. Trước đó, Tổng thống Erdogan cho biết ông Putin sẽ tới Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 8.

Lý do Nga rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc

Vào ngày 17/7, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết: "Thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen thực tế chấm dứt hiệu lực ngày hôm nay". Ông Peskov nêu rõ: "Như Tổng thống Nga đã tuyên bố trước đó, thỏa thuận hết hiệu lực vào ngày 17/7. Đáng tiếc phần thỏa thuận liên quan đến Nga vẫn không được thực hiện. Vì vậy hiệu lực của thỏa thuận chấm dứt".

Người phát ngôn này đồng thời nhấn mạnh ngay khi phần liên quan đến Nga được thực hiện, Moskva sẽ "ngay lập tức" quay trở lại thực hiện thỏa thuận. Cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết nước này đã chính thức thông báo cho Thổ Nhĩ Kỳ, Ukraine và Liên hợp quốc (LHQ) về việc không gia hạn thỏa thuận ngũ cốc.

Thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen kí kết ngày 22/6/2022 tại Istambul (Thổ Nhĩ Kỳ) với thời hạn 120 ngày sau đó được gia hạn 3 lần. Một phần của thỏa thuận quy định trình tự vận chuyển ngũ cốc từ các cảng do Kiev kiểm soát, phần khác đề cập đến việc xuất khẩu nông sản và phân bón của Nga ra thị trường thế giới vẫn chưa được thực hiện.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cáo buộc ngũ cốc từ Ukraine được xuất khẩu không phải sang các nước nghèo nhất mà chủ yếu sang phương Tây.

Tổng thống Erdogan tích cực với vấn đề ngũ cốc

Chú thích ảnh
Máy gặt thu thập rơm trên cánh đồng ở vùng Kiev (Ukraine). Ảnh: AP

Kể từ khi Nga rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen, ông Erdogan đã nhiều lần cam kết nối lại các sắp xếp giúp tránh khủng hoảng lương thực ở các khu vực tại châu Phi, Trung Đông và châu Á. Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan đã gặp Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu tại Moskva ngày 1/9. Trong một cuộc họp báo, ông Fidan khẳng định rằng việc khôi phục thỏa thuận ngũ cốc quan trọng đối với thế giới.

Ukraine và Nga là những nhà cung cấp hàng đầu lúa mì, lúa mạch, dầu hướng dương và nhiều hàng hóa khác cho các quốc gia đang phát triển.

Hội nghị thượng đỉnh Sochi diễn ra sau cuộc hội đàm giữa ngoại trưởng Nga và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ hôm 31/8, trong đó Nga đã bàn giao danh sách các hành động mà phương Tây cần phải thực hiện để hoạt động xuất khẩu từ Biển Đen của Ukraine được khôi phục. Giá lúa mì tại Mỹ ngày 1/9 đã tăng, một ngày sau khi Ngoại trưởng Sergey Lavrov nhận định Nga không thấy dấu hiệu nào về những đảm bảo cần thiết để khôi phục thỏa thuận ngũ cốc.

Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres gần đây đã gửi cho ông Lavrov “những đề xuất cụ thể” nhằm đưa hàng xuất khẩu của Nga sang thị trường toàn cầu và cho phép nối lại sáng kiến Biển Đen. Tuy nhiên, ông Lavrov cho biết Moskva không hài lòng với bức thư.

Chú thích ảnh
Thu hoạch lúa mì trên cánh đồng ở Stavropol, Nga. Ảnh: AFP/TTXVN

Tổng thống Erdogan đã tỏ ra thông cảm với quan điểm của người đồng cấp Putin. Vào tháng 7, ông Erdogan cho biết nhà lãnh đạo Nga có "những kỳ vọng nhất định từ các nước phương Tây" về thỏa thuận này và rằng "điều quan trọng là các quốc gia phương Tây phải hành động".

Mô tả những nỗ lực "mạnh mẽ" của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm khôi phục thỏa thuận, Ngoại trưởng Fidan cho biết đây là một "quá trình cố gắng hiểu rõ hơn về lập trường và yêu cầu của Nga để đáp ứng chúng". Ông bổ sung: “Có rất nhiều vấn đề, từ giao dịch tài chính đến bảo hiểm”.

Lần gần đây nhất hai nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ và Nga gặp nhau là tại thủ đô Astana của Kazakhstan vào tháng 10 năm ngoái.

Nga đã thúc đẩy đề xuất của riêng nước này về việc cung cấp thực phẩm miễn phí cho châu Phi và đưa ngũ cốc giảm giá để chế biến ở Thổ Nhĩ Kỳ theo một thỏa thuận được đề xuất liên quan đến Qatar.

Tổng thống Erdogan là một trong số ít nhà lãnh đạo trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) duy trì khả năng tiếp cận cởi mở với nhà lãnh đạo Nga Putin. AFP cho rằng quyết định của Tổng thống Putin giảm giá và trì hoãn các khoản thanh toán của Thổ Nhĩ Kỳ đối với nhập khẩu khí đốt của Nga đã giúp xoa dịu cuộc khủng hoảng kinh tế gây cản trở khả năng tái đắc cử của ông Erdogan trong tháng 5.

Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ từ chối tham gia các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Moskva đồng thời trở thành địa điểm quan trọng để Nga tiếp cận các dịch vụ và hàng hóa. Nhưng Thổ Nhĩ Kỳ vẫn cung cấp vũ khí cho Ukraine và ủng hộ tham vọng gia nhập NATO của Kiev.

Hà Linh/Báo Tin tức (Theo AP, AFP)
Nga và Thổ Nhĩ Kỳ âm thầm tranh giành Biển Đen?
Nga và Thổ Nhĩ Kỳ âm thầm tranh giành Biển Đen?

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan từ lâu cho rằng vùng biển chiến lược này không nên là "hồ của Nga".

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN